Đại biểu Nguyễn Văn Thi, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Bắc Giang, rất quan tâm tới việc sửa đổi, bổ sung quy định đối với việc đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí và việc khai thác, sử dụng và bảo hộ chỉ dẫn địa lý đối với một số hàng hóa nông sản.
Giúp quản lý hiệu quả các chỉ dẫn địa lý được bảo hộ
Đại biểu Nguyễn Văn Thi cho biết: Bắc Giang đã sớm quan tâm và đang đi đầu trong việc xây dựng chỉ dẫn địa lý; hướng dẫn đăng ký bảo hộ các nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể cho các nông sản chủ lực và các sản phẩm nông nghiệp tiềm năng của tỉnh.
Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý là: Vải thiều Lục Ngạn, Na dai Lục Nam, Sâm nam núi Dành; 4 nhãn hiệu chứng nhận và 66 nhãn hiệu tập thể. Tại Bắc Giang, hằng năm có đến gần 50% các nhiệm vụ khoa học sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực nông, lâm nghiệp và thủy sản.
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, sẽ có tác động, khuyến khích được các tổ chức, cá nhân là tác giả, chủ nhiệm các nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước đăng ký các sáng chế, góp phần đẩy nhanh việc thương mại hóa kết quả nghiên cứu để áp dụng vào sản xuất và đời sống.
Đối với chỉ dẫn địa lý, việc sửa đổi, bổ sung Luật lần này tiếp tục theo quy định của Nhà nước là trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý cho tổ chức, cá nhân tiến hành việc sản xuất sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý tại địa phương tương ứng và đưa sản phẩm đó ra thị trường. Nhà nước trực tiếp thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý hoặc trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý cho tổ chức đại diện quyền lợi của tất cả các tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng chỉ dẫn địa lý; giao cho Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn việc thực hiện quyền quản lý chỉ dẫn địa lý.
Điểm mới trong dự thảo Luật về lĩnh vực này là đã bổ sung một quy định cụ thể hơn về quyền ngăn cấm người khác khi có hành vi vi phạm về sử dụng chỉ dẫn địa lý. Theo đó, tổ chức, cá nhân được trao quyền sử dụng, tổ chức được trao quyền quản lý chỉ dẫn địa lý có quyền ngăn cấm người khác sử dụng chỉ dẫn địa lý đó theo quy định.
Từ các nội dung trên, đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ lần này sẽ tạo điều kiện cho các địa phương, trong đó có tỉnh Bắc Giang quản lý, khai thác có hiệu quả hơn các chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ, nhất là việc tiếp tục mở rộng đăng ký và thực hiện quyền được bảo hộ chỉ dẫn địa lý của địa phương tại một số quốc gia, khu vực trên thế giới.
Thúc đẩy việc khai thác và thương mại kết quả nghiên cứu khoa học
Đại biểu Nguyễn Văn Thi cơ bản đồng ý với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, theo Tờ trình của Chính phủ. Trong đó, dự luật sửa đổi 80 điều, bổ sung 12 điều, bãi bỏ 2 điều; sửa đổi một số điều của luật khác có liên quan. Dự án Luật đã giải quyết được một số vấn đề bất cập của Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành trên cả 3 lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Mặt khác, việc sửa đổi để đảm bảo thực hiện cam kết các điều ước quốc tế, nhất là đối với việc đảm bảo quyền sở hữu trí tuệ trong Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); các Hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Hàn Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Vương quốc Anh và Bắc Ai-len.
Về Điều 86 và Điều 86a của Luật Sở hữu trí tuệ (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 36 và 37 Điều 1 của dự thảo Luật), đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng, việc này thúc đẩy sự khai thác và thương mại hóa các kết quả nghiên cứu của các công trình khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước có khả năng được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Thời gian qua, khâu thương mại hóa các kết quả nghiên cứu các công trình khoa học có sử dụng ngân sách nhà nước đang là khâu yếu. Dự thảo luật lần này dự kiến trao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí cho tổ chức chủ trì, sẽ khắc phục được tình trạng trên.
Ngoài ra, quy định này đã được nhiều quốc gia trên thế giới thực hiện nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Về Điều 211 của Luật Sở hữu trí tuệ (được sửa đổi, bổ sung theo khoản 89 Điều 1 của dự thảo Luật, quy định về xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ), đại biểu Nguyễn Văn Thi đề nghị giữ nguyên theo quy định của pháp luật hiện hành, theo đó áp dụng biện pháp xử phạt hành chính đối với tất cả các hành vi xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ.
Đại biểu Nguyễn Văn Thi cho rằng, quan hệ sở hữu trí tuệ là quan hệ dân sự có tính chất đặc thù; hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ không chỉ ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của chủ thể quan hệ sở hữu trí tuệ, mà còn ảnh hưởng sâu rộng đến quyền lợi của người tiêu dùng, toàn xã hội và ảnh hưởng đến trật tự quản lý hành chính nhà nước. Do đó, việc thu hẹp phạm vi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ bị xử phạt bằng biện pháp hành chính với lý do đây là quan hệ dân sự như nêu trong Tờ trình của Chính phủ, là chưa thuyết phục cả về cơ sở lý luận và thực tiễn.
Việc loại bỏ biện pháp xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí sẽ dẫn đến khoảng trống pháp luật trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.