Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chỉ rõ tình trạng tại một số bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối thiếu thuốc cục bộ ở một số khoa, phòng tại một vài thời điểm. Trong điều kiện mệnh giá bảo hiểm y tế còn thấp, có thể xuất hiện nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm y tế nếu không kiểm soát tốt việc thanh toán, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các bệnh viện cần bàn bạc để đề ra các biện pháp tháo gỡ, khắc phục những bất cập với tinh thần ưu tiên cứu chữa người bệnh.
Phó Thủ tướng đề nghị, trước mắt, Bộ Y tế đẩy nhanh quy trình sửa đổi các thông tư liên quan đến đầu thầu, mua sắm thuốc trong bệnh viện tránh tình trạng các loại thuốc thay thế lẫn nhau được nhưng do vướng quy định nên khó thay thế, các doanh nghiệp nhập khẩu thuốc không thể chuyển, bán thuốc cho nhau. Đối với một số loại thuốc hiếm, ít sử dụng, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế lên danh mục, các bệnh viện có cơ chế dự trữ, “không được để thực trạng 2 - 3 năm không có hoặc rất ít ca bệnh nhưng lúc xuất hiện người bệnh lại không có thuốc”.
Liên quan đến vấn đề thuốc “nội”, thuốc “ngoại”, thuốc chất lượng tốt hơn và thuốc chất lượng thấp hơn, Phó Thủ tướng chỉ rõ: Bảo hiểm y tế không thể chi trả hết vì người bệnh lúc nào cũng muốn loại thuốc tốt nhất và tốt nhất thường là đắt nhất. Vì vậy, phải quy định bảo hiểm y tế chi trả ở mức nào, những loại thuốc nào.
Đối với tình trạng có những bệnh nhân khá giả sẵn sàng chi trả mà không có thuốc tốt hơn, Phó Thủ tướng yêu cầu khẩn trương rà soát các quy định chung về đấu thầu, mua sắm thuốc trong bệnh viện; có những quy định “thông thoáng hơn” cho một số bệnh viện hạng đặc biệt của Trung ương và một số bệnh viện tuyến cuối có uy tín, có đội ngũ bác sĩ tốt, được người dân tin tưởng. Về lâu dài, các quy định đấu thầu thuốc phải tạo thuận lợi cho công tác quản lý thuốc của Bộ Y tế cũng như các bệnh viện. Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sớm nghiên cứu, báo cáo những quy định còn vướng mắc, trong đó vấn đề nào thuộc thẩm quyền của Bộ phải giải quyết ngay.
Thời gian qua, việc chấn chỉnh công tác đấu thầu thuốc đã đạt được nhiều kết quả tích cực, giảm được giá thuốc mỗi năm trên 10% tại một số tỉnh. Tuy nhiên, tại một số bệnh viện, đặc biệt là bệnh viện tuyến cuối xảy ra tình trạng thiếu thuốc cục bộ ở một số khoa, phòng tại một vài thời điểm. Đặc biệt là những loại thuốc liên quan tới ghép tạng, gây mê, thuốc trị rắn cắn…
Bên cạnh đó, người dân cũng phản ánh do các quy định dẫn đến tình trạng tại một số nhà thuốc trong bệnh viện chỉ có thuốc thuộc nhóm 3 (được sản xuất trên dây chuyền đạt tiêu chuẩn WHO-GMP được Bộ Y tế Việt Nam cấp giấy chứng nhận) trong khi nhiều người sử dụng quen thuốc nhóm 1 được sản xuất ở Tây Âu, các nước phát triển. Thậm chí có người bệnh muốn trả tiền thêm để sử dụng loại thuốc này mà không được.