Xin ông cho biết rõ hơn kết quả của Hội nghị Cộng đồng Kinh tế ASEAN có ý nghĩa như thế nào với Hội nghị Cấp cao ASEAN và khả năng ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế Khu vực (RCEP) vào ngày 15/11 tới?
Hội nghị Cộng đồng Kinh tế ASEAN được tổ chức với mục tiêu thông qua các văn kiện để trình lên hội nghị cấp cao, mà trong đó quan trọng nhất là một sáng kiến do Việt Nam đề xuất là đánh giá giữa kỳ việc hình thành Cộng đồng ASEAN.
Tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng kinh tế đã nghiên cứu báo cáo được thực thi với sự đóng góp của tất cả các nước ASEAN cũng như các viện nghiên cứu. Theo đó, báo cáo đã đưa ra 12 kiến nghị về việc làm thế nào để Cộng đồng Kinh tế ASEAN phát triển và đáp ứng linh hoạt, tốt nhất những mong muốn của người dân và cộng đồng doanh nghiệp trong khu vực. Ngoài ra, các Bộ trưởng đã thống nhất sẽ báo cáo các kết quả đó để các nhà lãnh đạo ASEAN xem xét và cân nhắc về các định hướng mới cho khu vực.
Nội dung thứ hai của hội nghị là rà soát lại những ưu tiên mà Việt Nam đưa ra từ đầu năm nay bởi trong trụ cột kinh tế, Việt Nam đưa ra 13 ưu tiên. Các Bộ trưởng rất chào đón các kết quả đạt được bởi khi dịch bệnh COVID-19 diễn ra và không ai nghĩ là có thể đạt được các kết quả như ngày hôm nay. Trong tuần lễ diễn ra Hội nghị cấp cao này, dự kiến phần lớn các sáng kiến mà Việt Nam đưa ra sẽ được hoàn thành.
Các kết quả mà các nước ASEAN rất trông đợi đó là kết thúc hoàn toàn và ký kết Hiệp định RCEP, các Bộ trưởng đã thống nhất để có thể trình lên các nhà lãnh đạo ASEAN xem xét và quyết định việc ký kết hiệp định này.
Cùng với đó, các sáng kiến khác của Việt nam liên quan đến rào cản thuế quan, thương mại điện tử cũng được các nước chào đón và thông qua tại hội nghị lần này.
Hội nghị đã thảo luận các định hướng khác mang tính hợp tác dài hạn và một số thách thức dài hạn đối với các nước ASEAN, đặc biệt là những thay đổi của Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư đối với cả khối ASEAN cũng như các nền kinh tế thành viên.
Chính vì vậy hội nghị đã thảo luận và đề ra một số định hướng lớn để hợp tác trong thời gian tới có được khuôn khổ về mặt pháp lý cũng như sáng kiến cụ thể để thúc đẩy các nền kinh tế trong ASEAN chuyển đổi và thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư.
Ngay từ đầu năm các nước đã đặt ra mục tiêu hoàn thành toàn bộ đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP. Sau nhiều hội nghị Bộ trưởng, hôm nay các Bộ trưởng ASEAN đều tin tưởng trong năm 2020 mục tiêu mà Việt Nam đề ra và được các nước ASEAN cũng như các nước đối tác ủng hộ sẽ được thực hiện.
Ông có thể chia sẻ về ý nghĩa của lễ ký kết biên bản ghi nhớ vừa rồi trong liên kết thương mại nội khối?
Một trong những vấn đề là hàng rào phi thuế trong nội khối và đặc biệt những hàng rào này ảnh hưởng to lớn trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang gây ra khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp.
Vì vậy ý tưởng đầu tiên mà Việt Nam đưa ra hồi tháng 3 năm nay là hợp tác chặt chẽ ASEAN trong bối cảnh dịch bệnh phát sinh, được các nước ASEAN ủng hộ.
Sau đó, các nước đã thống nhất Kế hoạch hành động Hà Nội và thực thi ý tưởng đó, về cơ bản là việc duy trì chuỗi cung ứng trong khu vực và sau khi chương trình hành động đó được ra đời, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN đã viết thư gửi Việt Nam với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2020, đề nghị xử lý cụ thể vấn đề liên quan đến dịch bệnh và có các cơ chế không phải chỉ trong năm nay mà cả năm sau.
Vì vậy, nếu như có vấn đề phát sinh thì cơ chế đó có thể xử lý linh hoạt các vấn đề phát sinh.
Các nước ASEAN đã thống nhất và hôm nay đã diễn ra lễ ký thông qua Biên bản ghi nhớ và danh mục các mặt hàng thiết yếu liên quan đến vấn đề xử lý dịch bệnh trong thời gian tới.
Nếu có các biện pháp phi thuế phát sinh gây ảnh hưởng đến các nước khác liên quan đến danh mục các mặt hàng này, các nước thống nhất với nhau để có cơ chế hợp tác, xử lý nhanh nhất các vướng mắc đó.
Việc đưa ra sáng kiến, thực hiện và đi đến ký kết biên bản ghi nhớ hôm nay không những giải quyết các vấn đề trong ngắn hạn mà còn giúp đặt ra khuôn khổ mới để ASEAN sau này có thể đẩy mạnh và áp dụng ở quy mô rộng hơn.
Bên cạnh đó sẽ xử lý cụ thể các vướng mắc mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình hội nhập nội khối cũng như vướng mắc khi dịch bệnh gây ra khó khăn cho doanh nghiệp.
Các Bộ trưởng đã thống nhất là do thời gian ngắn nên chỉ tập trung vào những mặt hàng thiết yếu nhất, không giới hạn số lượng mặt hàng, sắp tới các cấp chuyên môn và sẽ tiếp tục thảo luận để mở rộng danh mục này với những mặt hàng chưa thiết yếu nhưng cũng có tầm quan trọng với các nước.
Vì thế, danh mục ban đầu bao gồm trên 150 dòng thuế (sản phẩm). Cụ thể là dược phẩm, các thiết bị y tế. Tới đây các nước ASEAN sẽ tập trung thêm mặt hàng lương thực, thực phẩm vốn có ý nghĩa quan trọng đối với các nước ASEAN trong quá trình chống chọi với dịch bệnh COVID-19.
Những nội dung trong kế hoạch phục hồi tổng thể hậu đại dịch COVID-19 tại hội nghị lần này là gì, thưa ông?
Một trong những vấn đề mà ASEAN thực hiện rất tốt là đối phó nhanh và kịp thời với những thách thức diễn ra do dịch bệnh.
Hiện tại, Việt Nam sẽ tính đến việc tiếp theo là khu vực ASEAN phải phục hồi kinh tế mạnh mẽ để có thể vươn lên từ những khó khăn trong thời gian vừa qua.
Ngoài ra, Việt Nam cùng với các nước thống nhất chương trình tổng thể; trong đó bao gồm nhiều nội dung, ở tất cả các lĩnh vực.
Riêng trong lĩnh vực kinh tế, các nước phối hợp chặt chẽ với nhau để giải quyết với một chương trình hành động cụ thể.
Một trong những kết quả đạt được tại hội nghị lần này là việc ký kết bản ghi nhớ về hàng rào phi thuế quan nhằm giúp đỡ doanh nghiệp phục hồi. Đặc biệt, tại hội nghị cũng đề cập nhiều nội dung khác đã được nhắc đến trước đó, chẳng hạn như sáng kiến cụ thể để thúc đẩy các nền kinh tế trong ASEAN chuyển đổi và thích ứng với Cuộc cách mạng công nghiệp thứ tư.
Xin trân trọng cảm ơn ông!