Củng cố niềm tin của nhân dân đối với Ðảng trong phòng chống tham nhũng

Cuộc đấu tranh chống tham nhũng đã đạt nhiều kết quả quan trọng, giúp làm tăng niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước. Phóng viên báo Tin tức (TTXVN) đã có cuộc trao đổi PGS.TS Nguyễn Khắc Thanh, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh xung quanh vấn đề này.

Chú thích ảnh
PGS.TS Nguyễn Khắc Thanh, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Công tác chỉnh đốn Đảng trong nhiệm kỳ vừa qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, xin ông cho biết ý kiến đánh giá về vấn đề này?

Việc để xảy ra tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ đã làm giảm sút niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, đó là thực trạng nguy hiểm từng được khẳng định rõ trong các Nghị quyết về xây dựng, chỉnh đốn Ðảng. Trong nhiệm kỳ qua, Trung ương cũng như các cấp ủy Đảng các cấp đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn và thực sự đã có những chuyển biến tích cực. 

Đảng ta đã làm tốt việc xử lý tệ nạn tham nhũng, đúng là “không có vùng cấm”, có tội phải xử nghiêm. Điều này đã giúp gia tăng niềm tin của nhân dân đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, trong đó có việc thu hồi khối lượng lớn tài sản của Nhà nước, của nhân dân bị chiếm dụng. Trong nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII, nhiều vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm đã được điều tra, khởi tố, truy tố và xử lý công khai. Dù cán bộ đương chức hay về hưu, nếu có sai phạm đều bị xử lý, kỷ luật nghiêm minh, thể hiện sự nghiêm minh của Đảng, sự thượng tôn pháp luật, góp phần cảnh tỉnh, răn đe mạnh mẽ đối với những cán bộ, đảng viên có chức, có quyền trong hệ thống chính trị. Đó chính là điểm nhấn trong công tác phòng chống tham nhũng, tránh lãng phí, xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Thành tựu đó được đông đảo các tầng lớp nhân dân ghi nhận.

Nhiệm kỳ Đại hội Đảng khóa XII đã có 87.000 cán bộ, đảng viên bị kỷ luật; trong đó, 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng. Tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong các vụ án hình sự về kinh tế được nâng lên rõ rệt. Nếu như năm 2013, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng trong giai đoạn thi hành án chỉ đạt dưới 10%, thì bình quân giai đoạn 2013 - 2020 đạt 32,04%.

Trong nhiệm kỳ mới này, theo tôi, cần phải kế thừa và phát huy những thành tựu đã đạt được. Bởi vì còn nhiều vụ án đang trong quá trình điều tra chưa được đưa ra xét xử và thậm chí còn chưa được phát hiện rõ. Đưa những đại án đó ra trước pháp luật, để xử lý đúng người, đúng tội là thách thức với Đảng trong giai đoạn tới. Ngay sau Đại hội, cần có những quyết sách mạnh mẽ hơn của Đảng để tiếp tục làm nghiêm minh hơn nữa trong phòng chống tham nhũng, lãng phí và củng cố vững chắc hơn nữa niềm tin của nhân dân đối với Đảng, để Đảng ta xây dựng được đội ngũ cán bộ trong sạch, trung thành, luôn đặt lợi ích của Tổ Quốc và của nhân dân lên trên.

Không thể dễ dàng xóa bỏ triệt để tệ nạn tham nhũng, lãng phí trong bộ máy và trong xã hội, có thể phải mất một thời gian dài để hạn chế, giảm tới mức thấp nhất tệ nạn tham nhũng, nhưng nhiệm vụ phòng chống phải làm “kiên quyết và kiên trì”. Cần phải làm đồng bộ trên cơ sở kỷ luật Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và áp lực xã hội, để những người đang nắm quyền lực, quản lý tài sản của Nhà nước, nhân dân không dám tham, không thể tham, không muốn tham; đồng thời, luôn ý thức rõ cái gì không bằng sức lao động của mình làm ra mà của nhân dân, của Nhà nước thì phải trân trọng, bảo vệ. Đã là cán bộ, đảng viên mà vi phạm tham ô, nhũng nhiễu, phải bị lên án rộng rãi trong xã hội để chính bản thân họ phải cảm thấy xấu hổ.

Muốn chống được tham nhũng, lãng phí, phải xử lý được tình trạng lợi ích nhóm, núp bóng tập thể để đưa ra quyết định có lợi cho cá nhân. Phải xử lý từ gốc, đó là vấn đề kê khai tài sản, thu nhập của cán bộ, đảng viên. Trong đó cần chú ý chống tình trạng lợi dụng kiểu “một người làm quan, cả họ được nhờ” để lợi dụng làm những điều sai trái. Để làm tốt điều đó thì một trong những biện pháp là phát huy mạnh mẽ vai trò của tổ chức Đảng cơ sở trong cơ quan, đơn vị. Đơn cử, trong sinh hoạt chi bộ theo định kỳ, cần có sinh hoạt chuyên đề mỗi năm một lần, để cán bộ, Đảng viên giải trình về tài sản như: Năm ngoái và năm nay, tài sản và thu nhập có thay đổi hay không?…

Ngoài ra, để tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng với nhân dân, nhiệm kỳ tới, Ðảng cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chống tham nhũng, tiêu cực, kiểm soát quyền lực trong hệ thống chính trị; đổi mới phương thức lãnh đạo theo hướng gần dân, sát dân, quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ, biết lắng nghe ý kiến, nghe sự phản hồi của nhân dân để điều chỉnh những nội dung công tác chưa phù hợp. 

Liên quan tới phát triển kinh tế thị trường (KTTT), dự thảo Văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng tái khẳng định mục tiêu cao nhất của công cuộc đổi mới và phát triển KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) là xây dựng Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Quan điểm của ông về vấn đề này ra sao?

Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng tiếp tục làm rõ thêm khái niệm KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên XHCN. Đó là nền KTTT hiện đại, hội nhập quốc tế, vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo; bảo đảm định hướng XHCN vì mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Nền KTTT định hướng XHCN của nước ta thể hiện rõ là “nền KTTT”, nhưng không phải nền kinh tế theo tiêu chí của bất kỳ nước hay nhóm nước nào trên thế giới. Mỗi nước tùy theo điều kiện lịch sử, văn hóa lựa chọn con đường phát triển. Thành công hay thất bại là bằng chứng về tính đúng đắn hay sai lầm trong sự lựa chọn. Đảng ta lựa chọn KTTT là để hướng đến thực hiện mục tiêu xây dựng thành công CNXH, với đặc trưng là một xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Chỉ đến khi xây dựng thành công CNXH thì mới có thể gọi nền kinh tế đó là “nền KTTT XHCN”. Gần 35 năm qua, mô hình “nền KTTT định hướng XHCN” đã đem lại những thành công to lớn, đủ để đất nước, nhân dân có được cơ đồ hôm nay.

KTTT định hướng XHCN nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển các doanh nghiệp phát triển, được kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật Việt Nam không cấm; bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng. Làm cho các doanh nghiệp ngày càng làm tốt vai trò đi đầu trong việc sản xuất và đưa hàng hóa Việt Nam hội nhập kinh tế thế giới. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để các doanh nghiệp thực sự là đội quân chủ lực trong việc xây dựng nền sản xuất kiểu mới, kiến tạo lại nền tảng thị trường hàng hóa phù hợp với nhu cầu, tiêu chuẩn tiêu dùng tiên tiến của thế giới, dựa trên tư duy sản xuất sản phẩm độc đáo, thể hiện bản sắc, thế mạnh đặc trưng của tài nguyên và tài trí Việt Nam.

Nhà nước cần tìm tòi và nhân rộng các cách làm mới, đột phá hơn trong quản lý Nhà nước đối với doanh nghiệp và kinh doanh; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính hướng tới sự thông thoáng, minh bạch về cơ chế, chính sách; nâng cao vai trò, tính chuyên nghiệp, năng lực và trách nhiệm, hiệu quả hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp trong hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư cả trong và ngoài nước; cải cách, tăng cường năng lực và hiệu lực của các định chế và chế tài, kinh tế, hành chính, cũng như bộ máy tư pháp Quốc gia và địa phương nhằm đảm bảo sự hài hòa lợi ích Nhà nước, lợi ích doanh nghiệp, doanh nhân và người lao động.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Bài và ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
Công tác cán bộ quyết định cuộc chiến chống tham nhũng
Công tác cán bộ quyết định cuộc chiến chống tham nhũng

Ngày 21/1, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học “Kiểm soát quyền lực để phòng, chống tham nhũng - thực trạng và giải pháp”, tham vấn ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học để xây dựng Đề án “Tham mưu Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành hoặc chỉ đạo ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN