Theo bài viết đăng trên tờ Telegraph của Anh ra ngày 23/4, dù chưa có báo cáo chính thức song có thể nói cuộc chiến chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 của một đất nước với 95 triệu dân là "câu chuyện thành công", khi Việt Nam chỉ có 268 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 (cập nhật của Bộ Y tế Việt Nam đến sáng 25/4 là 270 ca) và không có trường hợp tử vong nào.
Với đường biên giới có hơn 1.000 km giáp Trung Quốc - nơi khởi phát dịch COVID-19 - và điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng Việt Nam đã khống chế được dịch bệnh nhờ những biện pháp kịp thời và hiệu quả. Cũng giống như một số quốc gia châu Á khác, phản ứng nhanh chóng của Việt Nam, dựa vào một kế hoạch đối phó với dịch bệnh được chuẩn bị kỹ lưỡng như từng được đưa ra ngay sau các đợt dịch có tỷ lệ lây nhiễm cao như SARS (Hội chứng viêm đường hô hấp cấp hồi năm 2002-2003) và dịch cúm A/H5N1 tại Việt Nam.
Theo báo trên, chiến lược của Việt Nam tập trung vào sự kết hợp giữa xét nghiệm sàng lọc và theo dõi lịch sử dịch tễ nghiêm ngặt để kịp thời khoanh vùng tại chỗ các nhóm đối tượng nghi ngờ, tránh nguy cơ dịch lan rộng.
Sau những trường hợp đầu tiên được ghi nhận hồi tháng 1/2020, với việc nhanh chóng cách ly toàn bộ xã Sơn Lôi, tỉnh Vĩnh Phúc, với hơn 10.000 nhân khẩu, Việt Nam đã sớm đưa ra quyết định cách ly 14 ngày đối với tất cả những người trở về Việt Nam từ những nước và vùng lãnh thổ có nguy cơ cao. Cũng kể từ đầu tháng 2/2020, tất cả các trường phổ thông, đại học đồng loạt đóng cửa.
Việt Nam đã duy trì được 22 ngày liên tục không có ca nhiễm mới sau thành công điều trị khỏi 16 ca mắc COVID-19. Sau ca mắc thứ 17 ghi nhận vào ngày 6/3 từ London (Anh) trở về, Việt Nam đã theo dõi nghiêm ngặt và cách ly tất cả hành khách từ nước trở về, đồng thời dừng việc miễn thị thực cho Vương quốc Anh và một số nước châu Âu trước khi phong tỏa toàn bộ các đường biên giới.
Cùng với nhiều biện pháp phòng chống dịch được tuyên truyền rộng rãi như rửa tay, đeo khẩu trang, vệ sinh môi trường... vũ điệu rửa tay "Ghen Cô Vi" của Việt Nam không chỉ tạo hiệu ứng tích cực trong cộng đồng, mà còn khiến thế giới phấn khích và thán phục. Vũ điệu này, sau đó đã được phát trên truyền thông của nhiều nước như Mỹ, Pháp, Đức và được Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) chia sẻ.