Tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển

Sáng 28/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp tại Hà Nội. Hội nghị do Văn phòng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức nhằm tăng cường kênh đối thoại giữa Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp về tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy môi trường kinh doanh cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp ngừng hoạt động chưa được thu hẹp


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hoan nghênh các đại biểu đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp đến tham dự hội nghị và khẳng định Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng lắng nghe kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp, qua đó kịp thời xây dựng và triển khai thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết bên cạnh những chuyển biến tích cực, đúng hướng thời gian qua, tình hình kinh tế-xã hội vẫn đang trong giai đoạn khó khăn. Số lượng doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động lớn và chưa được thu hẹp.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp. Ảnh: Đức Tám - TTXVN


Năm 2013 đã có 60,737 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, tăng 11,9% so với năm 2012. Trong quý I năm 2014 đã có thêm 16.745 doanh nghiệp phải dừng hoạt động, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2013. Tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc vào khu vực FDI. Theo ông Đông, tỷ lệ 65% doanh nghiệp có lợi nhuận trước đây đã giảm xuống còn 35% kể từ năm 2010 do kinh tế khó khăn.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, sau gần 30 năm đổi mới với các cơ hội kinh doanh bùng nổ, chúng ta vẫn chưa tạo ra được một thế hệ các nhà công nghiệp gắn liền tên, tuổi và sự nghiệp với sự hình thành và phát triển của các thương hiệu lớn và các cụm ngành công nghiệp quốc gia, vươn ra được thế giới, cạnh tranh ngang ngửa với các đối tác quốc tế.

Ông Lộc nhấn mạnh không chỉ thiếu những doanh nghiệp dẫn đầu, mà Việt Nam còn thiếu cả một khu vực đủ lớn các doanh nghiệp cỡ vừa, đủ sức tiếp cận với công nghệ mới và trở thành đối tác của các tập đoàn xuyên quốc gia, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Vũ Tiến Lộc, cho đến thời điểm hiện tại, trong số hơn 500 ngàn doanh nghiệp đang hoạt động, các doanh nghiệp cỡ lớn chỉ chiếm khoảng 2% và cũng ngần ấy phần trăm các doanh nghiệp cỡ vừa. Còn lại 95- 96% là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Riêng doanh nghiệp siêu nhỏ (với tiêu chí của ta là dưới 10 lao động) đã chiếm tới 66-67%. Nếu tính cả các hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động trong nền kinh tế thì tỷ lệ doanh nghiệp siêu nhỏ có thể chiếm tới trên 99,9%….

Nói một cách hình ảnh, theo các nhà kinh tế, “đội thuyền thúng” doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước thách thức phải ra biển lớn khi thời điểm hội nhập lớn của đất nước đang cận kề (hoàn thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015, Hiệp định thương mại Việt Nam - EU dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2014 và Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương cũng đang trong quá trình đàm phán nước rút).

Cải thiện môi trường kinh doanh hơn nữa


Trong bài phát biểu có tựa đề "Cần một chương trình đột phá thể chế tạo khí thế mới, tái khởi động khu vực doanh nghiệp giai đoạn 2014-2015" tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã đề xuất Chính phủ cần tiếp tục đổi mới hệ thống pháp luật về kinh doanh bảo đảm quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng của doanh nghiệp. Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp trong việc thành lập, thực hiện các hoạt động đầu tư, kinh doanh và rút khỏi thị trường.

Về chính sách tài khóa, Chủ tịch VCCI đề nghị thực hiện phương châm khoan sức cho doanh nghiệp tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thể trụ vững và phục hồi trong thời gian 2-3 năm trước mắt. Ông Lộc cũng đề nghị cần được tiếp tục tháo gỡ chính sách tín dụng theo hướng cải thiện điều kiện tiếp cận tín dụng cho doanh nghiệp.

Mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã thành công trong việc kiểm soát lạm phát, đồng thời các ngân hàng đã giảm mạnh lãi suất cho vay, tuy nhiên, do chưa xử lý được vấn đề nợ xấu và điều kiện cho vay còn ngặt nghèo, nên nhiều doanh nghiệp vẫn không thể tiếp cận được vốn ngân hàng và nhất là không thể tiếp cận được với mức lãi suất quy định vì phải trả thêm các khoản chi phí không chính thức.

Ông Vũ Tiến Lộc đề nghị phải bảo đảm trên thực tế sự bình đẳng của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa tư nhân với các doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp lớn và khu vực FDI trong tiếp cận các nguồn lực, đất đai, tín dụng, các dự án đầu tư công và mua sắm.

Ông Vũ Tiến Lộc cũng đưa ra những đề nghị về cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp và tăng cường đối thoại hợp tác giữa các cơ quan chính quyền và doanh nghiệp, nâng cao vai trò và trách nhiệm của VCCI và các hiệp hội doanh nghiệp trong việc cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Trong số các định hướng, giải pháp phát triển doanh nghiệp thời gian tới, Bộ Kế hoạch và đầu tư cho biết dự thảo Luật doanh nghiệp (sửa đổi) thể hiện mạnh mẽ tinh thần “cởi trói” cho kinh doanh. Với các quy định mới theo hướng quyền cấm kinh doanh và đặt ra điều kiện kinh doanh chỉ thuộc về ba chủ thể gồm Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ. Thay vì chỉ được hoạt động theo đúng ngành nghề đã ghi trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp được chủ động mở rộng ngành nghề và chỉ phải thông báo thay đổi tới cơ quan đăng ký kinh doanh. Đây thực sự là một bước đột phá trong việc tạo thuận lợi cho hoạt động khởi nghiệp và kinh doanh nói chung.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẳng định, chủ trương của Chính phủ là người dân có quyền làm tất cả những gì pháp luật không cấm và sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, trong khi cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức chỉ được làm những gì pháp luật cho phép. Nhà nước phải làm tốt chức năng kiến tạo phát triển, pháp luật và cơ chế chính sách phải tạo thuận lợi nhất cho mọi người dân và doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Thu Hường - Minh Phương
Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Sáng 28/2, UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt và tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN