Số hóa hồ sơ vụ án - nỗ lực xây dựng nền tảng CNTT của ngành Kiểm sát

Những năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm sát, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới

Trong thời đại 4.0, công nghệ thông tin được đẩy mạnh, ứng dụng vào mọi ngành nghề tại Việt Nam. Không đứng ngoài dòng chảy đó, thực hiện chỉ thị của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, những năm qua, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác kiểm sát, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống tội phạm trong tình hình mới. Trong đó, việc thực hiện số hóa hồ sơ vụ án hình sự và ứng dụng công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa là một “điểm sáng” của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trong nỗ lực xây dựng một nền tảng công nghệ số cho ngành Kiểm sát.

Chú thích ảnh
Trình chiếu bằng chứng bằng hình ảnh tại phiên tòa ở TAND quận 7, thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Thành Chung/TTXVN

Ứng dụng hiệu quả công tác số hóa

Đối với ngành Kiểm sát nhân dân, số hóa hồ sơ vụ án là phương pháp sử dụng thiết bị công nghệ để chuyển hóa chứng cứ từ dạng vật chất (văn bản giấy, hình ảnh chứng cứ…) thành dạng file hình ảnh hoặc video để những người tiến hành tố tụng sử dụng máy tính, thông qua thiết bị trình chiếu có thể nhìn thấy, nghiên cứu và trích cứu mà không phải sử dụng đến hồ sơ vụ án.

Theo ông Lê Ngọc Tiến, Chánh Văn phòng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, việc số hóa tài liệu là nhu cầu rất thiết thực của ngành, bởi những lợi ích mang lại như: Giảm không gian lưu trữ, tiết kiệm thời gian tìm kiếm; thời gian lưu trữ, quản lý tài liệu vĩnh viễn; hạn chế hư hỏng, mất mát tài liệu do các yếu tố khách quan; chia sẻ thông tin nhanh, trích xuất thông tin đáp ứng nhiều yêu cầu công việc; tăng cường khả năng bảo mật thông tin.

Kể từ khi triển khai công tác số hóa từ năm 2018 đến nay, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã số hóa gần 300.000 trang tài liệu để phục vụ công tác của ngành. Theo ông Lê Ngọc Tiến, riêng về việc số hóa hồ sơ vụ án hình sự để phục vụ nhiệm vụ tại phiên tòa, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng quy trình cơ bản cho các kiểm sát viên. Trong đó về thiết bị cần chú ý, máy tính sử dụng để lưu trữ và trình chiếu tại phiên tòa của kiểm sát viên phải luôn không kết nối Internet để bảo mật hồ sơ; máy scan dùng để scan tài liệu phải có tốc độ đạt 6 trang/giây, không được sử dụng điện thoại, máy tính bảng để chụp tài liệu. Về tài liệu số hóa bao gồm các quyết định tố tụng; tài liệu liên quan đến vụ án như hình ảnh, video, ghi âm liên quan đến vụ án; chứng cứ liên quan đến bị can, bị hại; cáo trạng và công bố bản luận tội...

Thời gian qua, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh triển khai ứng dụng dùng các tài liệu trong vụ án hình sự đã được số hóa để trình chiếu tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh ngay tại phiên tòa. Đây là bước đột phá lớn trong công tác phối hợp giữa Viện Kiểm sát và Tòa án. Những phiên tòa sử dụng hồ sơ bản án được số hóa và trình chiếu chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa mang lại hiệu quả rõ rệt, giúp các cơ quan tố tụng dễ khai thác, nghiên cứu, bảo đảm chính xác, nghiêm minh trong xét xử, đáp ứng nhiệm vụ cải cách tư pháp.

Ghi nhận thực tế của phóng viên khi tham dự phiên tòa của Tòa án nhân dân Quận 7 xét xử vụ án "Chống người thi hành công vụ" xảy ra vào ngày 28/4/2020, bị cáo Bùi Anh Huân (sinh năm 1997) đã có hành vi đánh người, gây thương tích đối với ông Hà Ngọc Gia (bảo vệ tại khu dân cư Phú Mỹ, phường Phú Mỹ, Quận 7) khi bị nhắc nhở đeo khẩu trang để phòng chống lây nhiễm dịch COVID-19. Trước khi phiên tòa diễn ra, nhiều thông tin cho rằng Viện Kiểm sát truy tố Huân vì hành vi này là nặng. Nhưng khi phiên tòa diễn ra, những người tham gia tố tụng, những người tham dự phiên tòa đã thấy hành vi của bị cáo một cách rõ ràng, chính xác thông qua việc trình chiếu ngay tại phiên tòa, bằng chứng là đoạn video ghi lại hành vi đánh người của bị cáo. Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Huân 1 năm cải tạo không giam giữ.

Hiện các phòng nghiệp vụ của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang gấp rút triển khai công tác số hóa tài liệu, chứng cứ của vụ án “Xâm phạm chỗ ở của người khác” liên quan đến 2 bị can là Nguyễn Hải Nam, nguyên là Phó Chánh án Tòa án nhân dân Quận 4 và Lâm Hoàng Tùng, nguyên giảng viên Trường Đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm sát tại Thành phố Hồ Chí Minh, để chuẩn bị cho phiên tòa. Đây là vụ án đáng chú ý do các bị can trong quá trình điều tra đều không thừa nhận hành vi phạm tội và giữ quyền im lặng, nhưng những hành vi của 2 bị can đã bị camera khu vực ghi lại đầy đủ.

Ông Lê Ngọc Tiến cho biết, trong quá trình thực hiện công tác số hóa cũng bộc lộ nhiều khó khăn, vướng mắc như còn thiếu trang thiết bị vật chất, nhiều Kiểm sát viên chưa nhuần nhuyễn công tác này, chưa có sự phối hợp liên ngành… Nhưng những lợi ích hiệu quả mà số hóa hồ sơ mang lại cùng với sự phát triển tất yếu của công nghệ, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết tâm thực hiện và đặt chỉ tiêu cụ thể. Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp chủ động chọn các vụ án có đông bị can, nhiều tình tiết phức tạp liên quan đến hành vi phạm tội, có nhiều vật chứng; các vụ án có bị can không nhận tội ngay từ đầu hoặc có dấu hiệu phản cung; các vụ án được khởi tố căn cứ từ nguồn là chứng cứ điện tử.

Hướng tới mục tiêu xây dựng nền tảng số hiện đại

Theo ông Mai Trung Thành, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, là địa bàn có số lượng án nhiều nhất cả nước và tăng theo từng năm, Viện Kiểm sát Thành phố xem việc áp dụng công nghệ thông tin vào nghiệp vụ của ngành là nhiệm vụ trọng tâm, trong đó việc số hóa hồ sơ vụ án hình sự và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa là một trong những ứng dụng của quá trình số hóa. Bên cạnh đó, xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin đáp ứng cho 100% cán bộ là kiểm sát viên, kiểm tra viên, chuyên viên trong ngành Kiểm sát nhân dân thực hiện mọi ứng dụng công nghệ thông tin an toàn, hiệu quả là mục tiêu của ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và Viện kiểm sát nhân dân 2 cấp Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Ông Mai Trung Thành cũng chia sẻ, số hóa hồ sơ vụ án là công việc “xây móng” cho “công trình” xây dựng nền tảng số của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, với những mục tiêu cụ thể như: 100% các văn bản, tài liệu chính thức (trừ các tài liệu mật) trao đổi giữa các đơn vị trong ngành Kiểm sát, 80% trao đổi với các đơn vị ngoài ngành được thực hiện hoàn toàn dưới dạng điện tử; các cuộc họp giữa các cấp được thực hiện bằng hình thức họp trực tuyến; Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân các cấp theo dõi được tất cả các phiên tòa cùng cấp và cấp dưới bằng hình thức trực tuyến... Một nền tảng công nghệ thông tin hiện đại sẽ nâng cao chất lượng công tác nghiệp vụ của Viện Kiểm sát nhân dân 2 cấp Thành phố Hồ Chí Minh, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp của Đảng và Nhà nước.

Theo ông Mai Trung Thành, ví dụ như tại một số nước có cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin tốt, ngành kiểm sát của họ đã có những ứng dụng vào thực tế rất hiệu quả như Kiểm sát viên tiếp xúc với luật sư, đương sự bằng hình thức trực tuyến; chuyển hồ sơ tài liệu bằng hình thức điện tử (đã được mã hóa)... Những ứng dụng này giúp vừa bảo mật thông tin đối với công việc đặc thù của ngành; vừa giảm thời gian đi lại, phiền hà cho luật sư, đương sự, vừa tránh cho kiểm sát viên gặp những tác động tiêu cực có thể xảy ra khi gặp trực tiếp luật sư, đương sự.

Phó Viện trưởng Mai Trung Thành nhấn mạnh, mấu chốt của công tác này có đạt được hiêu quả nhanh hay chậm không phải là ở tài chính, cơ sở vật chất mà là ở con người. Mỗi kiểm sát viên phải thay đổi, tiếp cận cái mới là yếu tố tất yếu bắt buộc. Mở rộng hơn, cán bộ kiểm sát phải có bản lĩnh hoàn thiện bản thân, tiếp cận khoa học công nghệ, học hỏi cái mới để đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao, với thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, nhất là những loại tội phạm kinh tế; lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng internet; đánh bạc và tổ chức đánh bạc trực tuyến...

Trong thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh tốc độ số hóa hồ sơ vụ án, Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đang lên kế hoạch tập huấn, hợp tác với các đơn vị khác để đào tạo cho cán bộ của Viện Kiểm sát nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh nhằm nhanh chóng ứng dụng mạnh mẽ, thành thạo công nghệ thông tin trong quá trình xử lý giải quyết công việc.

Hà Chung (TTXVN)
Hội thảo khoa học 'Đồng chí Hoàng Quốc Việt với ngành Kiểm sát nhân dân'
Hội thảo khoa học 'Đồng chí Hoàng Quốc Việt với ngành Kiểm sát nhân dân'

Ngày 2/7, tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, thành phố Bắc Ninh, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phối hợp với Tỉnh ủy Bắc Ninh tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Hoàng Quốc Việt với ngành Kiểm sát nhân dân”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN