Từ đầu năm 2015, Công ty Cổ phần An Phú Hưng (Hà Nam) triển khai thí điểm “Dự án tích tụ ruộng đất để sản xuất cây trồng chất lượng cao” với tổng diện tích 19,2 ha trồng các loại rau, củ, quả tại xã Nhân Khang, huyện Lý Nhân. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN |
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, đứng trước yêu cầu thực tiễn sản xuất, đòi hỏi các nhà quản lý, đặc biệt là các nhà quản lý địa phương phải làm sao thu hút được các nhà đầu tư. Muốn thu hút được các nhà đầu tư thì họ cần "trải thảm đỏ" cho doanh nghiệp. Và ở địa phương, họ chỉ có mỗi tài nguyên đất, tài nguyên nước nên cần biến tài nguyên đó làm sao cho hấp dẫn các nhà đầu tư.
Cách làm của Hà Nam là chính quyền địa phương đứng ra trao đổi, đàm phán với nông dân góp đất, tạo quỹ đất sạch. Có quỹ đất đó, địa phương giao cho nhà đầu tư bằng cách ký kết hợp đồng cho thuê. Cùng với đó là các chính sách cho làm điện, đường giao thông, thủy lợi... để hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Trí Ngọc, việc làm đó đáp ứng được việc thu hút đầu tư các doanh nghiệp. Doanh nghiệp có đất sạch, đất tập trung. Nông dân cũng được khoản tiền tương ứng thời gian cho thuê và được chấp nhận vào làm tại doanh nghiệp đó. Nông dân sẽ được khoản thu nhập hàng tháng và quan trọng là đất đai vẫn là của họ. Do đó, nông dân yên tâm, sẵn sàng cho thuê bởi có nhà nước đảm bảo cho họ.
Còn tại Thái Bình, tỉnh đã hình thành một trung tâm để thực hiện việc tích tụ, tập trung đất đai này. Cả hai mô hình thí điểm này song song tồn tại để thu hút vào nông nghiệp, nông thôn và được dư luận đồng tình ủng hộ.
Thực tế hiện nay, chưa đến 1% số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, thậm chí có năm số doanh nghiệp ngành nông nghiệp ngừng hoạt động và giải thể còn cao hơn doanh nghiệp thành lập mới. Với những khó khăn mang tính đặc thù, thu hút đầu tư vào nông nghiệp rất cần có cơ chế đặc thù. Cơ chế đó chính là quỹ đất sạch để cho doanh nghiệp thuê.
“Khi Luật Đất đai không thể sửa đổi ngay được. Trong điều kiện hiện nay, muốn thu hút vào nông nghiệp thì nên mở rộng cách làm của hai địa phương này”, ông Nguyễn Trí Ngọc chỉ ra.
Mô hình của nông dân Trần Xuân Lưỡng (xã Quang Hưng, huyện Kiến Xương) là một trong những cánh đồng tích tụ lớn nhất tại tỉnh Thái Bình. Ảnh: Thu Hoài/TTXVN |
Ông Ngọc cũng cho biết, hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang chủ trì sửa đổi Nghị định 210/2013/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, trong đó có những đề nghị tạo quỹ đất sạch với chủ trương ứng dụng theo giải pháp của Hà Nam, Thái Bình, đặc biệt là theo cách của Thái Bình.
Theo ông Nguyễn Đình Bồng, Phó Chủ tịch Hội Khoa học đất Việt Nam, thị trường quyền sử dụng đất trong nông nghiệp, nông thôn là một thị trường tiềm năng nhưng chưa phát triển. Điều này tác động đến quá trình tích tụ, tập trung đất đai. Thị trường quyền sử đụng đất sơ cấp (Nhà nước giao đất cho hộ gia đình, cá nhân) đã hoạt động hiệu quả, nhưng thị trường quyền sử dụng đất thứ cấp như: chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, thế chấp, bảo lãnh và góp vốn bằng quyền sử đụng đất còn “đóng băng”.
Ông Bồng cho biết, trong các quyền được pháp luật cho phép, người sử dụng đất mới thực hiện một số quyền như: chuyển đổi, thừa kế, thế chấp; các quyền khác, như quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê, cho thuê lại và góp vốn bằng quyền sử dụng đất còn ít được sử dụng.
Điều này, một mặt do các quy định về quyền chuyển nhượng, quyền cho thuê, cho thuê lại còn chặt chẽ; các quy định và hướng dẫn về góp vốn bằng quyền sử dụng đất chưa đủ rõ ràng để người dân an tâm góp vốn bằng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp.
Mặt khác, tâm lý của người nông dân muốn giữ ruộng đất sản xuất, không muốn chuyển nhượng mặc dù không có nhu cầu sử dụng đất.
Với thực tế hiện nay một gia đình chỉ sở hữu có vài nghìn mét vuông đất thì không thể hiệu quả được. Đó là còn chưa kể đến, diện tích đó được phân chia thành nhiều thửa. Đất manh mún theo quy mô hộ như ở miền Bắc sẽ dẫn đến sản xuất tự cấp, tự túc chiếm ưu thế, làm cho việc sử dụng đất kém bền vững và ít hiệu quả.
Với thời buổi phải ứng dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất thì nhu cầu tích tụ, tập trung đất đai là nhu cầu khách quan. Để tích tụ, tập trung đất đai được hiệu quả, cái gốc của vấn đề là làm sao nông dân họ phải có cảm giác yên tâm không bị mất đất nông nghiệp. Khi không còn đất, họ cũng muốn có việc làm ổn định.
Để tạo niềm tin đó, theo ông Nguyễn Trí Ngọc, doanh nghiệp thuê lại đất
của nông dân thì chắc chắn phải cam kết thu nạp họ làm lao động. Muốn
thu nạp họ làm lao động thì họ phải được đào tạo. Như vậy, chính sách hỗ
trợ đào tạo cho lao động không thể giao cho một đơn vị khác được, mà
phải giao cho chính doanh nghiệp.
“Không như trong thời gian vừa
qua, đào tạo “bừa” cho nông dân. Không phải chỗ nào cũng đào tạo nông
dân đi trồng nấm, trồng hoa. Hãy để việc này cho doanh nghiệp và bố trí
nguồn vốn hoặc hỗ trợ doanh nghiệp sau đầu tư”, ông Ngọc nói.
Hiện nay, tại tỉnh Ninh Bình đã hình thành trên 100 mô hình tích tụ ruộng đất, với tổng diện tích trên 500 ha; trong đó hơn 200 ha đã được doanh nghiệp liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; giá trị trên ha canh tác đạt trên 120 triệu đồng/ha/năm trở lên. Ảnh: Minh Đức/TTXVN |
Ông Nguyễn Duy Vĩnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, việc tích tụ, tập trung đất đai rất phức tạp, liên quan trực tiếp đến đời sống và sản xuất của nông dân. Để hoàn thiện các quy định của pháp luật về đất đai, nhằm thúc đẩy việc tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, bên cạnh việc tổng kết các kinh nghiệm thực tiến cần thiết triển khai các mô hình để nghiên cứu đánh giá, từ đó đề xuất, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về đất đai và tích tụ ruộng đất.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, trong quá trình nghiên cứu chính sách về tích tụ đất đai, Bộ đã nguyên cứu về hai mô hình này. Có thể nói, Đảng và Nhà nước đã thấy mô hình ấy cần phải tổng kết, phải đánh giá để chúng ta hoạch định các chính sách pháp luật.
“Đã là thí điểm thì những điểm tốt sẽ sớm được đưa thành chính sách, mặt chưa hoàn chỉnh sẽ điều chỉnh. Trong thời gian tới sẽ có chính sách hoàn chỉnh về tích tụ đất đai. Đây là kinh nghiệm tốt để sửa đổi Luật Đất đai, để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp, thực hiện sản xuất lớn và an toàn”, Thứ trưởng Hà Công Tuấn nói.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao cho các đơn vị chức năng theo dõi quá trình triển khai mô hình thí điểm này và có sơ kết, tổng kết đánh giá để phối hợp Bộ Tài Nguyên môi trường kiến nghị sửa đổi pháp luật về đất đai, tạo điều kiện cho việc tích tụ ruộng đất, hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, đáp ứng yêu cầu hội nhập sâu rộng quốc tế.