Nỗ lực và đã thành công, tuy nhiên với những người lãnh đạo của Tập đoàn Viettel, vẫn còn những cái "đích" để họ tiếp tục phấn đấu. Và để đạt được những cái "đích" xa hơn như vậy, rất cần một cơ chế hợp lý hơn.
Từ thực tế tái cơ cấu của doanh nghiệp mình, lãnh đạo của Tập đoàn Viettel khẳng định, vẫn còn nhiều khó khăn cho các đơn vị trong hành trình tái cơ cấu.
Cụ thể, hiện nay vẫn chưa có đầu mối duy nhất để quản lý các doanh nghiệp nhà nước (DNNN). "DNNN có quá nhiều các bộ, ngành tham gia vào quá trình quản lý, nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính đối với hiệu quả các mặt hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy khó khăn cho doanh nghiệp trong quá trình tổ chức thực hiện nhiệm vụ cũng như việc giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp chưa cao, chưa kịp thời, còn chồng chéo và không chỉ ra được người chịu trách nhiệm chính về những sai phạm khi phát hiện"- đại diện Viettel phân tích.
Trung tâm chăm sóc khách hàng miền Bắc của Công ty Viễn thông Viettel (Viettel Telecom). Ảnh: Minh Tú - TTXVN |
Cũng theo đại diện này, hiện chưa có bộ tiêu chí thống nhất để đánh giá và quản lý các DNNN. Vị đại diện này cũng chỉ ra các tiêu chí để đánh giá hiệu quả của DNNN: Đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng; vai trò dẫn dắt, kích thích thị trường; tiên phong trong hội nhập quốc tế; đi đầu về trình độ công nghệ, trình độ quản lý; năng suất, chất lượng và hiệu quả; tiên phong trong việc nghiên cứu phát triển, thiết kế chế tạo các sản phẩm công nghệ cao; điều tiết vĩ mô, khắc phục các hạn chế của nền kinh tế thị trường; kết hợp kinh tế và quốc phòng an ninh. Đây là những tiêu chí mà một DNNN cần có trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Ngoài ra, hiện tại cũng chưa có chiến lược, cơ chế hỗ trợ cho việc đầu tư ra nước ngoài của các DNNN, dẫn đến khó khăn cho doanh nghiệp khi mở rộng thị trường ra nước ngoài; thiếu cơ chế xúc tiến đầu tư thương mại ra nước ngoài, như hình thành quỹ đầu tư ra nước ngoài, xây dựng cơ chế, hành lang pháp lý cho doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài nhằm tạo niềm tin và sự hậu thuẫn cho các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Bên cạnh đó cũng chưa coi trọng việc tìm kiếm, đào tạo, đánh giá đội ngũ quản lý các DNNN; cần đổi mới nhận thức về đội ngũ lãnh đạo nhân sự cấp cao, lực lượng lãnh đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Và cuối cùng, các DNNN đang bị điều chỉnh bởi quá nhiều các hệ thống luật, văn bản dưới luật chồng chéo nhau, làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.
Vai trò nào cho doanh nghiệp nhà nước?
Từ thực tế này, Tập đoàn Viettel đã đưa ra những đề xuất và kiến nghị của mình, như là tiếng nói của một trong các tập đoàn, tổng công ty đang thực hiện tái cơ cấu.
Theo đó, Đảng cần tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của DNNN đối với nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN; xác định đóng góp của khu vực DNNN cho GDP chiếm 30-40%. Làm rõ vai trò chủ đạo của DNNN theo các tiêu chí: đi đầu trong việc thực hiện chủ trương của Đảng; vai trò dẫn dắt, kích thích thị trường; tiên phong trong hội nhập quốc tế; đi đầu về trình độ công nghệ, trình độ quản lý, năng suất, chất lượng, hiệu quả; tiên phong trong việc nghiên cứu phát triển, thiết kế chế tạo các sản phẩm công nghệ cao; điều tiết vĩ mô, khắc phục các hạn chế của nền kinh tế thị trường; kết hợp kinh tế và an ninh quốc phòng. Đồng thời cần đổi mới nhận thức về đội ngũ lãnh đạo nhân sự cấp cao của các DNNN.
Về phía Nhà nước, Chính phủ cần xây dựng bộ tiêu chí đánh giá cụ thể rõ ràng để quản lý, theo dõi đánh giá, cảnh báo hiệu quả sản xuất kinh doanh của các DNNN; đồng thời tạo sự chủ động, linh hoạt cho các doanh nghiệp. Chính phủ cần quản lý, định hướng chiến lược, quản lý nhân sự cấp cao, quản lý chặt chẽ nguồn vốn một cách hiệu quả; cần có cơ chế chính sách, quy trình, quy chế cụ thể, minh bạch về tuyển chọn, đào tạo, tạo nguồn đội ngũ cán bộ chủ trì, chủ chốt của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước.
"Với thực tế của Viettel, theo chúng tôi, không nên áp dụng mô hình Hội đồng thành viên với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước mà cần phát huy tốt vai trò của tổ chức Đảng trong doanh nghiệp (thực chất đã đảm nhiệm chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng thành viên). Tại Việt Nam thực hiện thể chế Đảng Cộng sản lãnh đạo, nếu tổ chức Hội đồng thành viên thì vị trí, vai trò của Đảng và Hội đồng thành viên sẽ chồng chéo, dễ phát sinh mâu thuẫn, mất đoàn kết ở cấp thượng tầng, theo đó vai trò của tổ chức Đảng bị hạn chế. Do vậy, với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước nên phát huy vai trò của tổ chức Đảng đồng thời áp dụng cơ cấu tổ chức gồm tổng giám đốc và các phó tổng giám đốc"- lãnh đạo Viettel phân tích.
Cũng từ thành công của việc chi trả lương theo cơ chế thị trường của mình, Viettel đã kiến nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp được chi trả lương theo cơ chế thị trường nhưng phải đảm bảo các chỉ tiêu chủ yếu theo quy định (về lợi nhuận, tốc độ tăng năng suất lao động, tốc độ tăng tiền lương, ...), khuyến khích, nâng cao kết quả, hiệu quả của doanh nghiệp. Áp dụng cơ chế thưởng cho đội ngũ cán bộ quản lý theo tỷ lệ % lợi nhuận sau thuế để khuyến khích các cán bộ quản lý điều hành nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
"Ngoài ra, để khắc phục tình trạng quá nhiều đơn vị quản lý các doanh nghiệp, nhưng lại không có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính đối với hiệu quả các mặt hoạt động của doanh nghiệp, cần có cơ quan quản lý duy nhất giúp Chính phủ tại các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Và cuối cùng, cần bắt buộc các tập đoàn, tổng công ty nhà nước ứng dụng mạnh mẽ CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành, kiểm tra, giám sát hoạt động (thông qua các phần mềm, hệ thống CNTT, viễn thông để điều hành tập trung), đưa ra các cảnh báo sớm, phát hiện kịp thời"- đại diện Viettel đề xuất.
Như đã nói ở trên, đây không phải chỉ là những kiến nghị riêng của Viettel; càng không phải là vì lợi ích của riêng doanh nghiệp. Mà trên tất cả, có thể coi đó là những bài học được rút ra từ chính thực tế của Viettel, từ cả những thành công cũng như những nỗ lực của doanh nghiệp trong hành trình tái cơ cấu. Bởi vậy, đây cũng có thể coi là những bài học cho các doanh nghiệp, để có thể tái cơ cấu một cách hiệu quả.
P.V