Cuối tuần qua, thêm khoảng 500 người Việt sơ tán từ Ukraine đã được trở về quê hương trên 3 chuyến bay từ Moskva (LB Nga), Bucharest (Romania) và Vácsava (Ba Lan). Riêng tại Romania và Ba Lan, đây là chuyến thứ ba khởi hành từ hai nước Đông Âu này đưa bà con về nước, sau hai chuyến bay đầu tiên do Nhà nước chi trả toàn bộ kinh phí (chuyến từ Romania ngày 7/3 và từ Ba Lan ngày 9/3). Với sự quan tâm, tham gia tích cực của các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam và sự hỗ trợ nhiệt tình của cộng đồng người Việt tại các nước Đông Âu, công tác bảo hộ công dân, sơ tán an toàn người Việt ở Ukraine và đưa bà con về nước đã và đang được triển khai quyết liệt trên tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước là không được để công dân Việt Nam trong vùng chiến sự ở Ukraine bị thiệt mạng, bị thương, bị đói, rét... Tới nay, hơn 4.600 người đã được sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận, trong đó hơn 1.600 đã được đưa về nước an toàn.
Ngay sau khi nắm bắt được thông tin có người Việt bị kẹt trong vùng chiến sự tại Ukraine, Đại sứ quán Việt Nam ở LB Nga, phối hợp với Ban chấp hành Hội người Việt Nam tại LB Nga và hội Việt Nam ở các thành phố Voronezh, Rostov, Krasnodar đã nhanh chóng triển khai hoạt động thông báo, liên hệ để tìm hiểu tình hình. Đại sứ quán ngay lập tức tổ chức 2 đoàn công tác đến tận các cửa khẩu biên giới để bảo hộ, giải quyết những khó khăn cho bà con, đồng thời thiết lập quan hệ chặt chẽ với các cơ quan chức năng liên quan LB Nga, từ trung ương tới địa phương, nhằm phối hợp sơ tán người Việt.
Ông Vũ Sơn Việt, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga, thành viên một đoàn công tác trực tiếp đi đón bà con, cho biết: “Khi nổ ra xung đột, Đại sứ quán luôn duy trì liên hệ với Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, đường dây nóng của Bộ Quốc phòng Nga để làm sao có được thông tin thông suốt, để sơ tán được bà con sang Nga an toàn nhất. Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine cũng phối hợp rất chặt chẽ để đưa người sang Nga”. Khó khăn nhất có lẽ là việc thông tin đến được với bà con ở Ukraine vì đa số ở dưới hầm trú ẩn. Có những nơi không có điện, không có nước, không có sóng điện thoại, Đại sứ quán chỉ có thể truyền miệng thông tin qua người này, người kia để đến được bà con. Mặc dù vậy, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của đại sứ quán, nhiều nhóm người Việt ở Kherson, Kharkov, Donetsk... đã được đón an toàn sang Nga. Khoảng 30 bà con còn kẹt tại thành phố Mariupol ở miền Nam Ukraine cũng đã được tiếp tế lương thực và bảo vệ, đợi hành lang nhân đạo mở để sơ tán sang Nga.
Chia sẻ với phóng viên TTXVN khi vừa được đón từ thành phố Kherson đến điểm tạm trú ở tỉnh Krasnodar (Nga), anh Lưu Xuân Trường xúc động bày tỏ "Nhờ chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc hỗ trợ sơ tán khẩn cấp công dân ra khỏi vùng chiến sự ở Ukraine và sự vào cuộc của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine và LB Nga, chúng tôi có cơ hội được rời đi an toàn". Còn ông Nguyễn Thanh Bình, thành viên đoàn 14 người sơ tán từ thành phố Donetsk, nhớ lại thời khắc “Khi chúng tôi trải qua đoạn đường đầy khó khăn, từ xa đã thấy các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga đến tận biên giới đón, chúng tôi rất mừng".
Các hội người Việt ở ba thành phố Voronezh, Rostov, Krasnodar cũng để lại chữ “tình” không thể quên trong lòng bà con sơ tán. Từ hỗ trợ mọi chi phí ăn ở và xe đưa đón bà con trong thời gian chờ làm thủ tục để chờ chuyến bay sớm nhất về Việt Nam, đến đùm bọc, giúp đỡ tận tình mọi nhu cầu cần thiết. Ông Hoàng Minh Hồng, thuộc nhóm 13 người Việt Nam đầu tiên sơ tán sang LB Nga, cảm nhận "tình người vô cùng lớn lao” khi được cộng đồng tại Nga cưu mang trong những ngày khó khăn.
Không chỉ ở Nga, những người Việt sơ tán sang Ba Lan và Romania vẫn nhớ mãi tấm lòng và sự ân cần, chu đáo, tận tình của cộng đồng tại hai nước này. Chia sẻ về thời điểm đón những người Việt đầu tiên sơ tán từ Ukraine sang hai nước láng giềng và chuẩn bị cho bà con về nước, cả Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng và Đại sứ tại Romania Đặng Trần Phong đều nhấn mạnh tới vai trò của cộng đồng tại nước sở tại. Có thể nói rằng chính sự sẻ chia, đùm bọc của bà con người Việt ở Ba Lan và Romania đối với đồng bào sơ tán từ Ukraine đã góp phần quan trọng để các cơ quan đại diện Việt Nam có thể thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân. Như lời Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan Nguyễn Hùng "Điều ý nghĩa nhất là sự ghi nhận tình cảm của cộng đồng người Việt tại châu Âu nói chung và Ba Lan nói riêng đối với đồng bào lánh nạn từ Ukraine". Cộng đồng người Việt đã gác lại một phần công việc mưu sinh hằng ngày để cùng gánh vai chia sẻ những vất vả mà bà con từ Ukraine phải trải qua, hỗ trợ về vật chất, lo từng bữa ăn chỗ nghỉ, cho tới động viên, giúp đỡ về tinh thần. Nhiều gia đình sẵn sàng nhường nhà, trụ sở công ty, cơ sở kinh doanh, tự nguyện và vận động mọi người quyên góp thực phẩm và các vật dụng thiết yếu, tình nguyện đưa đón những người sơ tán.
Là nơi đón hơn một nửa trong số hơn 4.600 người Việt sơ tán từ Ukraine sang các nước lân cận, Đại sứ quán Việt Nam tại Ba Lan thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng sở tại cũng như với Hội Người Việt Nam và các tổ chức, hội đoàn người Việt, tập trung hỗ trợ tốt nhất bà con từ Ukraine, bố trí nơi tiếp nhận, lưu trú chủ yếu tại chùa Nhân Hòa và chùa Thiên Phúc cùng với nhiều gia đình trong cộng đồng tại thủ đô Vácsava. Theo ông Trần Anh Tuấn - Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại Ba Lan, cộng đồng người Việt tại Ba Lan luôn nỗ lực đảm bảo đón tiếp và hỗ trợ đầy đủ cho đồng bào từ Ukraine với phương châm không để ai bị bỏ rơi.
Tại các cửa khẩu biên giới giữa Ba Lan - Ukraine và các nhà ga, mặc dù trời lạnh âm độ, nhiều khi tuyết rơi, nhưng luôn luôn có đội ngũ tình nguyện viên và cán bộ Đại sứ quán túc trực cùng với đồ ăn, nước uống, quần áo… để đón và hỗ trợ thủ tục cho người Việt sơ tán nhập cảnh. Các tình nguyện viên trong cộng đồng tại thủ đô Vácsava cũng thành lập đội taxi “0 đồng”, sẵn sàng 24/24 giúp bà con di chuyển.
Con số người Việt sơ tán từ Ukraine sang Romania lên hơn 1.000 người - vượt quá số bà con định cư tại Romania, song cộng đồng người Việt tại Romania đã luôn đoàn kết gắn bó và hỗ trợ rất tích cực, hiệu quả cho đồng bào sơ tán. Tất cả các hội đoàn, với nòng cốt là Hội Người Việt, Hội Doanh nghiệp, Câu lạc bộ Phụ nữ, Hội Thanh niên,... đều vào cuộc, từ tiếp nhận thông tin, đón đoàn, bố trí nơi ở tạm, hỗ trợ bà con tiếp tục di chuyển sang nước thứ ba, cho tới việc cung cấp những suất "cơm Việt" hay các nhu yếu phẩm mà bà con cần.... "Tổ Công tác đặc biệt" hỗ trợ bà con sơ tán vừa được thành lập đầu tháng 3 với 38 thành viên cùng 38 số điện thoại di động thường trực 24/24, song mọi mắt xích đều vận hành rất trơn tru, trong đó mọi thành viên đều rất có trách nhiệm và tuyệt đối tuân thủ công việc được giao phụ trách. Anh Phạm Duy Hưng, Phó Chủ tịch thường trực Hội Người Việt tại Romania, nhấn mạnh bà con dù có ở Ukraine hay Romania thì vẫn là người Việt mình, do vậy mỗi thành viên đều có trách nhiệm từ trái tim để hỗ trợ tối đa cho bà con sơ tán.
Như tâm sự của ông Nguyễn Thanh Bình, được đón từ thành phố Donetsk sang Nga: "Về đến Đại sứ quán nghỉ ngơi, khi bước vào thấy lá cờ Tổ quốc, ngửi được mùi hương là đã thấy được đất nước". Trong khó khăn, hoạn nạn, cùng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, "tình dân tộc, nghĩa đồng bào" lại tỏa sáng, thân thương, gắn bó trong mỗi trái tim người Việt, tạo thành sức mạnh của sự đoàn kết và sẻ chia.