Siết chặt quản lý, ngăn chặn các hành vi sách nhiễu của cán bộ thuế, hải quan

Tuần qua, ngành tài chính đã xảy ra ba vụ việc cán bộ thực thi công vụ nhũng nhiễu, đòi tiền lót tay của doanh nghiệp bị phát hiện và phản ảnh. Sự việc trên đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý và xử lý cán bộ vi phạm cần phải mạnh mẽ hơn nữa.

Tình trạng người dân, doanh nghiệp phải chi tiền “bôi trơn” cho cán bộ Hải quan Hải Phòng khi đến làm thủ tục thông quan hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu. Ảnh: laodong.vn

Ngay sau khi các vụ tiêu cực nhũng nhiễu xảy ra, Bộ trưởng Tài chính đã có yêu cầu xử lý nghiêm, kịp thời những sai phạm trong thực thi công vụ của các công chức Chi nhánh Hải quan cửa khẩu cảng Đình Vũ, Cục Hải quan Hải Phòng và cơ quan thuế Quảng Ninh. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng yêu cầu ngành hải quan, thuế phải đẩy mạnh chấn chỉnh lại kỷ luật, kỷ cương thi hành công vụ của các cán bộ, công chức nhằm hạn chế thấp nhất các tiêu cực có thể xảy ra. Đồng thời, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường thừa nhận trong ngành hải quan vẫn còn một vài “con sâu”. Một số cán bộ không chịu tu dưỡng đạo đức. Để chấn chỉnh tình trạng này, ông Cường cho biết, quan điểm của ngành hải quan là phải xử lý thật nghiêm đối với những cán bộ vi phạm. Hiện Tổng cục Hải quan đang hoàn thiện bộ tài liệu giáo dục ứng xử cho cán bộ công chức của ngành. Đặc biệt trong thời gian tới ngành hải quan tăng cường kiểm tra nội bộ để giảm thiểu tối đa các sai phạm.

Theo ông Hoàng Việt Cường, cải cách thủ tục hành chính cũng là tiền đề để giảm tối đa tiếp xúc giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan. Hiện 35 chi cục và 175 chi cục đã áp dụng hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Bên cạnh đó, ngành hải quan cũng thực hiện thanh toán thuế qua ngân hàng.

Hiện có 35 ngân hàng nhận thanh toán thuế khi doanh nghiệp làm thủ tục xuất nhập khẩu. Mặt khác ngành hải quan cũng trang bị máy soi thay vì thủ công để giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Thêm nữa, ngành hải quan cũng trang bị một loạt camera để giám sát trong cả quá trình làm thủ tục, giám sát cả kho bãi, giám sát cả cảng biển, hàng  không. Như vậy giám sát từ khi hàng hóa vào container cho đến khi ra và thời gian tới sẽ tiếp tục triển khai.

“Về công tác cán bộ, trong năm nay, quyết tâm làm đề án về vị trí việc làm tức là rà soát lại tất cả các bộ phận công việc phải có vị trí. Từng vị trí một phải có sản phẩm. Sau đó sẽ thực hiện đánh giá cán bộ công chức trên cơ sở đó thì biết được cán bộ công chức không đạt yêu cầu gì, một mặt để có đào tạo nhưng mặt khác đây là cơ sở để điều chuyển, chuyển đổi cán bộ. Đây là giải pháp rất căn cơ. Lâu nay nói cải cách thủ tục bên ngoài rất dễ nhưng lần này làm vị trí việc làm là cải cách nội bộ ngành hải quan mặc dù khó nhưng phải quyết tâm làm”, ông Cường nhấn mạnh.

Vụ trưởng Vụ Kiểm tra nội bộ (Tổng cục Thuế) Nguyễn Đẩu cũng cho biết, quan điểm của Tổng cục Thuế là cán bộ vi phạm như thế thì phải cho ra khỏi ngành. Nhằm hạn chế tình trạng cán bộ vòi vĩnh, thỏa thuận, nhận tiền của doanh nghiệp và người nộp thuế, theo ông Đẩu, Bộ Tài chính vừa có chỉ thị tăng cường kỷ cương kỷ luật đối với công chức ngành tài chính. Thực hiện chỉ thị này, Tổng cục Thuế sẽ thay đổi, luân phiên, luân chuyển công tác đối với những công chức có đơn thư, tố cáo, phản ánh từ người nộp thuế và doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đẩu, giải pháp quan trọng nhất là ngành thuế đẩy mạnh điện tử hóa ở tất cả các khâu để hạn chế sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế và doanh nghiệp. Mặt khác, giảm việc cán bộ thuế xuống làm việc trực tiếp tại doanh nghiệp, thay vào đó là phát triển kỹ năng kiểm tra, phát hiện trên hồ sơ là chủ yếu.

Một giải pháp nữa là ngành thuế thay đổi phương thức hỗ trợ doanh nghiệp. Tất cả vi phạm của doanh nghiệp khi bị phát hiện, cơ quan thuế chỉ có trách nhiệm thông báo, phổ biến đến doanh nghiệp để doanh nghiệp tự rà soát, tự kê khai và nộp thuế, theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là lấy người nộp thuế và doanh nghiệp làm trung tâm.

Để giảm sự tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ thuế với doanh nghiệp đồng thời tạo thuận cho người nộp thuế và doanh nghiệp, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết ngành thuế thực hiện các dịch vụ điện tử như kê khai, nộp và hoàn thuế điện tử.

Cụ thể, về khai thuế điện tử, đã triển khai tại 63 tỉnh, thành phố và 100% các Chi cục Thuế trực thuộc, với 99,92% tổng số doanh nghiệp đang hoạt  động. Về nộp thuế điện tử, tính đến 20/3/2018, số lượng doanh nghiệp đã đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế là 636.217/648.504 doanh nghiệp đang hoạt động, đạt tỷ lệ 98,1%.

Dưới góc độ của doanh nghiệp, ông Mạc Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội các Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội (HASMEA) cho rằng cần phải làm thật mạnh như đuổi việc những cá nhân sai phạm, chứ không phải là thuyên chuyển công tác, bố trí việc khác vì nếu như vậy sẽ không làm gương được cho những người làm tốt.

Để hạn chế về việc cán bộ hải quan và thuế nhũng nhiễu doanh nghiệp, theo ông Mạc Quốc Anh cần phải đẩy nhanh thực hiện Chính phủ điện tử, tránh sự giao dịch trực tiếp giữa cá nhân, tổ chức với các cơ quan công quyền, đặc biệt là các chuyên viên thì sẽ hạn chế  xảy ra tiêu cực. 

“Bên cạnh đó, người đứng đầu phải chịu trách nhiệm. Ví dụ như anh chuyên viên ở chi cục thuế, hải quan vi phạm thì thủ trưởng cơ quan đó cũng phải bị kỷ luật thì sẽ tăng cường khâu chịu trách nhiệm chính”, ông Mạc Quốc Anh đề xuất.

Trước đó, tại Chỉ thị số 11-CT/BCSĐ của Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính về việc tăng cường công tác quản lý cán bộ và trách nhiệm người đứng đầu các đơn vị trong thực thi công vụ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp để từng bước đổi mới và chuẩn hoá công tác quản lý cán bộ, từ khâu tuyển dụng, bố trí sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác và điều động cán bộ. Vì vậy, chất lượng đội ngũ công chức, viên chức ngành Tài chính và ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ ngày càng được nâng cao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao cho ngành.

Tuy nhiên, theo Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính, tại một số đơn vị, lề lối, tác phong làm việc và kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ chưa nghiêm; công tác quản lý cán bộ còn một số hạn chế như: Nhận xét đánh giá cán bộ còn nể nang, né tránh, hình thức “dĩ hoà vi quý”, chưa phản ánh đúng thực chất; công tác bố trí, sử dụng cán bộ chưa phát huy được nguồn lực hiện có; công tác luân chuyển thực hiện chưa được nhiều, chưa thực sự chuyển biến...

Do vậy, nhằm tăng cường công tác quản lý cán bộ và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương trong thực thi công vụ, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy nhanh việc tổ chức thực hiện tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đẩy mạnh thực hiện công tác luân chuyển, luân phiên cán bộ, rà soát, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của đơn vị bảo đảm tinh gọn, giảm đầu mối các đơn vị trực thuộc, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; rà soát từng vị trí việc làm, thực hiện cơ cấu, định biên lại về biên chế trong toàn hệ thống đơn vị, cơ cấu lại lực lượng lao động để tập trung nguồn lực và sử dụng có hiệu quả biên chế hiện có của ngành.

Đồng thời, chỉ thị cũng nhấn mạnh, cấp ủy, thủ trưởng đơn vị là người chịu trách nhiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác quản lý cán bộ tại đơn vị.

Thùy Dương (TTXVN)
Tạm đình chỉ 3 cán bộ hải quan có hình ảnh nhận tiền ‘bôi trơn'
Tạm đình chỉ 3 cán bộ hải quan có hình ảnh nhận tiền ‘bôi trơn'

Ngày 10/4, Tổng cục Hải quan đã có văn bản báo cáo Bộ Tài chính về thông tin báo chí đăng tải: “Nườm nượp cảnh kẹp tiền, đưa-nhận tại Hải quan Hải Phòng”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN