Tại phiên chất vấn, các đại biểu đã thẳng thắn cho rằng, những năm qua, công tác tuyển dụng công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Chất lượng đội ngũ công chức, viên chức ngày càng nâng cao, góp phần vào việc thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan đơn vị. Tuy nhiên, một số cơ quan, đơn vị thực hiện chưa tốt việc tuyển dụng công chức, viên chức, nhất là việc ký hợp đồng lao động không đúng quy định, ngoài định mức được giao. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng nghìn giáo viên trên địa bàn tỉnh bị chấm dứt hợp đồng lao động, ảnh
hưởng không nhỏ đến đời sống một bộ phận giáo viên, trong số đó có nhiều
giáo viên giỏi, tâm huyết, gắn bó với nghề và đang trực tiếp giảng dạy
các môn chủ đạo...
Nhiều giải pháp giải quyết dứt điểm tình trạng giáo viên dôi dư. Ảnh:Quý Trung/TTXVN |
Ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa cho biết, liên quan đến sự việc hàng nghìn giáo viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa bị chấm dứt hợp đồng lao động trên địa bàn các huyện Yên Định, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Sở Nội vụ đã làm việc với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa bàn phương án giải quyết thấu tình đạt lý. Sở đã phối hợp với UBND các huyện tổ chức đối thoại trực tiếp với người lao động trên cơ sở trao đổi thẳng thắn, trực tiếp, đồng thời yêu cầu UBND các huyện khẩn trương rà soát lại đội ngũ công chức, viên chức trên địa bàn.
Căn cứ theo nhu cầu của địa phương tiếp tục ký hợp đồng lao động, trong đó ưu tiên đối với những giáo viên vừa bị chấm dứt hợp đồng lao động đang giảng dạy ở những môn học đặc thù địa phương còn thiếu. Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục chủ động sắp xếp lại lớp học, qua đó có kế hoạch điều chuyển giáo viên ở những nơi thừa sang nơi thiếu tiếp tục công tác. "Tuy nhiên, số lượng giáo viên bị chấm dứt hợp đồng lao động là quá lớn nên cần có lộ trình nhất định, với những giải pháp phù hợp theo từng nhóm đối tượng", Giám đốc Sở Nội vụ Đầu Thanh Tùng chia sẻ…
Làm rõ hơn về vấn đề này, ông Phạm Đăng Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa khẳng định, việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với các giáo viên trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua là thực hiện đúng theo Quyết định số 3075/QĐ-BGDĐT về kế hoạch triển khai thực hiện chính sách tinh giản biên chế giai đoạn 2015 - 2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Mặt khác, toàn bộ hợp đồng lao động bị chấm dứt đều là những hợp đồng ký sai quy định nên khi dừng hợp đồng, việc giải quyết chế độ chính sách cho những đối tượng này là rất khó. Điều này đã có tác động không nhỏ đến toàn xã hội, gây dư luận không tốt và phản ứng quyết liệt từ người lao động… Để giải quyết vấn đề này, UBND tỉnh Thanh Hóa triệu tập các cơ quan liên quan gồm Sở Nội vụ; Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài Chính, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa, Bảo hiểm xã hội tỉnh họp bàn tìm cách giải quyết trên cơ sở đúng quy định nhưng vẫn đảm bảo chế độ chính sách cho những người bị dừng hợp đồng… Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Sở Nội vụ khẩn trương tham mưu, trình UBND tỉnh ban hành các quy định, quy chế liên quan đến tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức. Sở Nội vụ phối hợp với các sở, ngành liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện xử lý các đơn vị tuyển dụng công chức, viên chức, hợp đồng lao động không đúng quy định…
Trước đó, ngày 28/6, UBND huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, ra thông báo số 98/TB-UBND về việc dừng không ký lại hợp đồng lao động đối với các trường hợp hết hạn hợp đồng đang làm việc tại các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, trường học trên địa bàn bắt đầu từ ngày 30/6/2016. Ngày 19/8/2016, UBND huyện Yên Định ra Quyết định số 1251/QĐ - UBND thông báo chấm dứt hợp đồng lao động đối với 647 giáo viên hiện đang công tác tại các trường trung học cơ sở, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung cấp nghề trên địa bàn huyện...