Bài viết nêu rõ kết quả này của Việt Nam có được nhờ khả năng huy động trên quy mô lớn hệ thống y tế, công chức cũng như các lực lượng an ninh, kết hợp với chiến dịch tuyên truyền giáo dục người dân hiệu quả và sáng tạo.
Theo The Nation, với COVID-19, Việt Nam có tâm lý cảnh giác cao hơn hầu hết các quốc gia khác vì có biên giới giáp Trung Quốc và có lượng lớn khách du lịch từ Trung Quốc. Việt Nam đã sử dụng hiệu quả thời gian quý báu chống dịch trong 3 tháng đầu.
Bài viết đặc biệt nhấn mạnh đến chiến lược chủ động của Việt Nam trong việc giảm thiểu ca nhiễm, theo đó việc xét nghiệm cũng được triển khai cùng với các biện pháp nghiêm ngặt để lần tìm những người đã tiếp xúc với các ca nhiễm, cách ly ngay lập tức và nhanh chóng tạo cơ sở dữ liệu theo thời gian thực cũng như 2 ứng dụng di động để người dân khai báo triệu chứng và tình trạng sức khỏe.
Bài viết cho biết tất cả công tác phòng, chống dịch có sự hỗ trợ của quân đội, cảnh sát, hệ thống y tế, nhân viên nhà nước cùng với chiến dịch truyền thông mạnh mẽ và sáng tạo thông qua phim hoạt hình, mạng xã hội, tranh cổ động.
The Nation cũng lưu ý để chuẩn bị tốt hơn cho công tác ứng phó thời gian tới, cuối tháng 3, Việt Nam đã nhập thêm 200.000 bộ kit xét nghiệm nhanh từ Hàn Quốc. Đơn vị nghiên cứu lâm sàng của Đại học Oxford tại Việt Nam cho biết một bệnh viện gồm 300 giường bệnh ở gần Thành phố Hồ Chí Minh mới được mở và được trang bị 10 phòng cách ly áp lực âm. The Nation cho rằng nếu xuất hiện đợt nhiễm bệnh thứ hai, Việt Nam vẫn có khả năng tiếp tục đánh bại dịch bệnh như lần đầu tiên.
Cũng theo bài viết, Việt Nam sản xuất và vận chuyển 450.000 bộ quần áo bảo hộ phòng dịch của Dupont sang Mỹ, trao tặng 550.000 khẩu trang cho các nước bị ảnh hưởng nhất ở châu Âu, 730.000 chiếc cho các nước láng giềng là Lào và Campuchia. Với ngành công nghiệp may mặc, một trong những nền tảng chính của nền kinh tế, Việt Nam hiện đã tăng năng lực sản xuất trong nước lên 7 triệu khẩu trang vải mới và 5,72 triệu khẩu trang phẫu thuật mỗi ngày. Tập đoàn lớn nhất Việt Nam là Vingroup cũng cam kết sẽ sản xuất 55.000 máy thở mỗi tháng.
Tạp chí Mỹ còn nhắc lại Việt Nam là một trong những nơi ghi nhận các ca nhiễm Hội chứng viêm đường hô hấp cấp SARS đầu tiên năm 2003 và được khen ngợi vì công tác dập dịch kịp thời và hiệu quả.
Trong khi đó, hãng tin Mỹ Bloomberg News đăng bài cho biết đợt bùng phát của dịch COVID-19 đã được chặn lại tại Việt Nam và sau khi đạt được thành công, Việt Nam đang nới lỏng các quy định hạn chế trên hầu hết các vùng của đất nước, cho phép một số hoạt động kinh doanh được mở cửa trở lại.
Theo Bloomberg News, cách tiếp cận của Việt Nam đã được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Trung tâm Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ ca ngợi.