Sẽ công khai hồ sơ người có công trên báo, đài để tiếp nhận thông tin phản hồi

Bộ Lao động Thương binh Xã hội (LĐTBXH) vừa ban hành Quyết định số 408/QĐ-BLĐTBXH hướng dẫn quy trình giải quyết hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công.

 

Lãnh đạo Phòng LĐTBXH huyện Phú Xuyên kiểm tra đối chiếu mộ ghi danh liệt sĩ tại nghĩa trang xã Chuyên Mỹ (Hà Nội) với hồ sơ sau rà soát.

Kết quả đợt tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trong hai năm 2014-2015 cho thấy, vẫn còn khoảng 5.000 hồ sơ người có công tồn đọng trong nhiều năm nay. Trong năm 2017, Bộ LĐTBXH sẽ tập trung giải quyết các hồ sơ tồn đọng này.

 

Các đối tượng được xem xét giải quyết hồ sơ tồn đọng phải đáp ứng các yêu cầu: Hồ sơ được xem xét phải được lập trước ngày 1/7/2013, tuy nhiên còn thiếu giấy tờ, thủ tục, hoặc hồ sơ đã được thiết lập đầy đủ nhưng do thay đổi chính sách nên chưa được cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết; Các hồ sơ đang được lưu trữ tại cơ quan LĐTBXH, công an, quân đội cấp tỉnh trở lên.


Không xem xét đối với các trường hợp đã được cơ quan có thẩm quyền kết luận không đủ điều kiện xác nhận người có công với cách mạng (không thuộc các trường hợp xác nhận liệt sĩ, thương binh theo quy định pháp luật).


Năm 2017 là năm kỷ niệm 70 năm ngày thương binh liệt sĩ, Bộ LĐTBXH xác định năm nay sẽ xem xét giải quyết căn bản hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận liệt sĩ, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh đang lưu trữ tại Sở LĐTBXH, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố và Công an tỉnh, thành phố.

Do tính chất quan trọng, phức tạp của việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng, Bộ LĐTBXH yêu cầu đối với các tỉnh, thành phố có từ 50 hồ sơ trở lên thì chọn một số địa phương cấp huyện để chỉ đạo điểm, rút kinh nghiệm trước khi triển khai ra phạm vi toàn tỉnh, thành phố.


Đối với các tỉnh, thành phố có từ 10 đến 50 hồ sơ thì tổ công tác liên ngành trực tiếp phối hợp với địa phương để triển khai trên phạm vi toàn tỉnh, thành phố.


Đối với các tỉnh, thành phố có dưới 10 hồ sơ thì giao địa phương chủ động triển khai theo kế hoạch của trung ương và báo cáo tổ công tác liên ngành, Cục Người có công (Bộ LĐTBXH) thẩm định kết quả.


Ban chỉ đạo, hội đồng xác nhận người có công các cấp họp công khai, biên bản cuộc họp chỉ có giá trị khi có ít nhất 80% thành viên dự họp và ký biên bản thống nhất đề nghị xác nhận, các thành viên vắng mặt được lấy ý kiến bằng văn bản.


Sau quá trình xem xét, hồ sơ nào đủ điều kiện, sẽ công khai thông tin trên báo. Với cấp tỉnh công khai trên trang thông tin điện tử và báo, đài phát thanh truyền hình địa phương ít nhất 3 kỳ. Còn với hồ sơ xét duyệt tại Trung ương, thì đăng trên báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, Báo Lao động - Xã hội để tiếp nhận thông tin phản hồi trong vòng 15 ngày, kể từ ngày đăng báo.


Sau thời gian công khai, đối với các hồ sơ cấp tỉnh không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại hoặc tố cáo thì Sở LĐTBXH báo cáo với UBND cấp tỉnh có văn bản đề nghị xác nhận có công với cách mạng, kèm toàn bộ hồ sơ gửi về Bộ LĐTBXH.


Đối với hồ sơ thuộc thẩm quyền xác nhận của cơ quan quân đội, công an thì Ban chỉ đạo cấp tỉnh yêu cầu Bộ Chỉ huy quân sự hoặc Công an cấp tỉnh tiến hành các bước tiếp theo theo quy định của ngành.


Đối với hồ sơ xét duyệt tại Trung ương, sau thời gian công khai, Cục Người có công tổng hợp ý kiến phản hồi và báo cáo lãnh đạo Bộ xem xét, thông báo đồng ý giới thiệu đi giám định thương tật để UBND và Sở LĐTBXH các tỉnh, thành triển khai thực hiện hoặc trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định đối với các trường hợp đề nghị xác nhận liệt sĩ.


Tin, ảnh: XC
Trước 27/7/2017, giải quyết cơ bản hồ sơ người có công còn tồn đọng
Trước 27/7/2017, giải quyết cơ bản hồ sơ người có công còn tồn đọng

Các địa phương cần giải quyết cơ bản hồ sơ người có công với cách mạng gồm liệt sỹ, thương binh, người được hưởng chính sách như thương binh đang tồn đọng trước ngày 27/7/2017.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN