Tăng chế tài để bảo vệ môi trường

Theo chương trình kỳ họp, ngày 25/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Phóng viên báo Tin Tức đã phỏng vấn đại biểu Lê Bộ Lĩnh (An Giang), Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về vấn đề này:

Ông Lê Bộ Lĩnh. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN


* Thưa ông, vấn đề bảo vệ môi trường được dự thảo luật nhấn mạnh ở điểm nào?

Luật Bảo vệ môi trường lần này có nhiều nội dung sửa đổi, trong đó có vấn đề tăng cường tính chế tài với hoạt động bảo vệ môi trường trong các hoạt động kinh tế xã hội. Nhất là đánh giá tác động môi trường của các dự án với sự phát triển kinh tế xã hội cần quy định chặt chẽ, khả thi, đảm bảo tính chế tài cao hơn. Có làm như vậy chúng ta mới giải quyết được vấn đề môi trường từ gốc, tức là từ trước khi triển khai dự án cụ thể. Đây cũng là hạn chế trong việc thực thi Luật Bảo vệ môi trường hiện nay. Do đó đòi hỏi phải có quy định chặt chẽ quy trình đảm bảo trong việc thẩm định, đánh giá tác động môi trường từ khâu quy hoạch cho đến triển khai các dự án cụ thể, kể cả trước và sau khi thực hiện dự án.

Vấn đề thứ hai tôi quan tâm là việc kết hợp bảo vệ môi trường với những giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Đây là vấn đề mới mà cả thế giới quan tâm và tác động biến đổi khí hậu không phải 50 năm hay 100 năm tới mà trên thực tế những biến đổi khí hậu đã tác động đến đời sống của người dân Việt Nam. Những tác động ảnh hưởng của biến đổi khí hậu với môi trường, sinh thái nói chung và đối với các điều kiện tự nhiên của các hoạt động kinh tế xã hội gần đây đã tăng lên đáng kể, nên chúng ta phải có sự tích hợp các giải pháp biến đổi khí hậu đối với các giải pháp về môi trường.

* Vậy luật có tính đến việc truy cứu trách nhiệm hình sự với vi phạm gây ô nhiễm môi trường hay chưa, thưa ông?

Chế tài này có liên quan đến Bộ luật Hình sự, tùy theo mức độ vi phạm có thể truy cứu trách nhiệm hình sự, đảm bảo thống nhất giữa chế tài bảo vệ môi trường với chế tài trong Bộ luật Hình sự.

* Thực tế gần đây, nhiều vụ vi phạm môi trường như xả nước thải có ảnh hưởng tới nhiều vùng, liên quan tới nhiều lĩnh vực, vậy việc quy trách nhiệm với những vi phạm này như thế nào tránh tình trạng đổ lỗi trách nhiệm cho nhau?

Ở đây liên quan đến việc phân định trách nhiệm trong quản lý Nhà nước. Đây là điểm phải phân định rõ trách nhiệm trong việc quản lý Nhà nước, cũng như quá trình giám sát, thanh tra, kiểm tra. Phải xác định rõ trách nhiệm giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở Trung ương với cơ quan quản lý ở địa phương.

* Khi để xảy ra ô nhiễm môi trường, các doanh nghiệp có trách nhiệm đền bù thiệt hại cho người dân ra sao, thưa ông?

Vấn đề này tùy thuộc vi phạm cụ thể để xác định mức độ thiệt hại do tổ chức doanh nghiệp gây ra và định lượng tác động vi phạm đó đối với xã hội, người dân. Từ đó xác định trách nhiệm phải đền bù với từng đối tượng mà vi phạm môi trường gây ra. Luật này đi theo hướng quy định rõ trách nhiệm của doanh nghiệp khi thực hiện giải pháp bảo vệ môi trường, trách nhiệm khi xảy ra ảnh hưởng tới môi trường; cơ chế xử lý khi mà doanh nghiệp vi phạm quy định bảo vệ môi trường.

* Xin cám ơn ông!



Xuân Minh
(thực hiện)


Tiêu chí thành phố bền vững về môi trường

Ngày 21/11, tại Hà Nội, Viện Khoa học Quản lý Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức hội thảo “Xây dựng bộ tiêu chí thành phố bền vững về môi trường tại Việt Nam”, nhằm lấy ý kiến góp ý để ban hành bộ tiêu chí phù hợp, làm cơ sở đánh giá để phấn đấu...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN