Thông qua 26 nghị quyết quan trọng
Kỳ họp thứ 21, Hội đồng nhân dân tỉnh Nghệ An khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã bế mạc với 26 nghị quyết quan trọng được thông qua.
Nhiều nghị quyết nổi bật được thông qua tại Kỳ họp như: Nghị quyết thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2024; Nghị quyết về việc cho ý kiến đối với báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2024 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2025; Nghị quyết về việc điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; Nghị quyết về việc bổ sung kế hoạch đầu tư công năm 2024 từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách địa phương năm 2023; Nghị quyết thông qua danh mục công trình, dự án cần thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 62 Luật Đất đai trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Nghị quyết thông qua Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ đến năm 2045; Nghị quyết về việc đặt tên đường và điều chỉnh chiều dài tuyến đường trên địa bàn thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An đợt VII...
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nghệ An Thái Thanh Quý nhấn mạnh, HĐND tỉnh đã quyết định nhiều chủ trương, giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm để UBND tỉnh triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng còn lại của năm 2024 là đẩy mạnh tăng tốc, bứt phá tăng trưởng kinh tế để đạt mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, nhất là tăng trưởng GRDP đạt 6,76% trở lên, thu ngân sách ước thực hiện 11.897 tỷ đồng, đạt 74,8% dự toán.
HĐND tỉnh đề nghị, UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao, tập trung tổ chức triển khai khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ các giải pháp đảm bảo các nghị quyết của HĐND tỉnh sớm đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả cao; phối hợp chặt chẽ với các ban, bộ, ngành Trung ương để xây dựng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách mới cho việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Đồng thời, tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư; quyết tâm giữ vững vị trí top 10 địa phương thu hút FDI cao nhất cả nước năm 2024.
Các đơn vị, địa phương tập trung hoàn thành thủ tục triển khai thực hiện các dự án lớn trong Khu kinh tế Đông Nam; dự án mở rộng Cảng nước sâu Cửa Lò, Cảng hàng không quốc tế Vinh, Dự án Nhiệt điện khí LNG Quỳnh Lập; tháo gỡ các vướng mắc trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phục vụ các dự án, nhất là dự án đầu tư hạ tầng khu công nghiệp Thọ Lộc giai đoạn 1; Hoàng Mai 2…
Các đơn vị tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính, rà soát, khắc phục những hạn chế, yếu kém để nâng cao thứ hạng các chỉ số thành phần có thứ hạng thấp của các chỉ số PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS. Đồng thời, thực hiện tốt kết nối cung cầu lao động, hỗ trợ, giới thiệu việc làm. Đặc biệt, có giải pháp đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành liên quan hoàn thiện các trình tự, thủ tục đầu tư để nhanh chóng phát huy, hấp thụ được nguồn vốn. Đối với các dự án được HĐND tỉnh điều chỉnh chủ trương đầu tư tại Kỳ họp này, UBND tỉnh chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đầu tư; tập trung nguồn lực, nhân lực đẩy nhanh tiến độ bảo đảm các dự án về đích đúng tiến độ, phát huy hiệu quả các nguồn lực.
Tổng thu ngân sách Nhà nước tại Vĩnh Phúc ước đạt 49% dự toán
Kỳ họp thứ 16, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII đã hoàn thành toàn bộ nội dung, chương trình đề ra.
Theo báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, một số chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu kế hoạch năm 2024 đề ra. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,26%, đứng thứ 9/11 tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 32/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 15.535 tỷ đồng, xấp xỉ 49% dự toán, tăng 3,8% so với cùng kỳ năm 2023. Đặc biệt, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) nhiều khởi sắc, với 435,8 triệu USD vốn đầu tư từ các dự án mới và đăng ký tăng vốn, tăng 28% so với cùng kỳ năm 2023 và vượt mục tiêu kế hoạch năm 2024 đề ra. Về giải ngân vốn đầu tư công, toàn tỉnh đã giải ngân được 2.739 tỷ đồng, đạt 35,2% so với kế hoạch vốn Trung ương giao.
Tại Kỳ họp, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng, thống nhất thông qua 21 nghị quyết quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội.
Ngay sau Kỳ họp, các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh báo cáo cử tri về kết quả của Kỳ họp, lắng nghe và phản ánh ý kiến của cử tri, giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri. Vĩnh Phúc tiếp tục chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương triển khai đồng bộ, bài bản, quyết liệt các chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh. Trong đó, trọng tâm là triển khai các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế; đẩy mạnh các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, kinh doanh thương mại dịch vụ, du lịch; tăng cường mở rộng nguồn thu và điều hành chi ngân sách chặt chẽ, tiết kiệm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thực hiện hiệu quả kế hoạch xúc tiến, thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.
Kỳ họp 16, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc khóa XVII diễn ra trong điều kiện rất đặc biệt. Đó là thiếu chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh trong khi Vĩnh Phúc chưa có nhân sự để kiện toàn bổ sung; thiếu Chủ tịch UBND tỉnh nhưng chưa kịp kiện toàn trong Kỳ họp lần này. Một số nội dung thuộc thẩm quyền của Chủ tịch UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định phải tạm dừng. Nhiều thành viên Ủy ban nhân dân tỉnh được Hội đồng nhân dân tỉnh bầu bị khuyết, thiếu nhưng việc thay thế, bổ sung chưa được thực hiện do trong 6 tháng đầu năm 2024, nhiều cán bộ chủ chốt của Vĩnh Phúc bị khởi tố, bắt tạm giam, bị kỷ luật...
Đưa chính sách, nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống
Tại Kỳ họp thứ 8, HĐND tỉnh Đắk Lắk khóa X, nhiệm kỳ 2021 - 2026, các đại biểu HĐND tỉnh đã tập trung nghiên cứu, thảo luận tại tổ và hội trường; đồng thời biểu quyết thông qua 8 nghị quyết quy phạm pháp luật, 13 nghị quyết cá biệt và quyết nghị nhiều nội dung khác với tỷ lệ tán thành cao. Bên cạnh đó, đại biểu HĐND tỉnh đã thảo luận, xem xét, thông qua kết quả giám sát chuyên đề việc triển khai Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND ngày 13/7/2017 của HĐND tỉnh về phát triển cà phê bền vững của tỉnh đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Qua đó, đưa ra các giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, tạo chuyển biến tích cực trong công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này.
Các nghị quyết thông qua tại Kỳ họp có ý nghĩa quan trọng, cấp thiết, phục vụ công tác điều hành, quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó có nhiều nghị quyết quan trọng như: Ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; Quy định mức chi đảm bảo cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật và hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh; Quy định mức chi cho công tác thỏa thuận quốc tế trên địa bàn tỉnh; Chấp thuận Đề án tổ chức, sắp xếp Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã...
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, Chủ tịch HĐND tỉnh Đắk Lắk Huỳnh Thị Chiến Hòa nhấn mạnh, để thực hiện hoàn thành, vượt các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh năm 2024, UBND tỉnh tiếp tục quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, triển khai đồng bộ, toàn diện quy hoạch chung của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. UBND tỉnh thực hiện các giải pháp tổng thể, hiệu quả nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng; thu, chi ngân sách theo kế hoạch; chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tập trung giải quyết khiếu kiện, tranh chấp của người dân; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, du lịch, kinh doanh; kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khắc phục khó khăn để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
UBND tỉnh kịp thời rà soát các nội dung, cơ chế, chính sách cần trình HĐND tỉnh ban hành hoặc sửa đổi theo yêu cầu của pháp luật hiện hành và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương; nhất là các luật mới được ban hành và bắt đầu có hiệu lực như: Luật Đất đai năm 2024, Luật Nhà ở năm 2023, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở năm 2023... Để tiếp tục đổi mới, nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động, HĐND tỉnh Đắk Lắk sẽ thường xuyên tổ chức các Kỳ họp chuyên đề theo quy định và yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường hơn nữa các hoạt động giám sát.
Đẩy mạnh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Kỳ họp thứ 22, Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng khóa X đã hoàn thành nhiều nội dung, chương trình đề ra. Kỳ họp đã xem xét thông qua 22 báo cáo và 23 tờ trình. Các đại biểu đã thống nhất cao, thông qua 24 nghị quyết. Đây là những nội dung, chủ trương, chính sách quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh trong thời gian tới.
6 tháng đầu năm 2024, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 6,54%; nhiều ngành, lĩnh vực tăng trưởng khá. Thu ngân sách tăng so với cùng kỳ. Công tác chuyển đổi số, xây dựng chính quyền số, kinh tế số, xã hội số tiếp tục được quan tâm thực hiện và đạt được một số kết quả nhất định. Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) xếp hạng 4/61 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 20 bậc so với năm 2022), xếp thứ nhất các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long...
Phát biểu bế mạc Kỳ họp, bà Hồ Thị Cẩm Đào, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, các ban của Hội đồng nhân dân, tổ đại biểu tiếp tục quan tâm, tập trung triển khai và đẩy mạnh hơn nữa tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và 3 Chương trình mục tiêu quốc gia đảm bảo đúng quy định, kế hoạch được giao và phù hợp tình hình thực tiễn; chuẩn bị các quy trình, thủ tục triển khai Kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 theo quy định; sớm triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2050 sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Tại Kỳ họp, HĐND tỉnh Sóc Trăng đã miễn nhiệm một số chức danh của HĐND tỉnh và bầu 3 Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh (Ban Kinh tế - Ngân sách; Ban Pháp chế; Ban Văn hóa - Xã hội), bầu 1 Phó trưởng Ban Pháp chế của HĐND tỉnh.