Góp ý sửa đổi Hiến pháp: Cần đảm bảo tính độc lập của toà án

Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ngày 2/1, toàn văn Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã được các cơ quan thông tin đại chúng đăng tải.

Việc triển khai đợt lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 nhằm thể hiện rõ việc phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân… trong việc sửa đổi Hiến pháp. Đây là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, rộng lớn trong nhân dân và cả hệ thống chính trị.

Phóng viên TTXVN đã ghi lại ý kiến của cử tri về việc tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.

*Hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm đáp ứng bối cảnh hội nhập quốc tế


Ngày 2/1, trao đổi với phóng viên TTXVN về việc sửa đổi Hiến pháp, Luật sư Nguyễn Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Việc sửa đổi lần này là cần thiết, thể hiện nỗ lực và quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật nhằm đáp ứng những đòi hỏi mà thực tế đang đặt ra, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Quyền cơ bản của công dân đã được Hiến pháp quy định nhưng vì còn chung chung nên khó áp dụng trong thực tế. Trong khi đó, cơ chế cho hoạt động của bộ máy Nhà nước chưa được minh định, nhất là mối quan hệ nhánh quyền lực giữa lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vấn đề sở hữu, trong đó có sở hữu đất đai chưa được làm rõ.

Hiến pháp cũng cần phải đảm bảo tính độc lập của tòa án. Hiện nay, hệ thống tòa án vẫn chưa mang tính độc lập; thẩm phán vẫn bị chi phối nhiều yếu tố trong khi xét xử. Do vậy, cần trả lại bản chất trọng tài cho tòa án cũng như tính độc lập cho cơ quan tư pháp nói chung.

Luật sư Nguyễn Văn Cường tán thành việc thành lập Hội đồng bảo hiến, có như vậy mới bảo vệ được Hiến pháp, xử lý những hành vi vi hiến, đảm bảo tính công bằng, thượng tôn của pháp luật. Hiến pháp đã mặc định rõ những quyền cơ bản của con người, quyền công dân, thể hiện tính nhân văn, mang giá trị nhân loại thì có thể, một số bộ luật, trong đó có Bộ luật Hình sự không nên đặt ra một số tội danh liên quan, như vậy sẽ mâu thuẫn với Hiến pháp, đẩy Hiến pháp xa rời thực tế. Luật sư cũng đồng tình với ý kiến cho rằng, sửa đổi Hiến pháp lần này gắn việc tăng quyền lực cho Chủ tịch nước theo hướng thống lĩnh lực lượng vũ trang.

Về mặt kỹ thuật, Luật sư Nguyễn Văn Cường cho rằng, hiện nay, dự thảo Hiến pháp sửa đổi do Quốc hội soạn, chỉnh sửa, lấy ý kiến nhân dân rồi hoàn chỉnh và thông qua. Quy trình này nên có sự thay đổi theo hướng, Quốc hội trình bản dự thảo hoàn chỉnh lần cuối để nhân dân phúc quyết. Có như vậy mới đảm bảo quyền phúc quyết của nhân dân. Luật sư mong muốn, sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ đảm bảo tốt hơn nữa việc thực hiện quyền con người, quyền công dân; cơ chế hoạt động hiệu quả của bộ máy Nhà nước; sự rõ ràng trong quy định quyền sở hữu và tính độc lập của hệ thống tòa án.

Theo Tiến sĩ Trần Phú Vinh, Giảng viên Luật quốc tế, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn pháp luật và Đào tạo ngắn hạn – Đại học Luật TP Hồ Chí Minh: Hiến pháp là đạo luật gốc do nhân dân (thông qua đại biểu của mình) xây dựng và ban hành; việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992 cần phải được nhân dân đồng ý tán thành. Vì vậy, nên trưng cầu dân ý về việc có cần phải sửa đổi Hiến pháp năm 1992 hay không? Nếu có, thì phần nào, mục nào nên sửa đổi, bổ sung vì suy cho cùng, Hiến pháp là cơ sở để xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Điều 1 của Hiến pháp năm 1992 đã được Dự thảo sửa đổi giữ nguyên đồng thời bổ sung chữ “dân chủ” để làm rõ hơn bản chất của Nhà nước, chế độ ta. Với tư cách là giảng viên chuyên ngành luật quốc tế, Tiến sĩ Trần Phú Vinh đề nghị sửa đổi Điều 1 Hiến pháp theo hướng cụ thể hơn như sau: “Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một nước dân chủ, độc lập, có chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bao gồm vùng đất gồm đất liền, các hải đảo gần bờ và xa bờ; vùng nước gồm vùng nước nội địa, biên giới, nội thủy, lãnh hải; vùng lòng đất phía dưới vùng đất và vùng nước; và vùng trời phía trên vùng đất và vùng nước”. Lý do là phù hợp với quy định của Luật quốc tế về lãnh thổ quốc gia và là cơ sở để xác định và bảo vệ chủ quyền đối với lãnh thổ Việt Nam.

Cũng theo Tiến sĩ Trần Phú Vinh, Hiến pháp là đạo luật gốc có giá trị pháp lý cao nhất của quốc gia; vì vậy Hiến pháp cần được thực hiện một cách tận tâm, nghiêm túc và đầy đủ. Hội đồng bảo hiến được quy định trong Hiến pháp đảm bảo rằng Hiến pháp sẽ được tôn trọng đúng theo tinh thần thượng tôn pháp luật. Do vậy, việc thiết lập Hội đồng bảo hiến là cần thiết.

* Quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Theo Luật sư, Thạc sỹ Luật Hà Hoàng Hiệp (Đoàn Luật sư Hà Nội), việc Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 là hết sức cần thiết, góp phần phát huy đầy đủ và sâu sắc hơn dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp thực sự là đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý quan trọng, rộng lớn trong nhân dân và cả hệ thống chính trị.

Trong dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi lần này, Luật sư Hiệp đặc biệt quan tâm đến nhóm các quy định liên quan đến quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Theo Luật sư Hiệp, dự thảo Hiến pháp sửa đổi lần này cần làm rõ nội dung quyền con người, quyền công dân, trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong việc tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; bổ sung một số quyền mới là kết quả của quá trình đổi mới 25 năm qua ở nước ta, phù hợp với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên.

Theo Luật sư Hiệp, Hiến pháp năm 1992 lần đầu tiên đã ghi nhận nguyên tắc tôn trọng quyền con người. Tuy nhiên, quy định của Hiến pháp năm 1992 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân có một số điểm chưa phù hợp như: quy định quá chung về quyền con người; chưa phân biệt rõ quyền con người, quyền công dân; chưa xác định rõ trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền con người, chưa thể hiện được cụ thể mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân trong Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Nêu quan điểm góp ý vào dự thảo, Luật sư Hiệp đề nghị, Hiến pháp sửa đổi lần này cần quy định một cách nhất quán về về cách thức thể hiện trong lĩnh vực quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Cần làm rõ việc hạn chế quyền con người và quyền cơ bản của công dân phải do Hiến pháp, luật quy định. Bên cạnh đó, cần luật hóa một số quyền đã được ghi nhận trong Hiến pháp như quyền lập hội, quyền biểu tình, quyền biểu quyết khi Nhà nước trưng cầu ý dân... Ngoài ra, Hiến pháp 1992 sửa đổi cũng cần quy định rõ cơ chế bảo đảm thực thi các quyền về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa của công dân.

* Khắc phục bất cập, phục vụ yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường.

Theo anh Nguyễn Thái Dũng, chủ một doanh nghiệp tại quận Đống Đa, Hà Nội, sau khi nghiên cứu dự thảo Hiến pháp 1992 sửa đổi trên các cơ quan báo chí, anh Dũng cho rằng, các quy định về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường trong Dự thảo đã thể chế hóa các quan điểm của Đảng được xác định trong Cương lĩnh về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, khoa học, công nghệ và bảo vệ môi trường; làm rõ hơn tính chất, mô hình kinh tế, vai trò quản lý của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chế độ sở hữu và quyền tự do kinh doanh…

Góp ý vào dự thảo, anh Dũng cho rằng, các quy định về chế độ kinh tế trong Hiến pháp sửa đổi phải khắc phục được Hiến pháp cũ về những bất cập so với yêu cầu tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được nêu trong các văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.

Hiến pháp sửa đổi cũng phải có những quy định khắc phục hạn chế, tồn tại, làm ảnh hưởng tới hiệu lực, hiệu quả thi hành Hiến pháp, nhất là trong công tác xây dựng thể chế kinh tế. Theo anh Dũng, Hiến pháp cần có quy định để đảm bảo sự quản lý của Nhà nước, hiệu lực quản lý kinh tế của Nhà nước. Hiến pháp cần đảm bảo hiệu quả công tác của bộ máy quản lý nhà nước, ngăn ngừa được quan liêu, tham nhũng; giảm thiểu thủ tục hành chính; đồng thời đảm bảo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức của các cơ quan Nhà nước.

* Cần quy định rõ Hiến pháp là của toàn dân và dân có quyền phúc quyết Hiến pháp.

Nhiều cử tri Đắk Lắk đã thống nhất cao về toàn bộ Dự thảo sửa đổi Hiến pháp nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, bao gồm: Lời nói đầu, chế độ chính trị, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, kinh tế, xã hội, văn hoá, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, bảo vệ Tổ quốc, bộ máy Nhà nước, hiệu lực của Hiến pháp và quy trình sửa đổi Hiến pháp, kỹ thuật trình bày các quy định của Hiến pháp cho phù hợp với tình hình mới.

Theo luật sư Tạ Quang Tòng, Trưởng Văn phòng Luật THT thành phố Buôn Ma Thuột cho rằng, Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, tất cả các quyền lực nhà nước đều thuộc về nhân dân nên nhân dân có vai trò rất quan trọng trong việc xây dựng và sửa đổi Hiến pháp. Cụ thể, Hiến pháp của ta qua các thời kỳ như Hiến pháp năm 1946, 1959, 1980, 1992 và sửa đổi bổ sung năm 2001 đều được lấy ý kiến của nhân dân.

Do vậy, lần này, theo luật sư Tạ Quang Tòng cũng cần quy định rõ Hiến pháp là của toàn dân và dân có quyền phúc quyết Hiến pháp, sửa đổi hay không sửa đổi Hiến pháp. Trong chương II về Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đề nghị Hiến pháp cũng cẫn ghi rõ mọi công dân đủ 18 tuổi đều được đi bầu cử trực tiếp, người đủ 21 tuổi được ứng cử đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp. Trong Hiến pháp cũng cần ghi rõ hơn nữa việc nâng cao trách nhiệm dân chủ đại diện như đòi hỏi các cơ quan, công chức Nhà nước phải làm tốt trách nhiệm đại diện của dân, nâng cao hiệu quả các cuộc tiếp xúc cử tri, công khai, dân chủ trong việc trưng cầu ý dân, mở rộng việc đối thoại trực tiếp giữa cơ quan Nhà nước với người dân để tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội.

Còn đối với cử tri Nguyễn Bá Anh (nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk) cũng kiến nghị, cần làm rõ hơn việc phát huy dân chủ XHCN để bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân cũng như cần quy định thật cụ thể về quyền đảm bảo nơi ở, đất ở, đất sản xuất của công dân. Trong Chương III về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường, Điều 53 (sửa đổi, bổ sung Điều 15, Điều 43) kiến nghị bổ sung là Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trên cơ sở phát huy nội lực, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển kinh tế kết hợp chặt chẽ, hài hóa với phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng, xã hội văn minh và bảo vệ môi trường...

* Phát huy tinh thần dân chủ và huy động được trí tuệ của nhân dân trong xây dựng Hiến pháp.


Cử tri Nguyễn Văn Tý, cán bộ hưu trí ở tổ 32, phường Tân Quang, thành phố Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) nhận xét: Hôm nay (2/1) là ngày toàn dân bắt đầu tham gia đóng góp ý kiến cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, theo tôi đây là sự kiện cực kỳ quan trọng. Theo bác Tý bởi vì nó sẽ tạo ra một khí thế mới, đồng thời phát huy được tinh thần dân chủ và huy động được trí tuệ của nhân dân trong xây dựng Hiến pháp.

Cũng theo cử tri Tý, việc sửa đổi Hiến pháp không chỉ là sự kiện chính trị quan trọng mà còn tạo lòng tin và tạo động lực trong nhân dân để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.

Theo cử tri Hoàng Văn Đương, xã Trung Sơn, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) sau khi bản dự thảo dự thảo sửa đổi Hiến pháp được đăng tải trên tất cả các phương tiện truyền thông đại chúng để lấy ý kiến đóng góp, tôi cũng như đồng bào các dân tộc trong xã rất mừng, bởi được trực tiếp tham gia đóng ý kiến, giúp cho bản dự thảo hoàn chỉnh hơn…

Ngoài ra, tôi cũng rất đồng tình với thời gian 3 tháng để lấy kiến các tầng lớp nhân dân góp ý cho bản dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Qua đó, sẽ phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của nhân dân, tạo sự đồng thuận của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Tuy nhiên, tôi mong rằng Ban biên tập dự thảo sửa đổi Hiến pháp nên nghiên cứu để làm sao cho Hiến pháp gắn gọn, dễ hiểu, làm cho mọi người dân có thể nắm và thực hiện theo Hiến pháp.



TTXVN/Tin tức

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992

Theo Nghị quyết số 38/2012/QH13 ngày 23/11/2012 của Quốc hội, ngày 2/1/2013, Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 chính thức công bố Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên các phương tiện thông tin đại chúng để lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN