Đặc biệt, toàn ngành Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thành công việc lấy ý kiến nhân dân đối với dự án Luật Đất đai (sửa đổi), thực hiện tuyên truyền, giới thiệu các nội dung mới, quan trọng của dự thảo Luật đến mọi người dân, tổ chức. Kết thúc quá trình lấy ý kiến, dự thảo Luật đã nhận được hơn 12 triệu lượt ý kiến góp ý của các cơ quan, tổ chức, cá nhân, đây thực sự trở thành sự kiện sinh hoạt chính trị sôi nổi của cả nước.
Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành một số nghị định, quyết định và Bộ trưởng đã ban hành thông tư, tháo gỡ kịp thời một số vướng mắc trong công tác quản lý đất đai, quản lý tài nguyên nước, tăng cường phân cấp cho địa phương và cắt giảm các điều kiện liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính.
Bộ đã chủ động cùng với các địa phương nắm bắt các vướng mắc trong thi hành pháp luật đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xây dựng, trình ban hành các văn bản: Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 44/2012/NĐ-CP ngày 15/5/2012 của Chính phủ quy định phương pháp định giá đất; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết Luật Khoáng sản; Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định số 11/2021/NĐ-CP ngày 10/02/2021 của Chính phủ quy định việc giao các khu vực biển nhất định cho tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên biển.
Với quá trình xây dựng dự án Luật đất đai (sửa đổi), Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chỉ đạo xây dựng các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.
Tại địa phương, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân các tỉnh đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường tạo lập hệ thống pháp luật về tài nguyên và môi trường ngày càng đồng bộ, thống nhất, đi vào cuộc sống.
Đối với công tác lập quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch, Bộ đã hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ 7/8 quy hoạch cấp quốc gia. Trong đó, 3 quy hoạch đã được phê duyệt (Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch điều tra cơ bản địa chất về khoáng sản quốc gia thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050). 4 quy hoạch đang tiếp thu, hoàn thiện theo ý kiến Hội đồng thẩm định quốc gia (Quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch mạng lưới trạm khí tượng thủy văn quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045).
Trong năm 2023, Bộ sẽ trình Thủ tướng Chính phủ 3 Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông và Quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia...