Tăng cường kết nối du lịch TP Hồ Chí Minh và Tiểu vùng Đồng Tháp Mười

Đó là nội dung trọng tâm trong chương trình "Gặp mặt giữa Thành phố Hồ Chí Minh với 3 tỉnh Tiểu vùng Đồng Tháp Mười" diễn ra vào ngày 21/10, tại thành phố Cao Lãnh (Đồng Tháp).

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Tham dự chương trình có Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình và lãnh đạo TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đồng Tháp, Tiền Giang và Long An.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đánh giá cao sự liên kết của các địa phương trong Tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Phó Thủ tướng cũng lưu ý muốn phát triển du lịch trong sự gắn kết, trước hết phải chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đổi mới phương thức kêu gọi xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh công tác truyền thông trong việc quảng bá hình ảnh du lịch. Cùng với đó, cần quán triệt tư tưởng phát triển du lịch địa phương phải đặt trong mối quan hệ phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng, chú trọng việc bảo vệ môi trường, bảo vệ sự phát triển bền vững hệ sinh thái. Riêng đối với TP Hồ Chí Minh phải giữ vai trò đầu tàu, phải đi đầu trong việc gắn kết, tạo điều kiện cho các tỉnh phát triển.

Ông Nguyễn Ngọc Thương - Giám đốc sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Đồng Tháp cho rằng, liên kết hợp tác trong phát triển du lịch của 3 tỉnh Đồng Tháp - Tiền Giang - Long An và giữa Tiểu vùng Đồng Tháp Mười với trung tâm kinh tế lớn TP Hồ Chí Minh là tất yếu và cần thiết. Đây là tiền đề để quản lý tài nguyên bền vững vùng Đồng Tháp Mười trong bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế, khai thác hợp lý tiềm năng du lịch và thế mạnh của Tiểu vùng.

Với những điều kiện thuận lợi của 3 tỉnh, ý tưởng liên kết phát triển du lịch "1 hành trình - 3 điểm đến", trong đó TP Hồ Chí Minh là hạt nhân đã được nêu ra tại chương trình. Theo đó, các điểm du lịch trọng điểm như: Khu du lịch sinh thái Làng nổi Tân Lập (Long An), Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (Tiền Giang), Khu di tích lịch sử văn hóa khảo cổ Quốc gia đặc biệt Gò Tháp và Vườn Quốc gia Tràm chim (Đồng Tháp)... sẽ là điểm dừng chân nổi bật gắn liền trong các tour tuyến.

Ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa TP Hồ Chí Mình với 3 tỉnh Tiểu vùng Đồng Tháp Mười.

Chia sẻ về ý tưởng tour du lịch “1 hành trình - 3 điểm đến” của 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh nhận định: Hiện xu hướng của khách du lịch chủ yếu là hướng đến các tuor du lịch trải nghiệm, gần gũi với thiên nhiên… Đó là những lợi thế và tiềm năng của 3 tỉnh trong Tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Tuy vậy, hiện nay các dịch vụ và sản phẩm du lịch trong Tiểu vùng có nhiều điểm trùng lắp và chưa tạo được điểm nhấn điểm nhấn riêng.


Ông Tất Thành Can, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đề nghị Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch của 3 tỉnh cần phối hợp cùng các chuyên gia và doanh nghiệp kinh doanh du lịch tiến hành khảo sát thực tế, thiết kế các sản phẩm đặc thù du lịch theo từng địa phương. Mặt khác, các tỉnh nên thường xuyên tham gia các hội chợ du lịch trong nước để kích cầu nội địa, đẩy mạnh sự nối kết giữa giáo dục với du lịch sinh thái môi trường,...

Hưởng ứng lời kêu gọi "nhịp cầu nghĩa tình" của Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đã chia sẻ, ủng hộ, tài trợ 57 tỷ đồng cho 3 tỉnh Đồng Tháp - Tiền Giang - Long An xây cầu tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ truyền thống kháng chiến.

Tin, ảnh: Chương Đài (TTXVN)
Hút hồn chợ quê mùa nước nổi ở Đồng Tháp Mười
Hút hồn chợ quê mùa nước nổi ở Đồng Tháp Mười

Mỗi khi vào mùa nước nổi, chợ quê cũng nhộn nhịp hẳn với nhiều đặc sản như cá linh, bông điên điển, bông súng… Dù chỉ là những món sản vật bình dị, dân dã nhưng chứa đựng những nét đặc trưng không lẫn vào đâu được của vùng sông nước miền Tây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN