Đặc biệt, hòa vào dòng chảy sôi động của Thủ đô Hà Nội, trong xu hướng báo chí chuyển đổi số, đứng trước nhiều thời cơ, thách thức đan xen, mỗi cơ quan báo chí và người làm báo đã nỗ lực đổi mới, để đồng hành cùng Thủ đô phát triển.
Thách thức từ “guồng quay” không ngừng của tin tức
Có thể khẳng định nghề báo là nghề phải đối mặt với những khó khăn, vất vả và đầy nguy hiểm. Với những người làm báo tác nghiệp ở Thủ đô - trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế của cả nước với đầy ắp thông tin, sự kiện nóng, thì càng khó khăn gấp bội. Trong biển thông tin ngập tràn như từng lớp sóng xô, lớp này chưa đi lớp khác đã tới, những người làm báo Thủ đô dường như đã không ngừng nghỉ chạy đua với tin tức, để tin, bài được cập nhật từng phút.
Nhà báo Nguyễn Mạnh Khánh, Cơ quan Thường trú TTXVN (Thông tấn xã Việt Nam) tại Hà Nội nhấn mạnh: “Lúc nào chúng tôi cũng trong tâm thế “lên dây cót”, “phản ứng nhanh”, kể cả những ngày thứ 7, Chủ nhật đều sẵn sàng xách ba lô lên và đi”. Với Thủ đô Hà Nội những năm qua, sự vươn mình của thành phố đã tạo ra những lớp nang tin tức đặc sắc. Đồng thời từ đó góp phần không nhỏ để báo chí có nhiều cơ hội được tiếp cận thông tin, đa dạng hóa đề tài tác nghiệp và tạo nên bản sắc cho những dòng tin, sự kiện.
Trước sức nóng của thông tin, sự đa dạng, phong phú và guồng tin tức sự kiện không ngừng, hầu hết những người làm báo tác nghiệp tại Thủ đô đều tự đổi mới, vượt qua mọi khó khăn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ truyền tải thông tin và hơn cả là cho ra đời những “đứa con tinh thần” ưu tú. Năm 2020 là một năm rất đặc biệt, khi mà đại dịch COVID-19 dường như đã làm thay đổi mọi thứ, báo chí không nằm ngoài qũy đạo ấy. Chỉ có điều công việc của người làm báo trên địa bàn càng trở nên áp lực trước một sự kiện chưa từng có tiền lệ.
Trong gần 5 tháng đầu năm 2020, cuộc chiến đấu với dịch COVID-19 đã khiến Thủ đô Hà Nội trở thành “tâm dịch” nghiêm trọng, báo chí Thủ đô buộc mình phải “chuyển động” nhanh hơn, tích cực hơn trên mũi tiên phong, không ngừng nghỉ theo nhịp tin tức thời COVID-19. Các phóng viên theo dõi y tế, nội chính... đều căng mình trong cuộc đua với thông tin, kích hoạt sự năng động của người làm báo để không bỏ sót bất cứ thông tin quan trọng nào về dịch bệnh.
Ở đâu có thông tin về tình hình dịch bệnh từ các cuộc họp Ban chỉ đạo chống dịch Trung ương, thành phố Hà Nội, đến địa phương; rồi thông tin ở các bệnh viện đang điều trị cho bệnh nhân mắc COVID -19, hay ở những khu cách ly tập trung... thì phóng viên đều có mặt. Ngay cả khi thực hiện giãn cách xã hội, ngoài lực lượng chức năng làm nhiệm vụ phòng chống dịch thì còn có cả phóng viên tác nghiệp thực tế ở ngoài đường.
Nhà báo Hồ Thủy Tiên, Báo Kinh tế và Đô thị chia sẻ: Là một phóng viên nội chính, tôi được phân công theo dõi thường trực các thông tin từ ban chỉ đạo chống dịch của thành phố Hà Nội. Cùng với các thành viên trong ban chỉ đạo, nhóm phóng viên theo dõi chúng tôi cũng bám sát 1 tuần ít nhất 3 cuộc họp, chưa kể có những cuộc họp khẩn diễn ra lúc 23 giờ và kết thúc vào lúc gần 1 giờ sáng, có những cuộc họp đột xuất được thông báo trước 30 phút bắt đầu cuộc họp... Dù có vất vả, nhưng tất cả phóng viên chúng tôi đều mong muốn truyền tải thông tin chính thống, kịp thời và trung thực nhất tới xã hội. Bởi chúng tôi xác định, trong cuộc chiến đấu trường kỳ này, phóng viên là chiến sỹ tuyến đầu để chống nạn tin giả.
Cũng trong dòng chảy của tin tức những tháng qua, việc "kiểm chứng và kiểm chứng", luôn là khẩu hiệu hàng đầu của các cơ quan báo chí trên địa bàn. Nhờ vậy, trong suốt quá trình, giữa một rừng tin thật, giả lẫn lộn, những người làm báo Thủ đô vẫn theo kịp thời sự mà không dính "bẫy" tin giả. Ngược lại, nhờ những phóng viên chuyên trách ở những "giao lộ" thông tin quan trọng, báo chí Thủ đô đã kịp thời cung cấp những thông tin phản hồi, bóc trần những mánh khóe làm nhiễu loạn thông tin của nhiều đối tượng, lật tẩy chuyện hoang đồn, câu view... Chiến đấu với tin giả để định hướng dư luận, thực sự đã và đang trở thành sứ mệnh quan trọng của báo chí nói chung và báo chí Thủ đô nói riêng.
Báo chí Thủ đô “bắt nhịp” xu thế chuyển đổi số
Vào thời đại công nghệ số, nền báo chí Việt Nam đứng trước những thách thức lớn, nhưng cũng là cơ hội để người làm báo đổi mới để bắt kịp xu hướng chung của sự phát triển. Công nghệ hiện đại tạo ra rất nhiều cơ hội cho nghề báo nhưng câu chuyện phát triển thông tin trong thời đại công nghệ số hiện nay cũng đặt ra rất nhiều thách thức.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập tạp chí Người làm báo cho rằng: Với sự chuyển đổi từ kỷ nguyên in ấn sang thời đại số hóa, hoạt động cạnh tranh quan trọng của báo chí truyền thông không chỉ bó hẹp trong phạm vi thu thập và đưa tin, mà còn phải thông qua việc hợp nhất các sản phẩm truyền thông để nâng cao chất lượng và giá trị thông tin, từ đó tạo ra sản phẩm nội dung mới, tạo thành các chuỗi sản phẩm và chuỗi giá trị trong các tập đoàn truyền thông. Xét từ ý nghĩa đó, trình độ kiến thức của phóng viên và kỹ năng tác nghiệp hiện nay của nhà báo đang trở nên lạc hậu, những người làm công tác báo chí “đa năng” đòi hỏi phải là người hiểu về truyền thông, biết lập kế hoạch, viết tốt, quay phim, chụp ảnh giỏi...
Trong bối cảnh ấy, phóng viên đa năng trở thành đích đến của những người làm báo Thủ đô. Vì thế, họ đã phải thay đổi trong cách tiếp cận và thực hiện tin bài, hoàn thành nhiệm vụ. Quả thực, chưa bao giờ những đòi hỏi của thời cuộc lại cấp bách như hiện nay. Các cơ quan báo chí đã và đang tăng cường "đào tạo lại", tập huấn, bồi dưỡng kĩ năng tác nghiệp đa phương tiện, hỗ trợ tối đa hoạt động nghiệp vụ để phóng viên trau dồi thêm kiến thức trình độ, kỹ năng, sự đa năng trong tác nghiệp.
Thậm chí, với những cuộc "chạy nước rút" không thể chậm trễ trước làn sóng công nghệ số, nhiều phóng viên, nhà báo tại Thủ đô đã thay đổi cung cách tác nghiệp. Nhiều sự việc nóng tại hiện trường, những buổi họp báo thời sự đã được livestream trực tiếp truyền tải thông tin đến mọi người. Đối với những sự kiện lớn hơn, các cơ quan đã trang bị các thiết bị chuyên dụng như xe vệ tinh, xe màu...để phục vụ công tác đưa tin. Tùy vào mức độ của sự kiện, các tòa soạn, đài phát thanh - truyền hình sẽ có cách bố trí trang thiết bị hợp lý.
Bên cạnh đó, nhiều đơn vị cũng tận dụng các trang mạng xã hội để tạo thêm những kênh thông tin của đơn vị mình (tạo kênh Youtube, tạo fanpage trên Facebook…), giúp độc giả đến gần hơn với các sản phẩm truyền thông mà đội ngũ phóng viên, nhà báo tạo ra. Sự vận dụng có sáng tạo mạng xã hội để lan tỏa thông tin cũng là cách thức thú vị để nâng cao hiệu quả công việc.
Có thể nói, báo chí Thủ đô đã và đang bắt kịp được xu hướng ấy, để rồi qua rất nhiều những sự kiện lớn diễn ra, đội ngũ báo chí đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Thế nhưng, cốt lõi của giá trị nội dung, những chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp vẫn luôn là điều “bất biến” đối với người làm báo. Trong bối cảnh nào thì báo chí luôn phải tự thắp sáng mình lên, không chỉ tìm tin tức để đưa mà phải thẩm định tin tức một cách chính xác nhất. Đó chính là thách thức lớn, nhưng cũng là con đường "sống" của báo chí chính thống trước áp lực của mạng xã hội mà báo chí Thủ đô đã, đang và tiếp tục “bắt nhịp” trên hành trình ấy.