Tích tụ ruộng đất là một trong những điều kiện tiên quyết để tổ chức sản xuất lớn. Ảnh: TTXVN |
Tham dự có đại diện lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, các bộ, ngành liên quan; 20 đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường tại các tỉnh và địa phương cùng các chuyên gia, nhà khoa học thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường trên cả nước.
Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa, sau hơn 3 năm thi hành Luật Đất đai 2013, hành lang pháp lý cho công tác quản lý và sử dụng đất đai cũng như các điều kiện triển khai thi hành luật được thực hiện tương đối tốt. Tuy vậy, hiện nay nguồn lực về đất đai vẫn chưa thực sự được khai thác và phát huy đầy đủ để trở thành nguồn nội lực quan trọng phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều nơi dự án đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không đưa vào sử dụng hoặc chậm đưa vào sử dụng, còn lãng phí, hiệu quả sử dụng thấp. Cơ chế tạo quỹ đất để đấu giá chưa được quan tâm thực hiện. Khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai vẫn cao chiếm 70%. Chính vì vậy, sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai sẽ đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng, an ninh trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, bảo đảm sử dụng đất đai hiệu quả, tiết kiệm và bền vững.
Tại Hội thảo, bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai đã trình bày các nội dung đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai. Theo đó, việc sửa đổi, bổ sung Luật phải phù hợp với quan điểm, cương lĩnh, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng; bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; phù hợp với đường lối đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.
Luật Đất đai tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai theo cơ chế thị trường phù hợp với điều kiện địa phương, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, nông dân và doanh nghiệp; khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên, tài sản đất đai. Kiểm soát chặt chẽ việc chuyển đất nông nghiệp sang sử dụng vào mục đích khác, linh hoạt việc chuyển mục đích sử dụng đất trong nội bộ nhóm đất nông nghiệp, bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài, bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia và đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Ông Bùi Duy Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, danh mục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất nên bảo lưu trong 3 năm. Kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện cần tăng tính chủ động khi thực hiện, đảm bảo thủ tục hành chính, nhận chuyển nhượng các dự án đầu tư.
Ông Bùi Duy cường kiến nghị nghiên cứu xem xét đối với dự án không thuộc đối tượng thu hồi đất, nên phân cấp cho cấp huyện thu hồi đất, tháo gỡ vướng mắc cho các nhà đầu tư trong quá trình triển khai dự án. Bộ Tài nguyên và Môi trường nên nghiên cứu bổ sung trường hợp thu hồi, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch theo quy hoạch hỗ trợ và tái định cư thực hiện dự án đầu tư.
Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lạng Sơn Chu Văn Thạch cho rằng, cần bổ sung quy định hạn mức tách thửa đối với đất nông nghiệp theo Khoản 2 Điều 60 Luật Đất đai quy định; bổ sung quy định xử lý nợ đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất sau ngày15/10/1993, không có giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 50 Luật đất đai năm 2003, đã được cấp Giấy chứng nhận nhưng còn nợ tiền sử dụng đất.
Để thống nhất xử lý về đất đai khi chấm dứt hoạt động đối với các loại hình doanh nghiệp tương tự như doanh nghiệp tư nhân, ông Chu Văn Thạch đề nghị bổ sung vào Khoản 1, Điều 83, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP của Chính phủ đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân thành lập Công ty TNHH hoặc Công ty TNHH Một thành viên...
Tại hội thảo, các chuyên gia, các nhà khoa học đã đề xuất, kiến nghị sửa đổi một số quy định của Luật Đất đai về: người sử dụng đất; bồi thường hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; giá đất; giải quyết tranh chấp đất đai... nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, trong đó chú trọng đến lợi ích của Nhà nước, hoàn thiện cơ chế và có những giải pháp để đất đai trở thành nguồn lực cho sự phát triển của đất nước.