Tạo cơ chế để doanh nghiệp đầu tư vào khoa học

Ngày 12/8, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có buổi làm việc với đại diện Chính phủ và các bộ, ngành về "Hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phát triển khoa học, công nghệ nhằm thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa giai đoạn 2005 - 2015, định hướng phát triển giai đoạn tới, trong đó chú trọng đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo".

Nghiệm thu xong cho vào “tủ kính”

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, giai đoạn 2005 - 2015, các cơ chế, chính sách, nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ được tăng cường, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị nghiên cứu khoa học, công nghệ được nâng cấp và đầu tư mới. Nhờ đó, các kết quả nghiên cứu ứng dụng trong những năm qua đã làm gia tăng hàm lượng công nghệ trong nhiều sản phẩm.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại buổi làm việc.Ảnh: Doãn Tấn – TTXVN

Tuy nhiên, khoa học, công nghệ nước ta đang đứng trước rất nhiều thách thức. Tiềm lực, trình độ khoa học công nghệ, đội ngũ cán bộ khoa học và công nghệ chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu các tập thể khoa học mạnh, thiếu các trường đại học, viện nghiên cứu đẳng cấp quốc tế, thiếu các cán bộ đầu ngành có khả năng chỉ huy triển khai các nhiệm vụ quốc gia ở trình độ quốc tế. Cơ sở vật chất, trang thiết bị nghiên cứu còn thiếu, chưa đồng bộ. Trình độ khoa học công nghệ nước ta còn khoảng cách tụt hậu khá xa so với thế giới, kể cả với một số nước nhóm đầu trong khu vực Đông Nam Á. Trong hoạt động khoa học, công nghệ, hiện còn thiếu các hướng ưu tiên phù hợp, các chính sách giải pháp mạnh mẽ để tạo đột phá trong những lĩnh vực mà Việt Nam có lợi thế. Không ít các công trình nghiên cứu được nghiệm thu đạt kết quả cao nhưng nghiệm thu xong lại cho vào “tủ kính” vì không có tính ứng dụng.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, chúng ta có sự tụt hậu về ứng dụng khoa học công nghệ so với khu vực và trên thế giới; đội ngũ làm công tác khoa học công nghệ, tổ chức làm công tác khoa học công nghệ, cũng như doanh nghiệp kinh doanh khoa học công nghệ mỏng và ít so với yêu cầu của sự phát triển. Số công trình nghiên cứu khoa học trong những năm qua tăng lên, nhưng số công trình được ứng dụng, được xã hội chấp nhận, được kinh tế thị trường chấp nhận thì chưa cao. Hiệu quả đem lại của các công trình này chưa tương thích với số vốn đầu tư.

Vướng mắc cơ chế

Đại diện một số bộ, ngành cho rằng, nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém trong khoa học công nghệ thời gian qua là do cơ chế, chính sách khuyến khích cán bộ trong hoạt động khoa học, công nghệ còn nặng về hành chính, không thu hút được cán bộ có năng lực vào làm việc. Các cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ nên nguồn lực chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước. Cơ chế bao cấp của Nhà nước chưa được khắc phục triệt để nên phần lớn các tổ chức khoa học, công nghệ e ngại, không muốn chuyển đổi sang cơ chế tự chủ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ là rất quan trọng, trong đó có nguồn lực xã hội. Tuy nhiên, để huy động được nguồn lực đó, quan trọng nhất là cơ chế kinh tế. Muốn doanh nghiệp đầu tư cho nghiên cứu khoa học, công nghệ thì cần có cơ chế hỗ trợ về thuế, tín dụng, đất đai, đồng thời cần tạo môi trường bình đẳng cho các doanh nghiệp đầu tư cho khoa học, công nghệ.

Quỳnh Hoa
Chủ tịch nước đề nghị giới khoa học đóng góp nhiều hơn cho đất nước
Chủ tịch nước đề nghị giới khoa học đóng góp nhiều hơn cho đất nước

Ngày 18/5, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đến thăm và làm việc với Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN