Vấn nạn đó dẫn đến tình trạng cha bổ nhiệm con, anh giới thiệu em, vợ quy hoạch chồng,.. Và hệ luỵ “cả họ làm quan” là sự gia tăng lợi ích nhóm, tha hoá đội ngũ lãnh đạo và ngăn cản cơ hội thăng tiến của những người tài, đức.
Việc Bộ Chính trị mới đây ban hành Quy định 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ cho thấy Đảng ta rất quyết tâm sửa chữa, chấn chỉnh những khuyết điểm, yếu kém trong công tác cán bộ. Quy định này là để nghiêm trị bất kỳ ai - nhất là những người có chức quyền khi can thiệp hay thao túng công tác nhân sự, công tác cán bộ.
Tháng 10 năm 1945, ngay sau khi giành được độc lập, tuy phải dồn tâm sức lãnh đạo Nhà nước còn non trẻ, tình thế đất nước như “ngàn cân treo sợi tóc”, nhưng trước những biểu hiện tiêu cực xuất hiện trong lớp cán bộ đầu tiên, Chủ tịch Hồ Chí Minh có Thư gửi Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng. Trong thư, Người nghiêm khắc chỉ rõ lỗi lầm rất nặng nề của một số cán bộ, đảng viên là: “Tư túng – Kéo bè, kéo cánh, bà con bạn hữu mình, không tài nǎng gì cũng kéo vào chức này chức nọ. Người có tài có đức, nhưng không vừa lòng mình thì đẩy ra ngoài. Quên rằng việc là việc công, chứ không phải việc riêng gì dòng họ của ai”.
Người đã cảnh báo, “Ai đã phạm những lầm lỗi trên này, thì phải hết sức sửa chữa; nếu không tự sửa chữa thì Chính phủ sẽ không khoan dung”.
Bảy mươi bảy năm qua, nhận thức sâu sắc lời dạy của Bác, Đảng và Nhà nước đã dành sự quan tâm lớn cho công tác cán bộ, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện cán bộ. Luôn xác định “Cán bộ là gốc của mọi công việc” nên Đảng đã xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ đức, đủ tài, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong công cuộc đấu tranh thống nhất Tổ quốc cũng như đưa đất nước băng qua những gập ghềnh để bước vào thời kỳ Đổi Mới.
Nhưng đáng tiếc, thời gian gần đây, công tác nhân sự, công tác cán bộ dù có nhiều quy định, quy trình tưởng chừng như rất chặt chẽ, song đã bị không ít người có chức quyền thao túng. Họ dùng ảnh hưởng, uy tín, quyền hạn của bản thân để tác động, nâng đỡ, cất nhắc "người nhà" lên làm lãnh đạo. Tại không ít các địa phương, đơn vị đã có những điều tiếng về chuyện cha làm trưởng, con làm phó. Hay chuyện ông Bí thư Tỉnh ủy “đẩy” vợ, con, em trai, em rể, anh em họ hàng và một số người thân khác “đi thẳng” lên một số vị trí lãnh đạo cơ quan, ban, ngành tại tỉnh này. Rồi ở một huyện là chuyện nắm giữ các vị trí chủ chốt, quan trọng trong huyện này đều là người nhà của Bí thư và Phó Bí thư huyện.
Lùm xùm nhất có lẽ là chuyện Vũ Quang Hải, con trai của cựu Bộ trưởng Công Thương Vũ Huy Hoàng, được “đẩy thần tốc” từ vị trí cán bộ lên Phó Tổng giám đốc, thành viên Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khi mới 28 tuổi.
Nhức nhối là những chuyện như vậy không phải trong phạm vi một huyện, một tỉnh, một cơ quan mà dường như đã trở thành vấn nạn “ngấm sâu”, diễn ra ở không ít nơi, từ Mỹ Đức - Hà Nội đến Thanh Hoá, Quảng Trạch - Quảng Bình, Hiệp Đức - Quảng Nam. Hậu quả của chuyện “cả họ làm quan” là “chủ nghĩa gia tộc” thao túng, chi phối những quyền lợi của cơ quan, địa phương, gây bức xúc và suy giảm niềm tin của nhân dân vào sự trong sạch, vững mạnh của Đảng, Nhà nước.
Nhưng khi dư luận lên tiếng thì những người liên quan đều giải thích việc quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ đều “đúng quy trình, đúng quy định của Đảng, Nhà nước” hoặc do “trùng hợp ngẫu nhiên”. Chỉ đến khi Trung ương vào cuộc thì đúng, sai mới được phân minh. Như vụ “lùm xùm” ở Bộ Công Thương, Ban Bí thư vào cuộc đã xác định: Ông Vũ Huy Hoàng thiếu gương mẫu, có biểu hiện vụ lợi trong việc tiếp nhận, bổ nhiệm Vũ Quang Hải làm kiểm soát viên Tổng công ty thuốc lá Việt Nam; quyết định điều động và đề cử Hải tham gia Hội đồng quản trị Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn để bầu làm thành viên Hội đồng quản trị, Phó tổng giám đốc Sabeco; vi phạm quy định của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm và quy định của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, vi phạm Luật Phòng, chống tham nhũng, gây bức xúc trong xã hội…
Trước những nhức nhối này, dư luận rất trăn trở, mong muốn Đảng, Nhà nước có những quy định chặt chẽ để thực hiện đúng từ khâu quy trình công tác cán bộ đến khâu bố trí con người cụ thể. Phải làm sao để khắc phục, đẩy lùi sự thao túng, can thiệp vào công tác nhân sự, cán bộ để tiến tới loại trừ vấn nạn “cả họ làm quan”. Phải nghiêm trị bất kỳ ai vi phạm quy chế, quy trình công tác cán bộ.
Cũng chính vì vậy, đông đảo các tầng lớp nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, nhân sỹ, trí thức rất đồng tình và đánh giá cao việc Bộ Chính trị ban hành Quy định số 114-QĐ/TW. Ai cũng hiểu, Quy định này là quyết tâm và bước tiến quan trọng của Đảng ta trong công tác cán bộ và công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trong đó có vấn nạn “cả họ làm quan”.
Nhìn nhận về Quy định 114-QĐ/TW, Tiến sỹ Nguyễn Duy Phương, giảng viên Khoa Quản trị kinh doanh, Đại học Lao động và Xã hội cho rằng: Ngoài mở rộng phạm vi điều chỉnh, Quy định đã dành hẳn Chương II với ba điều để nhận diện, liệt kê, giải thích, làm rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Đây là những nội dung rất quan trọng nhằm thống nhất, đồng bộ cũng như giám sát, làm chặt các khâu nhân sự, hạn chế và tiến tới loại bỏ tình trạng lợi dụng quyền lực để đưa “người nhà”, thân hữu, họ hàng, người không xứng đáng, những kẻ cơ hội, thiếu tài và đức vào bộ máy. Cũng từ đó khắc phục được tình trạng bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.
“Tuy nhiên, tôi cho rằng để thực hiện được quy định mới này của Đảng là rất khó, có rất nhiều thách thức từ các cấp ủy, tổ chức Đảng. Để thực hiện được thì đòi hỏi phải “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói. Có như vậy thì Quy định của Đảng mới thực sự phát huy hiệu quả, giải quyết được những nhức nhối gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân như trước đây”, Tiến sỹ Nguyễn Duy Phương mong mỏi.
Đúng là khó nhưng Đảng ta đã nắm bắt và quyết tâm thực hiện!
Thực tế đã cho thấy, thời gian gần đây các quy định mới đây của Đảng ta đang từng bước khắc phục tình trạng lạm quyền, lộng quyền, thao túng, bao che, tiếp tay trong công tác cán bộ. Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, sau ba năm triển khai thực hiện Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị, Đảng ta đã phát hiện 50 trường hợp có quan hệ gia đình cùng đảm nhiệm chức danh có liên quan để điều động, phân công, bố trí chức danh khác phù hợp. Đình chỉ công tác, chức vụ năm trường hợp vi phạm trong công tác cán bộ; tạm dừng có thời hạn theo quy định của cấp có thẩm quyền việc quy hoạch, điều động, luân chuyển với 190 trường hợp…
Tại Hội nghị quán triệt Quy định số 114-QĐ/TW, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã nhắc nhở về việc không bố trí người có quan hệ gia đình, thân quen đảm nhận, đảm nhiệm các chức danh có liên quan đối với 13 ngành nghề. Đây là quy định khó, vì đụng chạm đến con người, tâm tư, tình cảm, mong muốn của cán bộ. Mong muốn đó hoàn toàn chính đáng, song nếu là người đứng đầu, người cán bộ lãnh đạo quản lý phải cân nhắc đầy đủ, gương mẫu.
Và như khẳng định của Thường trực Ban Bí thư, người đứng đầu cần phải lưu ý điều này và cần chủ động rà soát trong phạm vi, quyền hạn của mình. Ban Tổ chức Trung ương sẽ phối hợp để rà soát, xem xét, bố trí với những trường hợp này!.