Tăng cường kiểm soát quyền lực, đề cao công tác phòng chống tham nhũng

Tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực mới đây, một lần nữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Phải tạo cho được một tinh thần mới, khí thế mới, quyết tâm mới trong đấu tranh phòng chống tham nhũng và tiêu cực; kiên quyết phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng, tiêu cực mà trọng tâm là suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Chú thích ảnh
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.

Bài 1: Phòng ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời nhiều vi phạm

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã khẳng định: Trong nhiệm kỳ qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã đoàn kết, chung sức, đồng lòng nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng, toàn diện, tạo nhiều dấu ấn nổi bật.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đặc biệt chú trọng, triển khai toàn diện, đồng bộ, hiệu quả. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, ngày càng đi vào chiều sâu…

Theo Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kiểm tra Trung ương Trần Cầm Tú, trong những kết quả và thành tựu nêu trên của đất nước, có phần đóng góp tích cực của ngành Kiểm tra Đảng. Trong nhiệm kỳ vừa qua, toàn ngành Kiểm tra đã nỗ lực cố gắng không ngừng, vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường đoàn kết, thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội; củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã nhận định: Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã tập trung kiểm tra, xử lý kỷ luật và kiến nghị, yêu cầu xử lý kỷ luật 12 tổ chức đảng và 20 đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý liên quan đến các vụ án, vụ việc Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (trong đó có 3 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 2 thứ trưởng, 1 nguyên Chủ tịch tỉnh, 1 nguyên Phó Bí thư tỉnh ủy, 13 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang). Đáng chú ý là đã kiểm tra, làm rõ các sai phạm, tiêu cực, xử lý và yêu cầu xử lý trách nhiệm đối với 9 tập thể, 29 cá nhân có liên quan đến việc giảm chấp hành hình phạt tù trước thời hạn cho Phan Sào Nam.

Trong đó, nổi bật là đã rất chủ động, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm và đã tạo được bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm này. Có những vụ việc mới, việc khó, phức tạp, nhạy cảm, kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, nhiều địa phương, gây bức xúc trong xã hội đã được kiểm tra, kết luận rõ và xử lý nghiêm minh, kịp thời các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, trong đó có cả những đồng chí giữ cương vị cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo chủ chốt các địa phương, đơn vị, sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang với tinh thần làm nghiêm từ trên xuống, không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Các tổ chức đảng sau khi được kiểm tra, giám sát đều đã quyết tâm khắc phục, sửa chữa khuyết điểm, vi phạm; siết chặt lại kỷ luật, kỷ cương; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị đạt nhiều kết quả tích cực.

Theo ông Mai Trực, nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT Trung ương, qua thực tiễn của nhiệm kỳ Đại hội XII, công tác kiểm tra, giám sát đã góp phần quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, để lại nhiều bài học kinh nghiệm. Trong đó, các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát ở địa phương, đơn vị một cách chủ động, thường xuyên, liên tục theo tinh thần “lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”. Bài học kinh nghiệm đó là thực hiện đồng bộ giữa kiểm tra và giám sát theo phương châm: “Giám sát phải mở rộng”, “kiểm tra phải có trọng tâm, trọng điểm”; trong đó coi trọng giám sát để nhắc nhở, cảnh báo, chủ động phòng ngừa.

Trong kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm phải chủ động, kịp thời, chọn đúng thời điểm và đúng đối tượng, nội dung kiểm tra, tập trung vào những địa bàn, lĩnh vực dễ xảy ra vi phạm để kết luận rõ ràng, chính xác, khách quan, chứng cứ đến đâu kết luận xử lý đến đó. Việc xử lý kỷ luật phải nghiêm minh, song phải trên tinh thần nhân văn, “trị bệnh cứu người”, vi phạm của đảng viên nhất là vi phạm có liên quan đến tham nhũng cần phải được phát hiện trước hết trong nội bộ tổ chức đảng để sớm ngăn chặn ngay từ khi mới manh nha; tránh không để vi phạm nhỏ trở thành vi phạm lớn, vi phạm ít nghiêm trọng trở thành vi phạm nghiêm trọng.

Bên cạnh đó, phải chú trọng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra có trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, có bản lĩnh đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả với các cơ quan chức năng. Thường trực Ban Chỉ đạo cho rằng, công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Từ sau Phiên họp thứ 19 của Ban Chỉ đạo đến nay, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch các tài sản có trị giá hơn 1.750 tỷ đồng; Cơ quan thi hành án dân sự đã thu hồi hơn 9 nghìn tỷ đồng. Trong thời gian tới, các cấp ủy, tổ chức đảng trên cả nước tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo tinh thần mới của Trung ương (Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII và Quy định số 32-QĐ/TW của Bộ Chính trị).

Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã khởi tố mới 8 vụ án với 38 bị can, khởi tố thêm 78 bị can trong 14 vụ án; kết thúc điều tra 13 vụ án với 123 bị can, kết luận điều tra bổ sung 4 vụ với 52 bị can, ban hành cáo trạng truy tố 15 vụ án với 151 bị can, xét xử sơ thẩm 15 vụ án với 86 bị cáo, xét xử phúc thẩm 9 vụ án với 40 bị cáo. Nhất là, đã mở rộng điều tra, làm rõ bản chất hành vi chiếm đoạt, tham nhũng, khởi tố thêm nhiều bị can, trong đó có cả cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (Có 10 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý); khởi tố mới nhiều vụ án lớn, nghiêm trọng, phức tạp, như: Các vụ án xảy ra trong lĩnh vực y tế; vụ án xảy ra tại một số đơn vị thuộc Bộ tư lệnh Cảnh sát biển, Bộ đội biên phòng; các vụ án vi phạm quy định quản lý đất đai, quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước xảy ra tại Bình Dương, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh... Đã khởi tố, điều tra nhiều vụ án tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực giáo dục, lợi dụng dịch Covid-19 để trục lợi và sai phạm trong lực lượng chống tham nhũng.

Bài cuối: Bài học về kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu

V.Tôn/Báo Tin tức
Bài cuối: Bài học về kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu
Bài cuối: Bài học về kiểm soát quyền lực đối với người đứng đầu

Kiểm soát quyền lực là một điều kiện bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong cơ chế vận hành của các thể chế chính trị nói chung, đồng thời cũng là yếu tố có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong lĩnh vực phòng chống tham nhũng nói riêng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN