Khái niệm người tiêu dùng bao gồm cả “tổ chức”
Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về khái niệm người tiêu dùng, có 2 loại ý kiến khác nhau. Cụ thể, loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả tổ chức. Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa “tổ chức” vào khái niệm “người tiêu dùng”.
Sau khi nghiên cứu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất bổ sung đối tượng “tổ chức” vào nội dung quy định giải thích từ ngữ về người tiêu dùng và thể hiện một phương án theo loại ý kiến thứ nhất như trong dự thảo Luật (khoản 1 Điều 3). Phương án này cũng đã được Chính phủ thống nhất tại văn bản số 96/CP-PL ngày 31/3/2023.
Về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung một khoản tại Điều 5 quy định về nghĩa vụ theo hướng người tiêu dùng phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về thông tin mà mình đưa ra, có trách nhiệm bồi thường cho cá nhân, tổ chức kinh doanh nếu có thiệt hại xảy ra từ việc đưa thông tin sai sự thật.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, ý kiến đại biểu Quốc hội là xác đáng. Việc bổ sung quy định này sẽ góp phần phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và giúp người tiêu dùng thực hiện tốt trách nhiệm, nghĩa vụ của mình đối với hoạt động mua, bán và sử dụng hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật đã bổ sung khoản 5 Điều 5 về nghĩa vụ của người tiêu dùng, cụ thể: “Bảo đảm cung cấp chính xác, đầy đủ về các nội dung thông tin liên quan đến giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Chịu trách nhiệm về việc cung cấp thông tin không chính xác hoặc không đầy đủ theo quy định của pháp luật”.
Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định điều kiện giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng trong thủ tục rút gọn tại điểm c khoản 2 Điều 70; có ý kiến đề nghị bỏ quy định này vì các giao dịch mua bán hàng hóa tiêu dùng thông thường có giá trị lớn hơn 100 triệu đồng rất phổ biến, quy định như dự thảo sẽ khiến các giao dịch trên 100 triệu đồng không được áp dụng thủ tục rút gọn.
Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết, việc quy định điều kiện giao dịch dưới 100 triệu đồng trong thủ tục rút gọn được kế thừa từ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện hành, bảo đảm phù hợp thực tiễn, kinh nghiệm quốc tế, đảm bảo tính khả thi. Điều kiện “giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng” nhằm nhấn mạnh vào yếu tố đặc thù trong các vụ án tiêu dùng để làm căn cứ áp dụng thủ tục rút gọn trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội để đảm bảo các giao dịch từ 100 triệu đồng trở lên vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn quy định tại Bộ luật Tố tụng Dân sự, cụ thể khoản 2 Điều 70 được chỉnh sửa theo hướng vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn quy định trong pháp luật về tố tụng dân sự khi đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 317 Bộ luật Tố tụng Dân sự hoặc khi có đủ điều kiện được quy định trong dự thảo Luật.
Giảm chi phí tuân thủ pháp luật
Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội đánh giá cao quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành công phu, khoa học và cầu thị; đồng thời cho ý kiến vào một số nội dung cụ thể.
Về quy trình mà tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ban hành để bảo vệ người tiêu dùng, dự thảo Luật quy định tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh chỉ trừ cá nhân hoạt động thương mại mà không phải đăng ký kinh doanh đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng.
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nhận định, so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, dự thảo lần này đã quy định nhiều nội dung trực tiếp để bảo vệ người tiêu dùng, đồng thời lược bỏ nhiều nội dung giao cho tổ chức, cá nhân kinh doanh phải ban hành. Việc quy định như vậy là phù hợp để tăng hiệu lực áp dụng trực tiếp của luật và giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật cho xã hội.
Tuy nhiên, theo đại biểu, cần cân nhắc việc quy định tất cả các loại hình doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, cá nhân hoạt động thương mại có đăng ký kinh doanh đều phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng. Theo thống kê, hiện nay trên cả nước có khoảng 870.000 doanh nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp không có mối quan hệ trực tiếp với người tiêu dùng. Ví dụ như doanh nghiệp chuyên bán buôn, doanh nghiệp chỉ nhận gia công một bộ phận của sản phẩm, hàng hóa, hay những doanh nghiệp siêu nhỏ là doanh nghiệp theo quy định có quy mô lao động dưới 10 người. Nếu những doanh nghiệp này phải bắt buộc ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng thì rất khó khả thi.
Đại biểu đề nghị việc quy định bắt buộc phải ban hành quy trình giải quyết yêu cầu khiếu nại của người tiêu dùng chỉ nên áp dụng đối với những doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh những ngành hàng lớn, có tác động đối với diện rộng người tiêu dùng, như điện, nước, xăng dầu, các chuỗi siêu thị, các sàn thương mại điện tử lớn, dịch vụ vận chuyển hàng không và một số lĩnh vực khác. Tất cả những trường hợp còn lại cần quy định trực tiếp ngay trong luật những vấn đề có tính nguyên tắc trong quá trình giải quyết khiếu nại của người tiêu dùng để các tổ chức, cá nhân kinh doanh có căn cứ áp dụng. Quy định như vậy sẽ khả thi hơn và giảm chi phí tuân thủ pháp luật cho xã hội.
Liên quan đến việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn tại Tòa án (Điều 70), dự thảo quy định một trong những điều kiện để được giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn là khi giá trị giao dịch phải dưới 100 triệu đồng. Theo đại biểu Nguyễn Thị Thủy, quy định này không phù hợp với thực tế và chưa đồng bộ trong cách tiếp cận của luật. Bởi trong lĩnh vực tư pháp, tính chất phức tạp của một vụ án không phụ thuộc vào giá trị tranh chấp lớn hay nhỏ mà phụ thuộc vào tình tiết chứng cứ của vụ án có rõ ràng, đầy đủ hay không.
Đại biểu dẫn chứng, trong rất nhiều trường hợp giá trị tranh chấp chỉ vài triệu đồng nhưng tình tiết rất phức tạp, chứng cứ không rõ ràng, các bên không lập hợp đồng mà thỏa thuận miệng, cho đến nay không thừa nhận nghĩa vụ đã cam kết thì không thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết tranh chấp. Ngược lại, những vụ án giá trị tranh chấp lên đến vài chục tỷ đồng nhưng các bên lập hợp đồng rất rõ ràng, chặt chẽ và mỗi lần giao hàng đều có biên bản giao, nhận đầy đủ thì vẫn có thể áp dụng thủ tục rút gọn để giải quyết.
Đại biểu kiến nghị, dự thảo Luật nên bỏ điều kiện về giá trị tranh chấp và không nên hạn chế việc giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn chỉ vì giao dịch đó có giá trị hơn 100 triệu đồng, trong khi tất cả những điều kiện khác đều được thỏa mãn điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn.
Theo đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum), qua rà soát cho thấy, Điều 70 dự thảo Luật quy định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn gần tương tự Điều 317 Bộ luật Tố tụng dân sự. Vì vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định cụ thể, rõ ràng hơn về sự cần thiết quy định thủ tục rút gọn, đặc thù về thủ tục rút gọn giải quyết vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại dự thảo luật so với Bộ luật Tố tụng dân sự.
Liên quan đến quy định công bố công khai thông tin cảnh báo về danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng về hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xử lý, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ rõ, dự thảo Luật mới quy định về việc công bố thông tin mà không quy định về việc gỡ bỏ thông tin đã công bố là chưa phù hợp.
Các tổ chức, cá nhân kinh doanh bị xử lý sau vi phạm, nếu khắc phục và làm ăn nghiêm túc thì cũng cần có quy định về việc gỡ bỏ thông tin đã công bố. Hiện nay, dự thảo Luật giao cho Chính phủ quy định chi tiết trình tự, thủ tục, thời điểm và hình thức cung cấp, công khai thông tin cảnh báo về việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần quy định nguyên tắc ngay trong dự thảo Luật này về việc gỡ bỏ thông tin cảnh báo để đảm bảo tính hợp lý về nội dung.
Ngoài ra, dự thảo Luật mới chỉ giới hạn việc công khai thông tin cảnh báo về danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng có vi phạm, còn các hình thức bán hàng khác như là bán hàng trực tiếp, cung cấp dịch vụ liên tục thì chưa được đề cập, trong khi các giao dịch ngoài không gian mạng chiếm một tỷ lệ không nhỏ trong đời sống xã hội. Do đó, nội dung này cần được bổ sung cho phù hợp.