Vài năm trở lại đây, thế giới và khu vực dường như đã quen với “điệp khúc” của Trung Quốc cố tình tạo căng thẳng trước thềm Đối thoại Shangri-La, đặt các nước trước một “sự việc đã rồi”, sau đó cử một lực lượng hùng hậu, giỏi hùng biện tham dự Đối thoại khẳng định “quyền chính đáng”, “chính sách chung sống hòa bình”, “láng giềng hữu nghị” của Trung Quốc, kêu gọi các nước “nhận thức cho đúng” “kiềm chế” và “xử lý hữu nghị”…Phó Tổng Tham mưu trưởng quân giải phóng nhân dân Trung Quốc, Tôn Kiến Quốc phát biểu tại Đối thoại Shangri La lần thứ 14 tại Singapore, ngày 31/5. Ảnh: TTXVN |
Tại Đối thoại Shangri-La năm nay, trước hàng chục câu hỏi các học giả, chuyên gia nghiên cứu đặt ra xung quanh vấn đề Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo quy mô lớn ở Trường Sa, vấn đề triển khai thiết bị quân sự và vũ khí trên các đảo nhân tạo và quan điểm không thống nhất của Trung Quốc trong giải thích hành động xua đuổi máy bay, tàu chiến Mỹ tuần tra gần khu vực Trung Quốc đang xây các đảo nhân tạo.
Đại diện Trung Quốc đã lấy lý do không có đủ thời gian để trả lời trực tiếp từng câu hỏi mà đọc một bài trả lời đã chuẩn bị sẵn nhằm xoa dịu căng thẳng trên Biển Đông, cố gắng trấn an các nước; đưa ra các cam kết với các nước láng giềng, nhấn mạnh Bắc Kinh sẵn sàng thảo luận về tình hình bất ổn trên Biển Đông. Những câu trả lời quanh co của đại diện Trung Quốc đã làm cho các học giả đặt câu hỏi và những người nghe hoàn toàn thất vọng.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã có bài phát biểu, trong đó có nội dung chỉ trích “hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông là đi lệch với các quy tắc quốc tế và việc biến các bãi đá chìm thành sân bay sẽ không giúp Trung Quốc mở rộng lãnh thổ chủ quyền của họ”.
Đại diện Trung Quốc bác bỏ những chỉ trích của Mỹ về hoạt động cải tạo trái phép của Trung Quốc trên một số bãi đá ngầm ở Biển Đông, cho rằng các dự án xây dựng này là “hợp pháp và hợp lý”. Vậy sự thật thì như thế nào?
Theo Báo cáo điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, trong nhiều tháng qua, Trung Quốc ráo riết triển khai các hoạt động lấn biển, thi công các công trình với quy mô rất lớn trên tất cả các cấu trúc mà Trung Quốc đang chiếm đóng bất hợp pháp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đặc biệt hiện nay các hoạt động này diễn ra liên tục tại 5 địa điểm, cụ thể là bãi đá Gaven khoảng 15 ha, Gạc Ma khoảng 13,2 ha, Châu Viên khoảng 24 ha; Huy Gơ khoảng 9,2 ha và lớn nhất là Chữ Thập khoảng 180 ha.
Kể từ năm 2014, Trung Quốc đã cải tạo được một diện tích đất rộng khoảng 800 ha, lớn hơn diện tích đất của tất cả các bên tranh chấp khác cộng lại.
Hành động này của Trung Quốc cùng với một loạt hành động khác mà Trung Quốc đã thực hiện trong thời gian qua như: Công bố yêu sách “đường 9 đoạn”; hạ đặt trái phép giàn khoan “Hải Dương 981” ở sâu trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam; đơn phương công bố lệnh cấm đánh bắt cá vào mùa cao điểm; cản trở hoạt động tiếp tế cho lực lượng Philippines đóng tại Bãi Cỏ Mây cho thấy, cách hành xử của Trung Quốc đã gây lo ngại cho cộng đồng quốc tế rằng, Trung Quốc đang cố tình biến những vùng biển không tranh chấp thành những vùng biển tranh chấp và tăng cường sự hiện diện quân sự tại Biển Đông.
Ngày 9/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, hoạt động cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông là nhằm “thực hiện tốt hơn trách nhiệm và nghĩa vụ quốc tế của Trung Quốc trong việc tìm kiếm cứu nạn trên biển, phòng chống và khắc phục thiên tai, hoạt động nghiên cứu và khoa học biển”, đồng thời việc xây dựng này để Trung Quốc có thể bảo vệ tốt hơn “chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích biển, phục vụ cho các hoạt động phòng thủ quân sự cần thiết.”
Những bãi đá ngầm như: Châu Viên, Chữ Thập, Gaven, Gạc Ma, Tư Nghĩa, Su Bi đâu phải thuộc chủ quyền của Trung Quốc. Đây là những bãi đá thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Trung Quốc sử dụng vũ lực đánh chiếm năm 1988.
Do đó, việc lý giải những hoạt động xây đảo nhân tạo ở Trường Sa để nhằm bảo vệ tốt hơn “chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích biển…” của Trung Quốc chỉ là sự ngụy biện.
Thậm chí, đại diện Trung Quốc còn nhấn mạnh rằng, việc bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo hay bảo vệ “vùng biển mở” là “nhu cầu phát triển quốc gia” của Trung Quốc? Vậy chẳng lẽ vị đại diện này của Trung Quốc không biết rằng “nhu cầu phát triển quốc gia” của Trung Quốc lại được ngang nhiên tiến hành trên lãnh thổ nước khác?
Tại Đối thoại Shangri-La 14, đại diện Trung Quốc cũng thừa nhận: “Trung Quốc có xây dựng nhiều công trình trên các bãi đá ở Biển Đông”, song “việc xây dựng này chủ yếu để cải thiện điều kiện sống và làm việc của những người đang sống trên đó”.
Tuy nhiên, việc Trung Quốc triển khai các hệ thống pháo tự hành trên một số đảo hoàn toàn đi ngược lại với những tuyên bố của phía Trung Quốc rằng các bãi đá mà nước này cải tạo sẽ chỉ được sử dụng vào mục đích dân sự!
Không chỉ có vậy, âm mưu lâu dài của Trung Quốc là biến các đảo nhân tạo này thành các căn cứ quân sự, hình thành tuyến phòng thủ phía trước, kiểm soát các tuyến đường hàng hải và hàng không trong khu vực.
Khi hoàn thành bồi lấp các bãi đá thành các đảo nhân tạo, Trung Quốc sẽ bố trí các hệ thống ra đa trinh sát, giám sát, tầm xa, máy bay trinh sát báo động sớm trên không; mở rộng khả năng neo đậu của tàu thuyền có trọng tải lớn, qua đó mở rộng hoạt động của lực lượng chấp pháp trên biển, triển khai lực lượng hải quân tuyến trước, nhất là mở rộng phạm vi hoạt động của các máy bay chiến đấu.
Không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tăng cường lực lượng quân sự trên các đảo như triển khai các đơn vị không quân chiến đấu; các hệ thống tên lửa đường đạn, tên lửa đất đối không, tên lửa chống tàu trên các đảo… và nếu như vậy, sẽ là mối hiểm họa lớn đối với an ninh khu vực…
Cho dù đã tìm đủ mọi lý lẽ bao biện nhằm “trấn an” các nước láng giềng và khu vực, song đại diện Trung Quốc ở Đối thoại Shangri-La năm nay đã làm cho nhiều người thất vọng. Người ta có cảm giác rằng, càng cố gắng giải thích về những hành động gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông, đại diện Trung Quốc càng làm cho mọi người mất lòng tin vào một “nước lớn”, một Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Rồi tới đây, cộng đồng quốc tế, nhất là các nước nhỏ biết đặt niềm tin vào ai để bảo vệ lẽ phải cho mình?
Kể từ khi Trung Quốc bắt đầu tiến hành xây dựng các đảo nhân tạo ở Trường Sa, Việt Nam đã nhiều lần trình bày rõ lập trường và khẳng định: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và vùng nước phụ cận cũng như yêu sách “các quyền lịch sử” của Trung Quốc đối với vùng nước, đáy biển, lòng đất dưới đáy biển bên trong “đường 9 đoạn” do Trung Quốc đơn phương đưa ra” và yêu cầu Trung Quốc phải dừng ngay mọi hoạt động bồi lấp xây dựng trái phép đảo nhân tạo cũng như triển khai các hệ thống vũ khí khí tài quân sự tại đây, đồng thời ngồi vào bàn đàm phán ký kết Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC).
Xem Bài 1 BẰNG CHỨNG LỊCH SỬ VÀ CĂN CỨ PHÁP LÝ tại đây