Theo đó, tại bản Sủa và Na Hồ (xã Sơn Điện), bản Son và Sa Ná (xã Na Mèo), huyện Quan Sơn bị ngăn cách bởi con sông Luồng. Bản Nầm (xã Trung Tiến) bị chia cắt bởi sông Lò. Hiện chỉ có lực lượng thanh niên dùng dây để bám và đi bằng bè qua sông nhưng rất nguy hiểm.
Ông Vũ Văn Đạt, Chủ tịch UBND huyện miền núi Quan Sơn cho biết: Trước đó từ ngày 13/9 đến sáng 16/9, lượng mưa lớn từ thượng nguồn đổ về khiến nước sông Lò và sông Luông dâng cao gần 2 m gây chia cắt 5 bản tại 3 xã trên địa bàn huyện Quan Sơn, giao thông đi lại rất khó khăn, nguy hiểm. Tuy nhiên do người dân trên địa bàn huyện không sinh sống gần khu vực sông, suối nên không có nguy hiểm về tính mạng do sạt lở bờ sông, bờ suối.
UBND huyện Quan Sơn đã chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương theo sát tình hình, diễn biến để có hướng ứng phó khi cần thiết. Trước mắt, huyện đã cho lực lượng thanh niên của địa phương tiếp cận địa bàn các bản, nắm tình hình, diễn biến và sẽ có những hỗ trợ khi cần thiết. Hiện cuộc sống của người dân ở các địa bàn kể trên vẫn ổn định với phương châm bốn tại chỗ. Huyện Quan Sơn cũng đang thống kê tình hình thiệt hại do bão số 10 gây ra
Đồng nuôi trồng thủy sản ngoài đê ở xã Hoằng Thanh (huyện Hoằng Hóa) tan hoang sau bão. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN |
Tại huyện miền núi Lang Chánh, rạng sáng ngày 16/9, UBND huyện cũng đã phải chỉ đạo các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương tiến hành sơ tán khoảng 70 người chủ yếu là người già và trẻ nhỏ tại bản Trải 2 (thị trấn Lang Chánh), nằm bên bờ sông Âm được sơ tán đến những nơi an toàn. Tại các đập tràn trên địa bàn thị trấn Lang Chánh, UBND huyện cũng cắt cử người trực gác thông báo mực nước cho người tham gia giao thông được đảm bảo an toàn. Hiện chính quyền địa phương vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến mưa lũ để có những biện pháp ứng phó kịp thời.
Theo báo cáo nhanh từ Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, tính đến 7 giờ ngày 16/9, bão số 10 đã làm sạt lở 6,5 km bờ biển trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, trong đó bờ biển Quảng Nham, huyện Quảng Xương bị sóng đánh sạt sâu vào đất liên 6 -7 m, chiều dài 5,2 km. Sóng biển cũng đánh sạt lở bờ biển thành phố Sầm Sơn với chiều dài 0,5 km. Đê biển tại xã Hải Bình, huyện Tĩnh Gia cũng bị xói lở 220 m do sóng đánh tràn qua mặt đê. Đường và kè khu sinh thái Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) bị sạt 2,5 km.
Thống kê của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa cho thấy, toàn tỉnh có 108 nhà bị ngập nước, trong đó 33 nhà bị thiệt hại hoàn toàn. Lúa mùa bị thiệt hại 773 ha, rau màu 294 ha, 5.000 cây bị đổ, gãy. Diện tích nuôi trồng thủy, hải sản bị thiệt hại là 2.717 ha; bến cá bị sạt lở 30.000 m3; 33 chiếc thuyền mủng, bè mảng bị trôi. Đê bao nuôi trồng thủy hải sản bị cuốn trôi 35.000 m3, đê dưới cấp III bị sạt 490 m. Cống Đồng Màu tại K60+870 đê hữu sông Mã thuộc thôn Tiến Lợi, xã Quảng Cư, thành phố Sầm Sơn bị hư hỏng hệ thống đóng mở, đóng không kín làm nước chảy từ phía sông sang phía đồng. Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã có văn bản yêu cầu UBND thành phố Sầm Sơn khẩn trương huy động vật tư, phương tiện để xử lý sự cố trên.
Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đức Quyền đi thị sát tại các xã ven biển huyện Hoằng Hóa. Ảnh: Khiếu Tư/TTXVN |
Cơn bão số 10 cũng đã làm một người chết là anh Phạm Văn Cường, sinh năm 1973, trú tại thôn 1, xã Xuân Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, khi đánh cá đã bị lũ cuốn trôi. Ngoài ra, một tàu đánh cá mang số hiệu TH 93666 TS, trên tàu có 10 thuyền viên do anh Nguyễn Văn Tuy, thường trú tại xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa làm thuyền trưởng bị mất liên lạc từ ngày 13/9 đến nay vẫn chưa có thông tin.
Hiện Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh Thanh Hóa và các lực lượng chức năng, chính quyền địa phương đang liên lạc với bộ đội biên phòng các tỉnh Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Vũng Tàu để tìm kiếm thông tin về con tàu kể trên. Ngoài ra một tàu khai thác ngao mang số hiệu TH 91418 TS có công suất 210 CV của chủ tàu Nguyễn Văn Cử, sinh năm 1980, trú tại thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc trong khi đang neo đậu tại bến thuộc thôn Hậu Trạch, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) thì gặp sự cố nước tràn vào khoang khiến tàu bị chìm.