Nhân Ngày quốc tế Pháp ngữ 20/3, ông Chékou Oussouman đã trả lời phỏng vấn Thông tấn xã Việt Nam.
Là người đứng đầu Văn phòng đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương của OIF, xin ông cho biết kế hoạch hành động của ông trong nhiệm kỳ này?
Trong nhiệm kỳ này, tôi có 3 ưu tiên chính. Thứ nhất là thúc đẩy và quảng bá tiếng Pháp - ngôn ngữ hữu ích trong giao tiếp, ngoại giao, kinh doanh, công nghệ, tài chính và việc làm. Ưu tiên hàng đầu này cũng đồng nhất với mục đích tồn tại của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ.
Ưu tiên thứ hai của tôi là hỗ trợ các quốc gia thành viên trong lĩnh vực giáo dục. Trên thực tế, các bạn trẻ Pháp ngữ mong muốn Cộng đồng Pháp ngữ là một không gian dành cho giáo dục chất lượng cao với những cơ hội du học, kết nối và hội nhập thị trường việc làm. Để thực hiện điều này, chúng tôi có những công cụ đòn bẩy và chương trình hợp tác do Hội nghị Bộ trưởng Bộ giáo dục các quốc gia (Confemen), Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF), Viện Đào tạo và Giáo dục (IFEF) và Đại học Senghor có trụ sở tại Alexandrie (Ai Cập) triển khai.
Giáo dục vẫn luôn là chủ đề trọng tâm trong các hoạt động của OIF. Tổ chức của chúng tôi đã tiến hành các biện pháp nhằm hỗ trợ tốt nhất các hoạt động giáo dục liên tục và khả năng tiếp cận các nguồn tài nguyên giáo dục và văn hóa bằng tiếng Pháp. Mục tiêu đặt ra là: “Cùng hành động để hàng triệu trẻ em được tiếp tục học tập và làm mọi cách để không một ai bị gạt ra ngoài lề”.
Trong bối cảnh của đại dịch COVID-19, phần lớn các quốc gia thành viên và chính phủ của Cộng đồng Pháp ngữ đã phải đóng cửa một phần hoặc toàn bộ trường học của mình. Đại dịch sẽ khiến ít nhất 300 triệu học sinh, trong đó có 81 triệu học sinh học bằng tiếng Pháp, không được đến trường và ảnh hưởng đến 9,4 triệu giáo viên Pháp ngữ.
Trong thời đại kỹ thuật số, cần phải có những chương trình hỗ trợ nâng cao chất lượng giáo dục thông qua đào tạo kỹ năng nghề cũng như hỗ trợ cơ hội du học cho sinh viên Pháp ngữ.
Tôi cũng vui mừng nhận thấy rằng Đại hội lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (diễn ra từ ngày 25/1 đến ngày 1/2/2021 tại Hà Nội) cũng xác định giáo dục và đào tạo trong kỷ nguyên số là ưu tiên của Việt Nam trong những năm tới. Trong Cộng đồng Pháp ngữ, có rất nhiều bạn trẻ tham gia thị trường lao động và chúng tôi muốn họ được tiếp cận một nền giáo dục tiên tiến, cũng như những cơ hội việc làm tốt.
Ưu tiên thứ ba của tôi là thúc đẩy hợp tác kinh tế. Dịch COVID-19 đã ảnh hưởng xấu tới sự phát triển của tất cả các mô hình kinh tế hiện có. Điều quan trọng hiện tại đó là hợp tác kinh tế phải trở thành một trong những ưu tiên trong hành động của Tổ chức quốc tế Pháp ngữ. Vào tháng 11/2020, các quốc gia thuộc Cộng đồng Pháp ngữ đã thông qua Chiến lược kinh tế giai đoạn 2020-2025 vì sự thịnh vượng bền vững của một Cộng đồng Pháp ngữ vững mạnh, đoàn kết, toàn diện và sáng tạo.
Giảm thiểu các tác động kinh tế - xã hội của đại dịch và phục hồi kinh tế là một trong những thách thức chính của chiến lược 5 năm này. Tuy nhiên, chính những nỗ lực phi thường để vượt qua cuộc khủng hoảng này sẽ tạo ra cơ hội để thực hiện một mô hình phát triển khác, công bằng hơn, bền vững hơn và toàn diện hơn.
Là thành viên của OIF, Việt Nam là đối tác quan trọng của cộng đồng kinh tế Pháp ngữ. Việt Nam cũng là thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và đã ký Hiệp định thương mại tự do với Liên minh châu Âu. Bên cạnh đó, Việt Nam nằm trong trục hợp tác kinh tế với các nước Pháp ngữ châu Phi - châu Á và Liên minh châu Âu. Do vậy, việc hợp tác kinh tế với Việt Nam sẽ mở ra các cơ hội hợp tác với các đối tác trên.
Ông có thể nói rõ hơn về ưu tiên thứ ba là thúc đẩy hợp tác kinh tế?
Về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và các nước nói tiếng Pháp ở châu Phi, chúng tôi đã làm việc với Bộ Công Thương Việt Nam nhằm tăng cường trao đổi thương mại và vốn đầu tư giữa các nước, hiện được đánh giá còn ở mức rất thấp so với các cơ hội. Chúng tôi tiếp tục thực hiện các hoạt động đàm phán giữa các đối tác kinh doanh. Hoạt động này đã được bắt đầu từ năm ngoái.
Chúng ta cũng phải hành động để tạo điều kiện cho các thế hệ doanh nhân trẻ của các nước Pháp ngữ hiểu nhau hơn, nắm bắt tốt hơn các cơ hội hợp tác, bắt đầu từ các doanh nhân Việt Nam và châu Phi. Chúng tôi đã làm việc với các đối tác của Việt Nam như Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Ngoại thương, kết hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các đối tác khác để kết nối nhanh với các đối tác ở Trung Phi và Tây Phi. Trong giai đoạn này, chúng tôi đã nhắm mục tiêu đến một số quốc gia như Maroc, Bờ Biển Ngà, Gabon và Cameroon.
Cuối cùng, chúng tôi sẽ hỗ trợ phát triển hợp tác phân vùng giữa Việt Nam và các nước châu Âu là thành viên của OIF nhằm tận dụng tốt hơn Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu. Ví dụ, một số vùng của Pháp hiện có quan hệ hợp tác với các tỉnh của Việt Nam. Trong năm nay, chúng tôi sẽ đưa 2 hoặc 3 vùng của Pháp tiếp xúc với một số tỉnh của Việt Nam để thiết lập quan hệ đối tác.
Ông có thể cho biết những dự án mà Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của OIF thực hiện trong năm nay để tăng cường vị thế của Cộng đồng Pháp ngữ và thúc đẩy sự hợp tác trong cộng đồng?
Đầu tiên, chúng tôi đang tập trung vào các hành động để hỗ trợ việc quảng bá tiếng Pháp, các hoạt động giáo dục và kinh tế của Cộng đồng Pháp ngữ cho các bên liên quan ở Việt Nam cũng như ở châu Á. Tổ chức của chúng tôi đã phát triển và các quốc gia châu Á cũng vậy. Do đó có những yêu cầu hợp tác mới, đặc biệt trong các lĩnh vực thanh niên, hội nhập nghề nghiệp, hợp tác kinh tế…
Trong lĩnh vực giáo dục, chúng tôi sẽ củng cố các hình thức hợp tác mới giữa các đối tác khác nhau. Để tạo cơ hội cho các sinh viên Việt Nam muốn đi du học tại châu Âu, Canada hay châu Phi và ngược lại, chúng tôi phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội của Việt Nam. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện để các thầy cô dậy tiếng Pháp của Việt Nam đi thực tập tại các nước Pháp ngữ khác.
Một chương trình nghị sự quốc tế quan trọng khác của Cộng đồng Pháp ngữ trong năm nay là việc chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Pháp ngữ. Hội nghị này đã bị hoãn tổ chức từ năm trước. Năm nay, sự kiện sẽ diễn ra tại Djerba, Tunisie. Chúng tôi sẽ thực hiện tốt các khâu chuẩn bị để đón tiếp được số lượng lớn nhất các đối tác trong khu vực, trong đó có Việt Nam. Chúng tôi đã có sự khẳng định tham gia từ phía Việt Nam. Bên cạnh hội nghị còn có một diễn đàn kinh tế quan trọng.
Một chương trình nghị sự quan trọng khác sẽ diễn ra tại Việt Nam. Chúng tôi đang xem xét tổ chức một phái đoàn xúc tiến hợp tác kinh tế theo mô hình mới vì có những cơ hội kết nối thương mại và đầu tư cần được thúc đẩy. Một phái đoàn gồm các bên liên quan từ châu Âu, Canada, và cả châu Phi sẽ có 1 tuần ở Việt Nam để thảo luận các vấn đề kinh tế, đàm phán quan hệ đối tác và có thể ký kết các thỏa thuận. Chúng tôi hy vọng rằng bà Tổng thư ký của OIF sẽ đảm nhiệm vai trò đứng đầu phái đoàn kinh tế này. Chúng tôi hiện đang làm việc với Bộ Công Thương và Bộ Ngoại giao Việt Nam về vấn đề này. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ họp để chuẩn bị cho sự kiện này, trước mắt cuộc họp sẽ diễn ra tại Việt Nam sau đó là Campuchia.
Đại dịch COVID-19 đã tác động sâu sắc đến mọi lĩnh vực của xã hội. Trong bối cảnh đầy khó khăn này, Văn phòng khu vực châu Á - Thái Bình Dương của OIF đã có những biện pháp gì vượt qua những trở ngại do đại dịch gây ra?
Văn phòng đại diện khu vực của chúng tôi đã thích nghi với hoàn cảnh khó khăn để duy trì các hoạt động của mình đồng thời tuân thủ các quy định về phòng chống dịch của nước sở tại. Chúng tôi đã kết hợp giữa hình thức làm việc từ xa và tại trụ sở khi điều kiện cho phép. Bên cạnh đó, điều quan trọng đối với OIF là hỗ trợ cho giáo dục liên tục ở giáo dục tiểu học, trung học và đại học. Chúng tôi đã thông qua chương trình hỗ trợ giáo dục liên tục và đào tạo trực tuyến đồng thời xây dựng một nền tảng thông tin về đại dịch trong khu vực. Hàng ngày, thông tin được cập nhật cho trụ sở chính của OIF tại Paris và các nước thành viên khác.
Tại cơ quan đại diện, chúng tôi tuân thủ các hướng dẫn của cơ quan chức năng của Việt Nam. Chúng tôi vẫn duy trì làm việc với các nước Pháp ngữ khác trong khu vực và thực hiện những điều chỉnh cần thiết dựa vào hình thức làm việc từ xa hay kết hợp giữa online và trực tiếp. Mô hình này đã được áp dụng thành công trong khuôn khổ Diễn đàn quốc tế Franconomics-2020, do Bộ Ngoại giao Việt Nam, Tổ chức Quốc tế Pháp ngữ (OIF) và Viện quốc tế Pháp ngữ (IFI) đồng tổ chức trong hai ngày 22 và 23/10/2020.
Sự kiện có sự tham gia trực tiếp của hơn 800 đại biểu trong nước và quốc tế bao gồm các đại sứ, đại diện các tổ chức quốc tế, trường đại học, các công ty. Ngoài ra, còn có sự tham dự từ xa của rất nhiều đại biểu của khoảng 30 quốc gia. Thực tế đã cho thấy, công nghệ kỹ thuật số giúp chúng ta có thể làm việc từ xa, trao đổi từ xa và kinh doanh từ xa.
Đến Việt Nam vào tháng 6/2020, ông đã bắt đầu nhiệm kỳ của mình trong bối cảnh dịch bệnh. Vậy ông có đánh giá gì về công cuộc phòng, chống COVID-19 của Việt Nam?
Trước hết cho tôi gửi lời cảm ơn, lời tri ân đến các cấp chính quyền Việt Nam đã nhanh chóng thực hiện các biện pháp hiệu quả để ngăn chặn sự lây lan nguy hiểm của dịch COVID-19. Nhờ các biện pháp đó mà hiện nay chúng ta có thể tin tưởng rằng nguy cơ lây lan là rất thấp.
Có một điều mà tôi nhận thấy là sự tin tưởng của người dân vào các quyết định của chính phủ. Khi có yêu cầu về giãn cách xã hội hay thực hiện các biện pháp hạn chế khác, tất cả người dân, trong đó có tôi, đều đồng tình và nghiêm túc chấp hành. Tôi thực sự ấn tượng khi thấy chính quyền, quân đội, công an, xã hội dân sự, thanh niên, mọi nguồn lực trong xã hội đều được huy động và tham gia trong cuộc chiến chống COVID-19.
Tôi đánh giá cao sự đoàn kết mà đất nước các bạn đã thể hiện trong cuộc đấu tranh với dịch bệnh. Nhiều chương trình cứu trợ, nhiều hoạt động đã được triển khai để giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, cung cấp cho họ đầy đủ lương thực trong đó cây ATM gạo là một ví dụ tiêu biểu. Tôi cũng muốn nhấn mạnh tinh thần tương thân tương ái của Việt Nam khi các bạn đã gửi tặng nhiều nước trên thế giới các kít xét nghiệm, khẩu trang và nhiều hàng hóa khác. Đó là một bài học mà chúng tôi muốn lan tỏa trong Cộng đồng Pháp ngữ.
Xin trân trọng cảm ơn ông!