Theo ý kiến của các nhà khoa học, đảng viên, sự ra đời của Quy định này thể hiện sự quyết tâm của Đảng trong việc hình thành và xây dựng văn hóa chính trị công bằng, trung thực, giúp tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký 11/7/2023, thay thế Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23/9/2019 của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.
Thể hiện tính minh bạch, tin cậy trong công tác lãnh đạo
Đánh giá cao Quy định 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, nghiên cứu viên cao cấp Hà Quý Quỳnh, Trưởng Ban Tổ chức - Cán bộ và Kiểm tra, kiêm Trưởng Ban tổ chức Đảng ủy Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho rằng, Quy định 114-QĐ/TW có nội dung cơ bản dựa trên quy định 205 và có nhiều điểm, nội dung mới để phù hợp với tình hình thực tế.
Con người là tài sản quý nhất, công tác cán bộ là công tác con người, là công tác đầu tiên, then chốt của mọi công tác của Đảng, thể hiện Đảng lãnh đạo trực tiếp về công tác cán bộ. Quy định 114-QĐ/TW ban hành kịp thời phục vụ công tác lãnh đạo của Đảng trong thời kỳ mới.
Công tác cán bộ là công tác khó, liên quan đến nhiều vấn đề của xã hội như: đời sống, văn hóa, phong tục tập quán, trình độ, điều kiện… của từng trường hợp cụ thể cho nên không thể áp dụng một khuôn mẫu cho tất cả trường hợp vì vậy cần vận dụng phù hợp để đạt hiệu quả, mục tiêu của Quy định.
Đáng chú ý, Quy định 114-QĐ/TW có một số điểm mới như: Tiêu đề của quy định đã bổ sung cụm từ "tham nhũng, tiêu cực" thể hiện những vấn đề "tham nhũng, tiêu cực" có thể xảy ra đối với công tác cán bộ trong thời kỳ mới.
Quy định 114-QĐ/TW có ý nghĩa quan trọng trong việc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, tăng cường tính minh bạch và đáng tin cậy của công tác lãnh đạo, nhất là phát huy tác dụng vào những thời điểm quan trọng của Đảng, đất nước như: Sơ kết giữa nhiệm kỳ Đại hội trong toàn bộ Đảng; lấy tín nhiệm giữa nhiệm kỳ trong toàn hệ thống chính trị; chuẩn bị cán bộ các cấp cho nhiệm kỳ tới.
Đảng, Nhà nước cũng đã có nhiều văn bản trong toàn hệ thống để tạo tính liên thông với Quy định 114-QĐ/TW: Quy hoạch cán bộ; Bổ nhiệm cán bộ; Quy định về tiêu chuẩn chức danh; Quy định về đào tạo cán bộ; Quy định về kê khai tài sản; Quy định về thi đua khen thưởng; Quy định về chế độ chính sách; Quy định về dữ liệu cán bộ… "Việc áp dụng quy định này mang lại sự công bằng trong việc phân phối quyền lực và đảm bảo sự tin tưởng của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, từ đó xây dựng một văn hóa chính trị công tâm, công bằng, liêm chính, góp phần thực hiện khát vọng xây dựng đất nước ta phồn vinh và hạnh phúc", Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Quý Quỳnh nhấn mạnh.
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Hà Quý Quỳnh đề xuất, thời gian tới, Đảng và Nhà nước ta cần triển khai sâu rộng, tới toàn hệ thống chính trị, các cấp ủy Đảng, đảng viên; kết hợp đồng bộ giữa các quy định; đặt mục tiêu xây dựng Đảng, phát triển Đảng làm nòng cốt; đảm bảo tính đặc thù, không áp dụng máy móc đồng loạt; khen thưởng, xử phạt nghiêm minh.
Tăng cường trách nhiệm kiểm soát quyền lực
Họa sĩ Hoàng Hà Thế, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Yên cho biết, Quy định 114-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ ra đời trong thời điểm này là rất cần thiết. Nếu như trước đây, việc tham nhũng là “tham nhũng vặt”, mang tính riêng lẻ, đơn giản, manh mún thì nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, tham nhũng đã “biến tướng” có tổ chức theo “lợi ích nhóm” không chỉ có sự móc nối, câu kết chặt chẽ giữa người có chức vụ, quyền hạn ở cơ quan nhà nước mà còn móc nối với với doanh nghiệp...
Để triển khai Quy định 114-QĐ/TW có hiệu quả, theo Họa sỹ Hoàng Hà Thế, các cấp ngành từ trung ương đến địa phương cần tổ chức thực hiện cơ chế kiểm soát quyền lực nhà nước trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Những cơ quan, đơn vị, cá nhân làm tốt kịp thời biểu dương, khen thưởng, tôn vinh; ngược lại, đơn vị, cá nhân nào làm chưa tốt cần chấn chỉnh, nhắc nhở và xử lý kỷ luật nếu có sai phạm; chỉ ra nguyên nhân của ưu điểm, khuyết điểm, hạn chế, từ đó rút kinh nghiệm và đề ra giải pháp khắc phục. Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị và những cá nhân có liên quan cần nghiêm túc tự soi, tự sửa, tự nhận thấy những hạn chế, yếu kém để sửa chữa thiếu sót, khuyết điểm trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Người đứng đầu ở mỗi cơ quan, đơn vị phải thực hành nêu gương để thực sự là hạt nhân đoàn kết, trong sạch, liêm khiết về mọi mặt mới có thể lãnh đạo, chỉ đạo được cấp dưới, quy phục được nhân tâm, đem lại lợi ích cho Đảng, Nhà nước và nhân dân.