Tờ trình của Chính phủ nêu rõ: Hiện nay, Việt Nam không còn thuần túy là nước "sử dụng tài sản trí tuệ" mà đang chuyển mạnh thành quốc gia tạo ra tài sản này phục vụ cho mô hình tăng trưởng theo chiều sâu. Luật Sở hữu trí tuệ đã được sửa đổi vào các năm 2009 và 2019, tuy nhiên, nội dung sửa đổi chưa tạo ra động lực mạnh mẽ cho việc nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, cũng như chưa bảo đảm hành lang pháp lý đầy đủ, hiệu quả đối với việc bảo hộ, khai thác, bảo vệ tài sản trí tuệ. Do đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này là yêu cầu cấp thiết đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.
Dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp này sửa đổi, bổ sung 92 điều (trong đó bổ sung 12 điều, sửa đổi 80 điều) và bãi bỏ 2 điều, nâng tổng số điều của Luật Sở hữu trí tuệ sau khi sửa đổi lên 232 điều, thuộc 7 nhóm Chính sách đã được thông qua.
Cụ thể, các chính sách gồm: bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền tác giả, quyền liên quan; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước...
Hai vấn đề xin ý kiến Quốc hội
Đáng chú ý, Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về hai vấn đề. Đầu tiên là về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách Nhà nước.
Theo phương án 1, tổ chức chủ trì nghiên cứu có quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và có quyền sở hữu khi được cấp văn bằng bảo hộ; trừ trường hợp thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan Nhà nước đăng ký.
Ưu điểm của phương án này là sẽ khuyến khích các tổ chức chủ trì đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với phần kết quả nghiên cứu có khả năng bảo hộ và thúc đẩy thương mại hóa; đồng thời vẫn bảo đảm được sự quản lý của Nhà nước. Nhiều nước cũng có quy định tương tự để thúc đẩy nghiên cứu khoa học và công nghệ, thương mại hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, phương án này cần sửa đổi một số văn bản có liên quan, nhằm tạo sự thống nhất.
Phương án 2 là giữ nguyên quy định hiện hành, quyền đăng ký các đối tượng này thuộc về tổ chức, cơ quan nhà nước làm chủ đầu tư.
Vấn đề thứ hai Chính phủ xin ý kiến Quốc hội về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo đó, với phương án 1, biện pháp xử phạt hành chính chỉ áp dụng với các hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng. Các hành vi xâm phạm quyền sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, tên thương mại, bí mật kinh doanh và cạnh tranh không lành mạnh sẽ chỉ bị xử lý bằng biện pháp dân sự.
Cơ quan soạn thảo cho rằng, phương án này đảm bảo tính hiệu quả, khả thi của quy định pháp luật, không làm ảnh hưởng đáng kể đến thực tiễn bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể. Đa số thành viên Chính phủ thống nhất phương án này.
Trong khi đó, với phương án 2, giữ nguyên quy định hiện hành là xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Làm rõ cơ chế phân chia lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả
Thẩm tra các nội dung này, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho biết, về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước, Ủy ban cơ bản nhất trí với phương án quy định về việc giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan nhà nước thực hiện đăng ký.
Ủy ban Pháp luật cũng đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện phương án này theo hướng bổ sung, làm rõ "cơ chế phân chia hợp lý lợi ích giữa Nhà nước, cơ quan chủ trì và tác giả" để thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 1/11/2012 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI; nghiên cứu mở rộng cơ chế giao quyền sở hữu tương tự đối với giống cây trồng, một số đối tượng của quyền tác giả và quyền liên quan; rà soát, đề xuất sửa đổi đồng bộ các quy định về quyền sở hữu kết quả nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước trong các luật hiện hành như Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, Ủy ban Pháp luật đề nghị vẫn giữ quy định của Luật hiện hành.
Phát biểu tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đây là dự án luật rất khó, có tính chuyên ngành cao nên lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội đã vào cuộc từ rất sớm. Dự luật này liên quan rất nhiều đến việc nội luật hóa các cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên. Các cơ quan của Quốc hội đã lắng nghe kỹ lưỡng ý kiến của các bên, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp vì vấn đề này liên quan đến đổi mới sáng tạo và bản quyền của doanh nghiệp. Đến nay, Chủ tịch Quốc hội đánh giá chất lượng dự án luật khá tốt, cơ bản đáp ứng yêu cầu.
Với hai vấn đề Chính phủ xin ý kiến, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận kỹ lưỡng. Trong đó, về chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ các sáng kiến, kiểu dáng… được tài trợ từ ngân sách Nhà nước, Chủ tịch Quốc hội thống nhất phương án giao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì một cách tự động và không bồi hoàn, tổ chức chủ trì có quyền sở hữu sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí khi được cấp văn bằng bảo hộ, trừ các đối tượng thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh vẫn do các cơ quan Nhà nước thực hiện đăng ký.
Về thu hẹp xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là vi phạm về kiểu dáng công nghiệp, Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua nghiên cứu kinh nghiệm của các nước thì thấy rằng, càng với những nước đang phát triển thì càng cần phải bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thậm chí phải bảo vệ nghiêm ngặt hơn. Nhiều doanh nghiệp cho biết, nếu không xử phạt hành chính mà chỉ xử phạt dân sự thì rất tốn kém và mất thời gian, "chờ được vạ thì má đã sưng". Trong khi đó, Luật hiện hành đang có quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực này, thực tế triển khai không thấy có gì vướng mắc, chi phí thực thi và việc xử phạt cũng đơn giản. Hơn nữa, việc áp dụng xử phạt hành chính cũng không loại trừ việc khởi kiện dân sự. Do đó, Chủ tịch Quốc hội cho rằng các lập luận để sửa đổi, thu hẹp phạm vi xử phạt hành chính đối với kiểu dáng công nghiệp như phương án Chính phủ trình là chưa đủ cơ sở, chưa thuyết phục.