Liên quan đến 8 Dự án Luật gồm sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. đa phần các ý kiến đều thống nhất việc ban hành các dự án luật là cần thiết, phù hợp thực tiễn, tập trung tháo gỡ những điểm nghẽn để tạo thuận lợi phát triển đất nước.
Các đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu thêm một số vấn đề như: Luật Thi hành án dân sự chưa đề cập đến cơ chế xử lý ủy thác thi hành án và ủy thác tài sản; xem xét thấu đáo hơn các điều khoản bảo vệ di tích di sản trong Luật Đầu tư; sửa đổi mạnh mẽ, chặt chẽ hơn quy định chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án nhà ở thương mại đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và nhà dân.
Đại biểu Trần Công Phàn đề nghị Quốc hội cân nhắc khi sửa đổi một lúc 8 luật không có sự liên quan với nhau, có sự nghiên cứu về thời gian các luật có hiệu lực sao cho đáp ứng yêu cầu thực tế.
Đại biểu Vũ Huy Khánh cho rằng việc bổ sung sửa đổi danh mục hoạt động kinh doanh sản phẩm dịch vụ an ninh mạng vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện là cấp thiết. Theo đại biểu thách thức an ninh mạng là vấn đề toàn cầu và trực tiếp ảnh hưởng đến lợi ích quốc gia.
Hoạt động xã hội hóa việc truyền tải điện, sửa đổi Điều 4 của Luật Điện lực là cơ sở, tuy nhiên việc thiết lập một cơ chế để các tổ chức hoạt động ngoài nhà nước tham gia vào lĩnh vực này đến đâu và nhà nước điều tiết như thế nào cần phải tính toán kỹ. Nhà nước không độc quyền nhưng có kiểm soát vận hành khi có nguy cơ tác động đến an ninh, quốc phòng.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương đánh giá rất cao phiên họp bất thường lần này và cho rằng các đại biểu đã đưa ra rất nhiều ý kiến hữu ích và thiết thực; đồng thời rất quan tâm đến việc sửa đổi, bổ sung xây dựng lại các điều luật vì ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế của tỉnh Bình Dương nói chung và nhiều doanh nghiệp kinh doanh trong ngành bất động sản nói riêng tại Bình Dương.
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho biết khi thực hiện dự án kinh doanh bất động sản thì các bên liên quan chịu sự quản lý của các Luật, trong đó có Luật Đất đai và Luật Đầu tư. Luật Đất đai thì quy định phải có chủ trương mới cho chuyển nhượng từ cá nhân sang tổ chức nhưng Luật Đầu tư lại quy định cho phép đăng ký đầu tư trước khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất. Việc nhà nước chấp thuận cho đăng ký đầu tư dự án thực chất là chỉ công nhận đăng ký đầu tư cho nhà đầu tư chứ chưa nói ai là chủ đầu tư.
Thông thường doanh nghiệp nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của cá nhân hoặc tổ chức để làm dự án, khi có hợp đồng công chứng mới được đăng ký đầu tư. Nhưng vì vướng Luật Đất đai nên nhà đầu tư chưa thể thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất được nên phải xin đăng ký đầu tư. Việc áp dụng Luật Đất đai và Luật Đầu tư đã bộc lộ những bất cập gây khó khăn cho cơ quan chức năng thực thi cũng như doanh nghiệp khi đầu tư dự án bát động sản.
Đại biểu cũng góp ý cần sửa đổi Điều 31, Điều 32 của Luật Đầu tư. Việc sửa đổi sẽ tăng thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh đối với các dự án quy mô sử dụng đất dưới 300 ha, dân số dưới 50.000 người. Việc sửa đổi này sẽ tạo sự chủ động, linh hoạt cho địa phương và rút ngắn thời gian chuẩn bị cho các nhà đầu tư, tạo tiền đề phát triển kinh tế.