Trình bày tờ trình tóm tắt về dự thảo Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, một số quy định pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án ban hành năm 2009 không còn phù hợp với pháp luật hiện hành.
Cụ thể, một số mức thu không còn phù hợp với thực tế, gây khó khăn cho việc thực hiện. Bên cạnh đó, Pháp lệnh năm 2009 chưa quy định một số trường hợp không phải nộp, được giảm tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Đặc biệt, pháp lệnh 2009 cũng chưa quy định chế độ thu, nộp, quản lý án phí, lệ phí Tòa án, tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí Tòa án, gây khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện. “Vì vậy, cần thiết ban hành Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, thay thế Pháp lệnh 2009 để bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật; khắc phục vướng mắc, tạo thuận lợi trong việc thực hiện”, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Để khắc phục những bất cập này, dự thảo Pháp lệnh án phí, lệ phí Toà án có một số nội dung mới so với quy định hiện hành. Cụ thể, dự thảo pháp lệnh quy định các trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí phù hợp với Bộ luật Tố tụng dân sự; bổ sung các trường hợp được miễn nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí tòa án, án phí, lệ phí tòa án để phù hợp với Luật Phí và lệ phí.
Dự thảo Pháp lệnh cũng đã quy định lệ phí nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản; các trường hợp không phải nộp tiền tạm ứng án phí, không phải chịu án phí và thời hạn nộp tạm ứng án phí, tạm ứng lệ phí...
Liên quan đến mức thu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, việc điều chỉnh tăng mức án phí, lệ phí tòa án nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân thuộc diện phải nộp án phí, lệ phí tòa án; phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội hiện nay, theo nguyên tắc mức điều chỉnh cao nhất bằng với mức biến động giá.
Theo đó, Chính phủ đề nghị, mức thu án phí hình sự là 200.000 đồng. Mức án phí giải quyết theo thủ tục rút gọn bằng 50% mức thu của vụ án giải quyết theo thủ tục thông thường. Đối với lệ phí công nhận, cho thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định của tòa án nước ngoài; phán quyết của trọng tài nước ngoài thì mức thu lệ phí áp dụng chung là 3 triệu đồng, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, không phân biệt đối xử về mức thu giữa tổ chức, cá nhân thường trú và không thường trú tại Việt Nam.
Với mức lệ phí ủy thác tư pháp của Tòa án nước ngoài tại Việt Nam, Chính phủ đề nghị điều chỉnh giảm từ 5 triệu đồng xuống 1 triệu đồng/hồ sơ để phù hợp với thực tế và thông lệ quốc tế.
Bên cạnh đó, để tạo thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách Xã hội khởi kiện thu hồi nợ vay trong trường hợp Ngân hàng cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, dự thảo pháp lệnh đã bổ sung hộ cận nghèo được miễn án phí, lệ phí tòa án để tạo thuận lợi cho họ tiếp cận công lý.
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Pháp lệnh mà Chính phủ trình. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, Luật Phí, lệ phí mới ban hành và có hiệu lực từ 1/1/2017 cùng với đó phải ban hành kèm theo danh mục án phí, lệ phí Tòa án và có hiệu lực cùng với thời điểm Luật có hiệu lực. Luật Phí và lệ phí cũng quy định bãi bỏ hiệu lực của các Pháp lệnh, giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định cụ thể. Do đó, không cần thiết ban hành Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án, mà chỉ cần Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về vấn đề này.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất ban hành Nghị quyết thay vì ban hành Pháp lệnh. Thống nhất áp dụng thủ tục rút gọn theo quy định đã được ban hành theo Luật ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Nghị quyết có hiệu lực từ 1/1/2017.