Tái cơ cấu đầu tư công

Tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế nhằm nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả của nền kinh tế, trong điều kiện cạnh tranh và hội nhập với kinh tế toàn cầu và khu vực đang là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước trong Chiến lược 10 năm phát triển kinh tế- xã hội (2011- 2020).
Tái cơ cấu đầu tư, trước hết là đầu tư công tuy đang là vấn đề bức xúc, nhưng nó không thể giải quyết riêng rẽ, mà phải được đặt vào một hệ thống quan điểm đồng bộ nhằm tái cơ cấu nền kinh tế. Tái cơ cấu nguồn vốn cho đầu tư công là quá trình kết hợp nhiều hình thức sở hữu vốn trong các hoạt động đầu tư phát triển, góp phần đạt được các mục tiêu tối ưu của quá trình đầu tư, thúc đẩy nhanh quá trình sản xuất kinh doanh, tạo ra nhiều sản phẩm cho xã hội để tạo sự tăng trưởng mạnh các chỉ tiêu kinh tế của đất nước. Với ý nghĩa đó, tái cơ cấu nguồn vốn cho đầu tư công là một yêu cầu khách quan.

Công trình cầu Nhật Tân sử dụng vốn đầu tư công sẽ đem lại hiệu quả to lớn cho Hà Nội trong phát triển kinh tế - xã hội. \
Ảnh: Huy Hùng – TTXVN


Theo Tiến sĩ Trần Du Lịch, Ủy viên ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong tổng thể nội dung tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu đầu tư, mà trước hết là đầu tư công đang được lựa chọn như là một trong các nhân tố "đột phá", nhưng thực tiễn 10 năm gần đây cho thấy hiệu quả đầu tư của nền kinh tế ngày càng giảm, cả khu vực nhà nước lẫn khu vực tư nhân có liên quan đến môi trường và chính sách kinh tế vĩ mô, chức năng quản lý kinh tế của nhà nước, tức liên quan đến thể chế kinh tế.
Do đó, không thể tiến hành tái cơ cấu nền kinh tế nói chung và tái cơ cấu đầu tư nói riêng, nếu không bắt đầu từ việc đổi mới thể chế kinh tế. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực dù đầu tư ít tốn kém nhất, mang lại hiệu quả nhất, nhưng cũng khó khăn lớn nhất, vì liên quan đến lợi ích của từng địa phương, từng ngành và từng "nhóm lợi ích". Nếu hiểu "đầu tư công" bao gồm đầu tư của nhà nước và đầu tư của các tổ chức kinh tế nhà nước thì vấn đề tái cơ cấu đầu tư công phải bao gồm cả hai bộ phận trên, nên việc tái cơ cấu đầu tư công không thể tách rời với tái cơ cấu DN nhà nước (các tập đoàn, tổng công ty nhà nước).

Để nền kinh tế có thể tăng trưởng nhanh và bền vững cần phát triển trên ba trụ cột thể chế kinh tế, nguồn nhân lực chất lượng cao và kết cấu hạ tầng đảm bảo cho tốc độ tăng trưởng kinh tế và cải thiện dân sinh. Ba đột phá chiến lược trong Chiến lược 10 năm (2011- 2020), do Đại hội XI của Đảng đề ra chính là những giải pháp chủ yếu nhằm vào trọng tâm của bài toán phát triển. Năm 2012 đã là năm thứ 2 của kế hoạch 5 năm 2011- 2015, phải đồng thời giải quyết cả những vấn đề ngắn hạn và tính đến trung và dài hạn. Nhưng trên thực tế thì những giải pháp trung và dài hạn phải "nhường chỗ" cho những giải pháp tình thế nhằm ứng phó với lạm phát. Trong hơn 4 năm qua chúng ta vừa chống chọi với khó khăn do tác động từ bên ngoài và bất ổn từ nội tại cơ cấu kinh tế, để duy trì mức tăng trưởng kinh tế tối thiểu, giải quyết những vấn đề xã hội phát sinh nên chủ yếu vẫn tập trung cho các vấn đề ngắn hạn. Nhưng đã mất một năm của Kế hoạch 5 năm 2011- 2015, nên cần sớm có chính sách căn cơ để triển khai ba khâu đột phá, trong đó ưu tiên khâu thể chế kinh tế. Chính đột phá vào khâu thể chế kinh tế mới tạo ra "lợi thế động" nâng cao sức cạnh tranh.

Với thực trạng nền kinh tế hiện nay, nhiệm vụ tái cấu trúc và chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế cần có lộ trình và bước đi cần thiết, nhưng trước mắt cần tập trung làm nhanh 7 nhóm vấn đề và mỗi nhóm có hệ thống chính sách riêng. Phải tái cơ cấu nền công nghiệp, chuyển từ nền công nghiệp gia công sang sản xuất (bao gồm cả công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp). Tái cơ cấu đầu tư, trong đó ưu tiên đầu tư công dựa trên hai nguyên tắc là phí tổn cơ hội và tính lan tỏa, tính đồng bộ; gắn liền với chính sách phân bố lại nguồn lực để nâng cao hiệu quả sử dụng đối với mọi thành phần kinh tế. Tái cơ cấu thị trường tài chính, trong đó ưu tiên hệ thống ngân hàng thương mại và phát triển các định chế tài chính - tín dụng phi ngân hàng. Tái cơ cấu DN, trong đó ưu tiên tái cơ cấu DN nhà nước và phải sớm ban hành cho được luật về quản lý vốn kinh doanh của nhà nước. Tái cơ cấu thị trường xuất khẩu và thị trường nội địa. Đã tới lúc không phải cái gì xuất khẩu được là xuất, không chạy theo kim ngạch đơn thuần mà phải tính toán giá trị nội địa hóa trong cơ cấu giá trị xuất khẩu và hiệu quả sử dụng nguồn lực. Cần phát triển thị trường nội địa, tạo ra sức mua từ bên trong, đặc biệt khuyến khích các DN trong nước làm chủ mạng phân phối nội địa. Tái cơ cấu thị trường lao động, gắn liền với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới căn bản, toàn diện hệ thống giáo dục đào tạo. Cơ cấu lại các vùng và địa bàn kinh tế trọng điểm, xoá bỏ tư duy và phương thức quy hoạch phát triển kinh tế địa phương theo ranh giới hành chính.


Hiện nay đang thực hiện chủ trương ưu tiên tái cấu trúc ba lĩnh vực, trong đó có đầu tư là đúng đắn, nhưng cần có đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế gồm nhiều lĩnh vực và qua đó phân kỳ chính sách ưu tiên cho từng lĩnh vực trong từng giai đoạn từ nay đến năm 2020, trong đó vấn đề cơ cấu lại thị trường cũng cần được ưu tiên thực hiện đồng bộ ngay trong kế hoạch 5 năm này.

Liên quan đến vấn đề tái cơ cấu đầu tư, trước hết là đầu tư công, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, nội dung của tái cơ cấu đầu tư công là cần rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch đầu tư theo tầm nhìn dài hạn và tư duy liên vùng, trên cơ sở bổ sung tiêu chí thúc đẩy liên kết vùng và tiêu chí tạo tác động lan tỏa khi phê duyệt quy hoạch, hướng việc đầu tư kết cấu cơ sở hạ tầng vào các vùng có dung lượng hàng hóa lớn, khả năng kết nối vận tải cao, và các dự án hỗ trợ giảm nghèo bền vững; đối với đầu tư của DN nhà nước hướng vào các dự án có thể khai thác nhanh lợi thế so sánh, bảo đảm quy mô kinh tế, có khả năng cạnh tranh và có hiệu ứng lan tỏa tốt, ưu tiên các dự án công nghệ cao, đầu tư sản xuất và chế biến nông sản, phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; các dự án có khả năng thúc đẩy thực hiện chính sách công nghiệp trong tiến trình thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Ban hành Luật Ngân sách mới gắn với việc điều chỉnh hệ thống phân cấp. Xây dựng tiêu chí nợ công an toàn, không theo tỷ trọng nợ công/GDP. Từ dó, xây dựng lộ trình giảm mức bội chi ngân sách xuống 3% GDP, tiến tới cân bằng ngân sách và khống chế mức nợ công. Sửa đổi lại Luật Đấu thầu nhằm tăng cường các thiết chế bảo vệ môi trường, tiêu chuẩn công nghệ và chi phí vận hành (nhằm khắc phục tình trạng chọn giá trúng thầu thấp nhưng công nghệ lạc hậu, chi phí vận hành cao do tiêu hao nhiều nguyên liệu, năng lượng sản phẩm không cạnh tranh được...). Ban hành văn bản pháp lý cao hơn, đầy đủ hơn để khuyến khích đầu tư theo phương thức hợp tác công tư (PPP). Văn bản hiện hành rõ ràng không giải quyết được các rủi ro của nhà đầu tư, việc hạn chế nguồn vốn tham gia của nhà nước ở mức 30% càng làm giảm khả năng tham gia của khu vực tư nhân và các dự án PPP.

Văn Sơn
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN