Nhiều đại biểu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh đã có những trao đổi về vấn đề cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là trong bối cải tác động của dịch COVID-19.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân chia sẻ, sau nhiều năm cơ cấu lại nền kinh tế, chúng ta đạt được nhiều kết quả nhất định, như tốc độ tăng năng suất lao động bình quân 5,7% (cao hơn mục tiêu 5,5%); đóng góp của yếu tố năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) cao, đạt trên 45% (mục tiêu 30 -35%); vấn đề kiểm soát lạm phát 5 năm liên tiếp dưới 4%... Cùng với đó, nợ công giảm rất sâu, điều này cho dư địa rất lớn để thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ cho nền kinh tế phục hồi trong giai đoạn bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19.
Đối với cơ cấu đầu tư công, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, tuy có những kết quả tích cực nhưng phải nhìn nhận hiệu quả đầu tư công đạt tỷ lệ thấp. Điểm yếu lớn nhất là giải ngân trong đầu tư công và việc phát huy vai trò dẫn dắt vốn đầu tư xã hội vừa qua chưa thể hiện được, bởi vốn đầu tư công trong tổng vốn đầu tư xã hội còn rất cao. Thời gian tới, việc phân bổ đầu tư phải phục vụ cho cơ cấu lại nền kinh tế. Chính phủ quan tâm nhiều đến phân bổ vốn theo cơ cấu đầu tư, vấn đề liên kết vùng, liên kết ngành…
Về cơ cấu lại nền kinh tế trong giai đoạn hiện nay, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị Chính phủ quan tâm đến các quan điểm: tiếp tục thực hiện cơ cấu đồng bộ từ trên xuống dưới, ở tất cả các ngành; việc đổi mới tăng trưởng phải kiên định mục tiêu là đổi mới theo chiều sâu, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, trước đây chỉ thích ứng với biến đổi khí hậu, thì hiện nay phải thêm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với tình hình dịch COVID-19”, Đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.
Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong giai đoạn hiện nay, việc mở rộng không gian kinh tế rất quan trọng, nhất là phát triển kinh tế đô thị, tăng cường liên kết vùng, liên kết đô thị - nông thôn, phát huy vai trò vùng kinh tế trọng điểm, các đô thị lớn. Đại dịch COVID-19 vừa qua cho thấy, việc liên kết vùng, kết nối vùng rất quan trọng. Nghiên cứu thể chế cho hoạt động liên kết vùng, bộ máy hoạt động vận hành vùng là cần thiết, điều này nhằm đảm bảo được kết nối vùng, liên kết vùng hiệu quả nhất.
Cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng, vấn đề chuyển đổi cơ cấu đã đặt ra ít nhất trong 15 năm nay, thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng cũng như Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm, không đạt yêu cầu.
Đại biểu nhận định: Nền kinh tế đang phát triển hiện có những yếu điểm và nhược điểm. Thứ nhất là vấn đề gia công, bởi chúng ta sản xuất da giày, may mặc, xuất khẩu đứng đầu hay đứng hàng hầu thế giới trong một số thị trường, nhưng chúng ta chủ yếu gia công và lao động giá rẻ. Vấn đề thứ hai là xuất khẩu thô, như xuất khẩu gạo, hạt điều, cà phê, tiêu, thủy sản… cũng đứng hàng đầu, nhưng phần lớn đều là xuất khẩu thô, giá trị không cao. Cùng với đó, công nghiệp hỗ trợ cũng là vấn để cần tháo gỡ, bởi muốn tăng giá trị sản phẩm thì phải tăng công nghiệp hỗ trợ.
Dẫn chứng từ vấn đề lắp ráp ô tô, đại biểu Trương Trọng Nghĩa phân tích, đã 20 năm thực hiện lắp ráp ô tô, nhưng hàm lượng nội địa hóa trong ô tô rất thấp (ô tô thông thường được 20 - 30%, nhưng ô tô càng tinh xảo thì hàm lượng càng thấp). Nhìn lại 20 năm trước, chúng ta cung cấp các nhà đầu tư vào để lắp ráp ô tô, họ dự đoán 15 - 20 năm sau, hàm lượng nội địa hóa sẽ đạt 50 - 60%. Tuy nhiên, tỷlệ hiện nay không đạt như kỳ vọng và vấn đề chuyển giao công nghệ cũng rất thấp.
Đại biểu Trương Trong Nghĩa cho rằng, cần chuyển đổi cơ cấu từ chiều rộng sang chiều sâu, từ thang giá trị thấp lên thang giá trị cao, thâm nhập thị trường thế giới. Nếu không giải quyết được vấn đề chuyển đổi cơ cấu này thì Việt Nam không thoát được bẫy thu nhập trung bình được các Nghị quyết của Đảng, Chính phủ đã đề ra.