Thắm tình hữu nghị Phật giáo Việt Nam - Lào

Theo phóng viên TTXVN tại Lào, sáng ngày 17/5, Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) do Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương làm Trưởng đoàn, đã đến kính viếng cố Đại lão Hòa thượng Maha Bounma Simaphom, Chủ tịch Trung ương Liên minh Phật giáo Lào ở thủ đô Viêng Chăn.

Tham gia cùng đoàn còn có Thượng tọa Thích Minh Quang, Trưởng ban Điều phối hợp tác Phật giáo Việt Nam - Lào, Trụ trì chùa Phật Tích thủ đô Viêng Chăn. 

Chú thích ảnh
Toàn cảnh lễ tang cố Đại lão Hòa thượng Maha Bounma Simaphom, Chủ tịch Trung ương Liên minh Phật giáo Lào, ở thủ đô Viêng Chăn. Ảnh: Xuân Tú/TTXVN

Tại lễ viếng, Đoàn GHPGVN đã thành kính đặt vòng hoa và dâng hương, mặc niệm, ghi sổ tang về những đóng góp to lớn của Đại lão Hòa thượng Maha Bounma Simaphom đối với tình hữu nghị giữa hai Giáo hội Phật giáo hai nước nói riêng và quan hệ đặc biệt giữa hai nước Việt Nam - Lào nói chung.

Hòa thượng Thích Huệ Thông đã thay mặt GHPGVN đọc thư chia buồn của Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN gửi đến Trung ương Liên minh Phật giáo Lào, Đại lão Hòa thượng Maha Bounma Simaphom đã cống hiến đời mình cho việc phiên dịch kinh điển, đào tạo Tăng tài và phổ độ Phật tử nhiều thế hệ và không ngừng nỗ lực và cống hiến tất cả thời gian của mình cho sự phát triển Phật giáo Lào, đem lại lợi ích cho nhân dân Lào các dân tộc và cộng đồng Phật giáo thế giới.

GHPGVN nhấn mạnh sự đóng góp to lớn của Đại lão Hòa thượng Maha Bounma Simaphom trong việc thắt chặt tình hữu nghị Phật giáo giữa hai nước: “Trên cương vị lãnh đạo tối cao về đạo pháp và giới luật của Trung ương Liên minh Phật giáo Lào, Đại lão Hòa thượng Maha Bounma Simaphom đã luôn luôn dành sự quan tâm đặc biệt, góp phần to lớn trong việc tăng cường mối quan hệ truyền thống tốt đẹp giữa Phật giáo hai nước Lào - Việt Nam và không ngừng phát triển tình hữu nghị vĩ đại giữa hai dân tộc”.

Chú thích ảnh
Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương GHPGVN cùng Đoàn ghi sổ tang. Ảnh: Xuân Tú/TTXVN

Sự viên tịch của Đại lão Hòa thượng Maha Bounma Simaphom là một mất mát lớn, để lại niềm tiếc thương sâu sắc không chỉ đối với Phật tử Lào mà còn trong lòng Tăng Ni, Phật tử Việt Nam và cộng đồng Phật giáo thế giới. Tinh thần phụng sự và di sản cao quý của Đại lão Hòa thượng Maha Bounma Simaphom sẽ mãi được trân trọng, gìn giữ và tiếp nối trong mối quan hệ bền chặt giữa Phật giáo hai nước Việt Nam - Lào cũng như với cộng đồng Phật giáo thế giới.

Sau lễ viếng, lãnh đạo Phật giáo hai nước Việt Nam - Lào đã có buổi gặp mặt thân tình và trọng thị, cùng chia sẻ những thông tin về hoạt động Phật sự, sự phát triển của Phật giáo trong khu vực và tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai Giáo hội Việt Nam - Lào.

Hòa thượng Thích Huệ Thông đã thông tin đến chư Tôn đức lãnh đạo Trung ương Liên minh Phật giáo Lào về việc Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa đăng cai tổ chức thành công Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025. Sự kiện này không chỉ là niềm vinh dự lớn lao của Phật giáo Việt Nam, mà còn để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng Tăng Ni, Phật tử và cộng đồng Phật giáo quốc tế, góp phần lan tỏa thông điệp hòa bình, từ bi và trí tuệ của Đức Phật đến toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Hòa thượng Thích Huệ Thông (giữa), Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự, Trưởng ban Pháp chế Trung ương GHPGVN cùng Đoàn tham dự lễ tang cố Đại lão Hòa thượng Maha Bounma Simaphom, Chủ tịch Trung ương Liên minh Phật giáo Lào. Ảnh: Xuân Tú/TTXVN

Hòa thượng Maha Veth Maseanai, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Liên minh Phật giáo Lào khẳng định, Đại lễ Vesak 2025 do GHPGVN đăng cai đã được tổ chức rất thành công, để lại dấu ấn sâu sắc trong cộng đồng Phật giáo quốc tế. Phật giáo Lào bày tỏ mong muốn, khi đủ nhân duyên, sẽ được đăng cai Vesak trong tương lai và hy vọng nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ GHPGVN.

Nhân dịp này, Hòa thượng Maha Veth Maseanai cũng bày tỏ tri ân sâu sắc trước tấm lòng và sự hiện diện trang nghiêm của Đoàn GHPGVN trong lễ tang cố Đại lão Hòa thượng Maha Bounma Simaphom. Điều này tiếp tục khẳng định mối quan hệ bền chặt, gắn bó giữa hai nền Phật giáo Lào - Việt Nam.

Xuân Tú - Bá Thành (TTXVN)
Vũ khúc Thiền môn - Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và công nghệ
Vũ khúc Thiền môn - Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và công nghệ

Sáng 16/5 tại Hà Nội, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Văn minh châu Á, Công ty trách nhiệm hữu hạn C.M.Y.K Việt Nam tổ chức trưng bày chuyên đề “Vũ khúc Thiền môn - Nghệ thuật Phật giáo thời Lý: Di sản và Công nghệ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN