Tuy nhiên, đến tối 13/4, hệ thống gia cố trần hầm sập, đất đá tiếp tục đổ xuống hầm và chưa thể xác định được thời gian thông tàu qua hầm đường sắt Đèo Cả.
Sau sự cố, phóng viên TTXVN đã tiếp cận hiện trường từ hai phía Hầm Bãi Gió. Tại đây, hàng trăm công nhân vẫn đang “bám” hiện trường để khắc phục sự cố. Hầm Bãi Gió được xây dựng từ năm 1936, đến nay đã 88 năm nên đã xuống cấp, xuất hiện nhiều vết nứt. Trong khi đó, cửa hầm chỉ cách mặt đường Quốc lộ 1 khoảng 10m, nếu có rung chấn từ phía trên, kết hợp với trời mưa dễ gây sụt lún.
Được biết, sau khi xảy ra sự cố, các đơn vị đường sắt đã huy động hai đoàn tàu công trình vào hiện trường để dọn dẹp đất đá sạt lở và phun bê tông gia cố tạm vỏ hầm. Bên ngoài hầm, đầu máy liên tiếp vận chuyển sắt thép vào hầm để gia cố. Trong khi đó, nhiều công nhân sử dụng các phương tiện như máy múc, xe kéo để vận chuyển đất đá lên xe chuyên dụng.
Trong quá trình xử lý sự cố sạt lở tại vị trí hầm đường sắt Đèo Cả thuộc địa phận xã Đại Lãnh, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, khoảng 40m3 đất đá tiếp tục đổ xuống hầm, toàn bộ hệ thống gia cố trần hầm bị sập, gây khó khăn cho công tác xử lý.
Trực tiếp chỉ huy tại hầm Bãi Gió, ông Lê Quang Vinh, Giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Phú Khánh cho biết, hầm Bãi Gió dài khoảng 900m, trong đó khoảng 20m bị đất đá vùi lấp. Hiện nay, lực lượng chức năng vẫn tiếp tục đưa đất đá ra khỏi khu vực hiện trường. Tại điểm sạt lở, đất đá vẫn tiếp tục rớt xuống, trên hầm xuất hiện nhiều vết nứt, đất đá theo đó trôi xuống. Cơ quan chức năng hiện chưa xác định được thời gian thông hầm.
Ông Lê Quang Vinh cho biết thêm: "Đến 4 giờ 30 phút ngày 13/4, khi đã hoàn thành việc đưa số đất đá sạt lở lần đầu ra ngoài thì đất đá tiếp tục sạt lở. Lần đầu 180 m3, lần 2 hơn 50 m3 đất đá. Ngay sau khi xảy ra sự cố sạt lở hầm Bãi Gió, chúng tôi đã huy động gần 200 nhân lực cùng với máy móc, hai đoàn tàu công trình, máy xúc loại nhỏ để đưa vào trong hầm và thực hiện công tác cứu chữa một cách nhanh nhất nhằm khôi phục an toàn tuyến đường sắt bị sự cố. Nhưng khó khăn lớn nhất hiện nay là tầng đất đá ở trên hầm bị phong hóa lâu năm và bây giờ bị vỡ ra, sạt xuống bất cứ lúc nào. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng vào an toàn tính mạng của công nhân trong quá trình khắc phục sự cố".
Từ lúc xảy ra sự cố sạt lở đến nay, ngành đường sắt đã phải thực hiện trung chuyển bằng xe ô tô gần 3.000 hành khách trên 10 đoàn tàu đi trên tuyến Bắc - Nam và ngược lại, khi tàu đến các ga gần địa điểm xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, các đơn vị đường sắt khu vực cũng phối hợp rất tốt với Công an, chính quyền địa phương trong công tác giữ gìn an ninh trật tự.
Một công nhân làm việc trong hầm chia sẻ: "Cả đêm qua, anh em công nhân nỗ lực đưa đất đá ra ngoài để thông hầm vào sáng nay. Tuy nhiên, sau khi khắc phục xong, lúc 4 giờ 30 phút hầm tiếp tục bị sạt lở. Đất, đá rơi xuống làm đổ hệ thống giàn gia cố. Hiện các công nhân đang khẩn trương xử lý, hàn theo khung sắt".
Theo đại diện Cảnh sát giao thông thị xã Ninh Hòa (đơn vị điều tiết giao thông Quốc lộ 1), Phòng Cảnh sát giao thông tỉnh Khánh Hòa điều động hàng chục cán bộ, chiến sĩ túc trực 24/24h tại 2 điểm chốt dưới chân đèo Cả và trên đèo Cả để phân luồng, không cho các phương tiện xe tải, xe trọng tải lớn qua đèo Cả để giảm rung chấn.
Hiện nay, vẫn còn 8 đoàn tàu khách phải dừng lại tại các ga dọc tuyến gần khu vực sạt lở, bao gồm SE8, SE5, SE22, SE21, SE4, SE3, SE6 và SE1. Trên 1.700 hành khách trên các tàu này đã được chuyển tải bằng đường bộ qua điểm sạt lở để tiếp tục hành trình.
Trong đó, Đoàn tàu SE7 từ phía Bắc vào dừng tại ga Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, gần 300 hành khách cùng hành lý xuống tàu, được nhân viên ngành đường sắt hướng dẫn lên đoàn xe ô tô đã chờ sẵn. Những hành khách này được vận chuyển bằng ô tô theo đường Quốc lộ 1 với đoạn đường khoảng 60 km để vào ga Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa lên tàu SE12 đang chờ sẵn.
Ông Nguyễn Công Thiên, Trưởng tàu SE12 chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên nắm bắt thông tin của Ban quản lý, kế hoạch thi công ở hiện trường và cấp trên để từ đó động viên hành khách trên tàu, có phương án hỗ trợ di chuyển hành lý và khách tiếp tục hành trình. Đơn vị cũng hỗ trợ tất cả bữa cơm sáng và trưa, nước uống cho hành khách yên tâm. Đặc biệt, chúng tôi chú trọng vào việc di chuyển và an ninh cho khách lên và xuống tàu.
Chị Phạm Thị Hồng, xuất phát từ ga Hà Nội đi Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: "Đây là sự cố ngoài ý muốn của ngành đường sắt, dù tất cả chúng tôi đều mệt, đói nhưng được sự hỗ trợ rất nhiệt tình của cán bộ đường sắt nên chúng tôi yên tâm".
Hiện Xí nghiệp quản lý hầm đường bộ Đèo Cả đang phối hợp với các cơ quan chức năng hai tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa điều tiết, hướng dẫn các phương tiện đi qua hầm đường bộ Đèo Cả đảm bảo an toàn và thuận lợi trong thời gian xử lý sự cố. Điểm sạt lở cách xa cửa hầm đường bộ Đèo Cả khoảng chừng hơn 20km, do vậy các phương tiện vẫn lưu thông qua hầm đường bộ Đèo Cả bình thường. Để đảm bảo an toàn cho công tác khắc phục sạt lở, các cơ quan chức năng hạn chế các xe lớn, xe tải nặng đi lên đường đèo.
Trước đó, vào trưa 12/4, khoảng 100 m3 đá trần hầm đường sắt Đèo Cả sạt xuống, bịt kín cửa hầm, kéo dài khoảng 5m. Vụ sạt lở khiến đường sắt Bắc Nam đoạn qua Phú Yên - Khánh Hòa không thể lưu thông.