Tạo chuyển biến trong công tác thi hành án dân sự

 


Tiếp tục có những chuyển biến theo hướng bền vững, nâng cao kết quả thi hành án, giảm án tồn nhiều hơn nữa trong công tác thi hành án dân sự là yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối với ngành tư pháp trong thực hiện nhiệm vụ công tác năm 2012. Bộ Tư pháp đã khẩn trương triển khai ngay một số giải pháp để thực hiện yêu cầu này, trong đó có việc nhìn nhận lại việc thi hành Luật Thi hành án dân sự.


Sau hai năm thi hành, Luật Thi hành án dân sự đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, qua đó tạo hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm cho công tác thi hành án dân sự hiệu quả. Hệ thống tổ chức thi hành án dân sự được thành lập phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính chất đặc thù của hoạt động thi hành án dân sự; trình tự, thủ tục thi hành án dân sự được quy định đầy đủ, cụ thể, dễ thực hiện hơn; phát huy hiệu quả mối quan hệ phối hợp trong thi hành án dân sự... Kết quả thi hành năm sau cao hơn năm trước. Năm 2010, tổng số việc phải thi hành là 615.411việc (trong đó có 406.896 việc có điều kiện thi hành và 207.617 việc chưa có điều kiện thi hành); đã thi hành xong 351.373 việc, đạt tỷ lệ 86,35% trong số việc có điều kiện thi hành (vượt chỉ tiêu 6,35%). Tổng số tiền phải thi hành hơn 30.698 tỷ đồng, đã thi hành được 8.301 tỷ 320 triệu 561 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 80,1% so với số tiền có điều kiện thi hành. Năm 2011, tổng số việc phải thi hành là 632.545 việc (trong đó có 431.979 việc có điều kiện thi hành, 200.666 việc chưa có điều kiện thi hành); đã thi hành xong 379.990 việc, đạt tỷ lệ 88% trên số việc có điều kiện thi hành (vượt chỉ tiêu 7%), tăng 28.617 việc (1,65%) so với năm 2010. Tổng số tiền phải thi hành hơn 35.416 tỷ đồng, đã thi hành được 10.167 tỷ 712 triệu 889 nghìn đồng, đạt tỷ lệ 76,1% so với số tiền có điều kiện thi hành...


Cùng với những tác động tích cực, Luật Thi hành án dân sự đã bộc lộ những hạn chế trong công tác thi hành và khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Luật. Cụ thể là tổng số việc còn phải thi hành chuyển sang kỳ sau qua các năm tuy có giảm nhưng vẫn lớn; số việc thi hành án chưa có điều kiện thi hành án, nhất là về tiền vẫn chiếm tỷ lệ cao so với tổng số phải thi hành; lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo phải giải quyết vẫn còn nhiều, nhất là đơn, thư khiếu nại, tố cáo vượt cấp; trình độ, năng lực và ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý còn hạn chế; vẫn còn tình trạng chấp hành viên, cán bộ làm công tác thi hành án dân sự vi phạm trình tự, thủ tục thi hành án, bị xử lý kỷ luật, một số trường hợp còn có biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà, nhũng nhiễu đối với đương sự. Việc thi hành Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành còn nhiều hạn chế, thể hiện ở tiến độ xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn Luật Thi hành án dân sự còn chậm so với yêu cầu. Một số văn bản triển khai xây dựng từ năm 2009 những đến nay vẫn chưa được ban hành như Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Công an hướng dẫn trại giam, trại tạm giam thu, nộp, quản lý và sử dụng tiền thi hành án. Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật bộ lộ nhiều khiếm khuyết do chưa cụ thể, chưa phù hợp với thực tế, thiếu thống nhất với pháp luật có liên quan, cần sửa đổi hoặc hướng dẫn cụ thể.


Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thi hành án Nguyễn Thanh Thủy cho rằng hạn chế lớn nhất của Luật Thi hành án dân sự hiện hành là lấy Chấp hành viên thi hành án dân sự làm trung tâm của hoạt động thi hành án. Theo quy định của Luật, Chấp hành viên là người được Nhà nước giao nhiệm vụ thi hành các bản án, quyết định và được xác định là trung tâm của hoạt động thi hành án dân sự thì chưa phù hợp trong trường hợp thi hành án theo đơn yêu cầu. Vì thế, cần sửa đổi theo hướng hoạt động thi hành án dân sự phải là trách nhiệm của bên được thi hành án và bên phải thi hành án, Chấp hành viên chỉ là nhân vật hỗ trợ.


Bộ Tư pháp đã triển khai một số biện pháp để công tác thi hành án dân sự trong năm 2012 có sự thay đổi tích cực và bền vững, trong đó sẽ đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thiện Đề án giải quyết án tồn đọng; hoàn thành các thông tư, thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực thi hành án dân sự; đề xuất kéo dài việc thực hiện thí điểm mô hình thừa phát lại đến năm 2014 và triển khai thừa phát lại ở một số địa phương đủ điều kiện. Ngành quyết tâm giảm lượng án tồn đọng, không có điều kiện thi hành; tăng cường đạo đức công vụ nhằm tiếp tục tạo chuyển biến cơ bản bền vững và hoàn thành tốt nhiệm vụ mới về thi hành án hành chính; tiếp tục nâng cao kết quả thi hành án xong cao hơn năm trước, giảm lượng án tồn đọng tối thiểu 10% về việc và 5% về tiền. Tổ chức, cán bộ hệ thống thi hành án dân sự tiếp tục được củng cố; hoàn thiện việc bổ nhiệm chấp hành viên và thẩm tra viên; tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính trong thực thi công vụ; kiên quyết không để xảy ra tình trạng phân loại án không chính xác; tăng cường giải quyết khiếu nại tố cáo trong thi hành án dân sự. Trong năm nay, Bộ triển khai thực hiện Đề án "Đầu tư trang thiết bị phương tiện làm việc cho các cơ quan thi hành án dân sự giai đoạn 2011-2015" và Đề án "Xây dựng trụ sở, kho vật chứng cho các cơ quan thi hành án dân sự và xây dựng các cơ sở đào tạo thuộc Bộ Tư pháp theo Nghị quyết 49-NQ/TW giai đoạn 2011-2015".


Bên cạnh các giải pháp như đẩy mạnh tiến độ ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật và các Nghị định quy định chi tiết, Bộ Tư pháp đề nghị Quốc hội cho phép nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật thi hành án dân sự và các Luật khác có liên quan đến công tác thi hành án dân sự để tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, thống nhất giữa các Luật. Trước mắt, đề nghị Chính phủ giao cho Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP "quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự", trong đó tập trung vào những vấn đề vướng mắc bức xúc như: nâng tỷ lệ chấp hành một phần hình phạt làm điều kiện miễn, giảm thi hành án; quy định chi tiết hơn cơ chế thi hành án khi có thay đổi về giá trị tài sản tại thời điểm thi hành án.../.


Quỳnh Hoa

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN