Chính sách quốc phòng Việt Nam: Hòa bình và tự vệ
Trước đó, Việt Nam đã ba lần xuất bản Sách trắng Quốc phòng vào các năm 1998, 2004 và 2009. Về nguyên nhân sau 10 năm mới nối lại công bố Sách trắng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam 2009 đến nay chưa lạc hậu, các chính sách chiến lược cũng cần có thời gian để được kiểm nghiệm. “Có hai yếu tố thay đổi lớn đó là bối cảnh chiến lược thay đổi. Thứ hai là sau 10 năm, sự nghiệp xây dựng quốc phòng cũng có nhiều bước phát triển mới".
Những nội dung cơ bản, mang tính truyền thống, cốt lõi của xây dựng Quốc phòng Việt Nam cơ bản không thay đổi so với năm 2009. Sách trắng lần này đề cập những vấn đề mới trong bối cảnh chiến lược hiện nay, đặc biệt là những vấn đề phức tạp, thách thức về quốc phòng với đất nước; những bước phát triển mới về mặt nghệ thuật quân sự, đường lối xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quân đội phù hợp với yêu cầu hiện đại hóa.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, mục đích, ý nghĩa của việc công bố Sách trắng Quốc phòng nhằm hướng tới sự minh bạch hóa chính sách quốc phòng Việt Nam, xây dựng lòng tin với các quốc gia bạn bè trên thế giới. Bên cạnh đó, Sách trắng Quốc phòng là tài liệu để toàn xã hội, nhất là lớp trẻ không chỉ trong Quân đội mà toàn dân tiếp cận được đường lối của Đảng, Nhà nước trong việc xây dựng đường lối quốc phòng. Trên cơ sở đó, quân-dân thống nhất một ý chí trong xây dựng, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc.
"Sách trắng lần này không ngại giới thiệu trang bị vũ khí của quân đội nhân dân Việt Nam”, Thứ trưởng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định và cho biết thêm, tỷ lệ trang bị vũ khí do Việt Nam tự sản xuất hay cải tiến hiện nay đã nhiều hơn trước, chứng tỏ sự độc lập, tự chủ về vũ khí của Việt Nam trong những năm qua ngày càng phát triển, tiến bộ.
Chia sẻ về chính sách Quốc phòng Việt Nam được đề cập trong Sách trắng quốc phòng 2019, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết: Chính sách quốc phòng của Việt Nam là hòa bình và tự vệ. “Chúng ta mong muốn hòa bình, chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình. Và chúng ta xây dựng quốc phòng cũng vì mục đích hòa bình. Nếu đất nước có chiến tranh, chúng ta buộc lòng phải cầm súng thì cũng là vì hòa bình”, ông nhấn mạnh.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cũng tái khẳng định chủ trương vừa bảo vệ Tổ quốc, vừa chủ động, tích cực, tham gia bảo vệ hòa bình, an ninh khu vực và trên thế giới của Việt Nam: “Chúng ta đặt lợi ích và hòa bình của Việt Nam vào lợi ích và hòa bình chung của khu vực và thế giới”.
Đảm bảo giữ vững và tăng cường sức mạnh quốc phòng của đất nước
Trong bối cảnh tình hình mới, Bộ Quốc phòng xác định thực hiện tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, không tăng quân số, song do yêu cầu tình hình vẫn phải bắt buộc có những cơ quan được thành lập mới. Do đó, đảm bảo hài hòa giữa vấn đề không tăng quân số, biên chế với việc xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh là một yêu cầu cấp thiết được đặt ra.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nhiệm vụ quan trọng nhất của Quân đội là phải xây dựng, tăng cường sức mạnh quốc phòng. “Trong bất kỳ tình huống nào thì sức mạnh quốc phòng của đất nước cũng phải giữ vững và từng bước tăng cường”, Thượng tướng Vịnh nhấn mạnh.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nếu không chạy theo quân sự hóa, Quân đội ta vẫn có thể tiếp tục giảm biên chế, giảm quân số song song với tăng cường sức mạnh chiến đấu, sức phòng thủ nhờ ba yếu tố: Có định hướng xây dựng Quân đội, xây dựng lực lượng vũ trang, xây dựng lực lượng quốc phòng hoàn chỉnh, có thế trận chiến tranh nhân dân, sẵn sàng xử lý được các tình huống; xây dựng yếu tố con người, trong đó lực lượng quân sự là nòng cốt, bên cạnh đó có lực lượng dân quân tự vệ và lực lượng dự bị động viên; từng bước loại bỏ những yếu tố không còn phù hợp với tình hình trong biên chế tổ chức.
Cho rằng bối cảnh tình hình là yếu tố luôn biến động, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, trước những yêu cầu mới, cần có sự thay đổi. Ông nêu ví dụ về việc Quân đội được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng giao nhiệm vụ phải đảm bảo công nghiệp quốc phòng, nhưng không được làm ảnh hưởng đến tình hình kinh tế của đất nước: “Quốc phòng không được làm gánh nặng cho nền kinh tế của đất nước. Vì vậy, Quân đội đã giảm từ gần 80 doanh nghiệp, sắp tới đây chỉ còn có 15 doanh nghiệp, giảm đi những vấn đề không trực tiếp phục vụ cho sự phát triển Quân đội…”.
Trong thời đại mới, không gian mạng là không gian rất cần thiết để bảo vệ Tổ quốc. Về việc xây dựng phương án của Bộ Quốc phòng để có kế hoạch bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng và không gian vũ trụ, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho biết, Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng là đơn vị đã được thành lập hoàn toàn mới để góp phần thực hiện nhiệm vụ này. Trong bối cảnh Bộ Quốc phòng chủ trương giảm quân số, giảm biên chế, đây vẫn là đơn vị trọng yếu cần được thành lập để đáp ứng yêu cầu tình hình mới.
Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng cũng là đơn vị được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh cho rằng, môi trường tác chiến trên bộ, trên biển và trên không không còn mới. Vì vậy, bên cạnh việc thực hiện đồng thời những nhiệm vụ như trước đây, Quân đội đang tập trung nghiên cứu môi trường mạng và vũ trụ, những vấn đề liên quan đến tác chiến vũ trụ và đào tạo phòng thủ từ vũ trụ, những thách thức, đe dọa cụ thể… nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa.
Đấu tranh và hợp tác để giải quyết bất đồng, khác biệt
Trong Phần thứ nhất về “Bối cảnh chiến lược và chính sách quốc phòng” của Sách trắng Quốc phòng Việt Nam năm 2019 có đoạn: “Tình hình Biển Đông thời gian gần đây mặc dù đã có một số chuyển biến tích cực, nhưng các yếu tố gây mất ổn định, căng thẳng vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp đang đặt ra những thách thức mới đối với việc bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, bảo vệ hòa bình, ổn định của Việt Nam. Những diễn biến mới trên Biển Đông, trong đó có các hành động đơn phương, áp đặt dựa trên sức mạnh, bất chấp luật pháp quốc tế và các hoạt động quân sự hóa, làm thay đổi nguyên trạng, xâm phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam theo luật pháp quốc tế, ảnh hưởng đến lợi ích của các quốc gia liên quan, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực…”
Về vấn đề này, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khẳng định: Quan điểm của Việt Nam là phản đối những hoạt động quân sự hóa, các hoạt động đi ngược lại luật pháp quốc tế, các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình của bất kể quốc gia nào. “Chúng ta đấu tranh với những hiện tượng đó, và biện pháp là vừa đấu tranh nhưng vừa hợp tác. Chúng ta đấu tranh, chúng ta nêu quan điểm nhưng chúng ta cũng hợp tác với tất cả các quốc gia để cùng tìm ra lợi ích chung, cùng giải quyết những bất đồng, khác biệt và cùng tạo ra môi trường hòa bình, ổn định của khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh nhấn mạnh.