Thông tin tại hội nghị cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động, ảnh hưởng rất nặng nề của biến đổi khí hậu toàn cầu. Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn xác định khu vực biên giới là một trong những địa bàn trọng điểm của cả nước về các loại hình thiên tai, sự cố, tai nạn, hỏa hoạn; là địa bàn chịu ảnh hưởng đầu tiên của bão, áp thấp nhiệt đới, lũ quét, sạt lở đất đá. Trong 10 năm qua, chỉ tính riêng ở địa bàn khu vực biên giới cả nước đã xảy ra hơn 13.000 vụ thiên tai, tai nạn, sự cố, hỏa hoạn; làm chết và mất tích 5.762 người, bị thương 2.325 người và thiệt hại rất lớn về tài sản của Nhà nước, của nhân dân.
Điển hình như tháng 11/2017, siêu bão số 12 đổ bộ các tỉnh từ Bình Định đến Khánh Hòa, trong đó, tại Khánh Hòa làm chết và mất tích 49 người, trên 500 ngôi nhà bị sập đổ và trên 28 nghìn ngôi nhà bị tốc mái, hư hỏng; tại cảng Quy Nhơn có 9 tàu vận tải có trọng tải hàng nghìn tấn bị nhấn chìm. Vụ chìm tàu vận tải Việt Ship 12 tại cửa Việt, tỉnh Quảng Trị cùng với đợt mưa lũ lịch sử tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế tháng 10/2020. Ngoài ra, còn một số tai nạn nghiêm trọng trên biển do lốc xoáy đánh chìm như vụ 2 tàu cá với 93 ngư dân của Quảng Nam xảy ra tháng 10/2023, làm 15 người chết và mất tích.
Trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu toàn cầu, thời gian tới, Bộ đội Biên phòng tiếp tục chủ động kiểm tra, rà soát, đánh giá, dự báo các nguy cơ dễ bị tác động, ảnh hưởng của thiên tai, nhất là các vị trí đóng quân trên các điểm cao, sườn đồi, khu vực trũng thấp để kịp thời tổ chức gia cố, khắc phục hoặc điều chỉnh, bổ sung các kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn cho cơ quan, đơn vị.
Đồng thời, kiện toàn tổ chức, bố trí lực lượng, phương tiện ở những địa bàn trọng điểm, nhất là ở các địa bàn vùng núi và ven biển miền Trung; phát huy hiệu quả hoạt động của các Trạm phối hợp tìm kiếm cứu nạn Cồn Cỏ, Lý Sơn, Phú Quý và Đội Sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn; chủ động khắc phục và bảo quản, bảo dưỡng, duy trì hệ thống đài trực canh vừa phục vụ nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, vừa sẵn sàng huy động tàu thuyền tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Song hành với đó, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ đội Biên phòng với các lực lượng chức năng ở địa phương và lực lượng bảo vệ biên giới nước láng giềng, kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp tổ chức luyện tập, diễn tập ứng phó sự cố, thiên tai, tìm kiếm cứu nạn có liên quan hai bên biên giới, nhằm phát huy tốt theo phương châm “4 tại chỗ”.
Biểu dương những kết quả mà lực lượng Bộ đội Biên phòng đạt được trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn, Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng khẳng định: Đây là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình của Quân đội; đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng và cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị trong toàn quân.
Đồng thời, Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn chỉ rõ những hạn chế trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn và đề nghị Bộ đội Biên phòng xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để có các giải pháp hữu hiệu, kịp thời khắc phục khuyết điểm, hạn chế, xây dựng quyết tâm, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ trong thời gian tới.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Đảng ủy Bộ đội Biên phòng tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, Luật Phòng, chống thiên tai, Luật Phòng thủ dân sự và các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, chiến lược về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, cứu hộ, cứu nạn. Cụ thể hóa, xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo sát với đặc điểm tình hình nhiệm vụ của Bộ đội Biên phòng và thực tiễn địa bàn đóng quân ở các vùng, miền.
Bộ đội Biên phòng duy trì nghiêm chế độ trực cứu hộ, cứu nạn ở các cấp, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng nắm chắc tình hình liên quan đến công tác cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện cơ động thực hiện nhiệm vụ khi có tình huống xảy ra.
Nắm vững quan điểm, nguyên tắc, phương châm, yêu cầu trong phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; đánh giá đầy đủ các yếu tố thuận lợi, khó khăn để xây dựng ý chí quyết tâm, xác định tốt trách nhiệm, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ tài sản của Nhà nước và tính mạng, tài sản của nhân dân.