Theo đó, để chủ động ứng phó thiên tai, hạn chế thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng, của cải của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố ven biển phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các đơn vị liên quan, quản lý chặt chẽ tàu thuyền, hướng dẫn, sắp xếp neo đậu đảm bảo an toàn; đồng thời tiếp tục triển hai phương án bảo vệ các hoạt động kinh tế trên biển và ven biển để đảm bảo an toàn về người và tài sản; rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó bão, mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, nhất là sơ tán dân khu vực nguy hiểm, đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Các địa phương, sở, ngành liên quan chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “4 tại chỗ” để chủ động ứng phó, đặc biệt là các khu vực có nguy cơ xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để sẵn sàng cho tình huống bị chia cắt, cô lập cục bộ, kịp thời triển hai sơ tán dân, cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả thiên tai.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các địa phương chuẩn bị triển khai các phương án bảo vệ sản xuất, đê điều, hồ đập cũng như bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố xảy ra; yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo công tác bảo đảm an toàn hồ đập, đê điều, nhất là các công trình xung yếu, công trình đang thi công sửa chữa, chỉ đạo triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp.
Các công ty khai thác công trình thủy lợi phối hợp với ngành điện lực, các địa phương sẵn sàng triển hai phương án tiêu úng, bảo vệ sản xuất nông nghiệp và phương án đảm bảo an toàn cho các công trình được giao quản lý, đặc biệt là các hồ chứa đã đầy nước, hệ thống cửa van xả lũ…
Theo bản tin của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, từ ngày 11/10, tỉnh Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 30-60 mm, có nơi trên 80 mm.