Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hồ Chí Minh

Tiếp tục chương trình kỳ họp, sáng 16/11, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh với 420/428 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 87,14% tổng số đại biểu Quốc hội.

Chú thích ảnh
Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh quy định: chính quyền địa phương ở Thành phố Hồ Chí Minh gồm Hội đồng nhân dân thành phố và Ủy ban nhân dân thành phố. Chính quyền địa phương ở quận là Ủy ban nhân dân quận. Ủy ban nhân dân quận là cơ quan hành chính nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố.

Chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố Hồ Chí Minh là Ủy ban nhân dân phường. Ủy ban nhân dân phường là cơ quan hành chính nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên theo quy định.

Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2021. Việc tổ chức chính quyền đô thị quy định tại Nghị quyết này được thực hiện từ ngày 1/7/2021. Trường hợp có quy định khác nhau về cùng một vấn đề giữa Nghị quyết này với luật, nghị quyết khác của Quốc hội được ban hành trước thời điểm Nghị quyết này có hiệu lực thi hành sẽ áp dụng theo quy định của Nghị quyết này. 

Chú thích ảnh
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Trước khi biểu quyết, các đại biểu Quốc hội nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày.

Theo báo cáo, có ý kiến đề nghị đổi tên UBND quận, UBND phường thành Ủy ban hành chính để phù hợp với tính chất của cơ quan này. Nhiều ý kiến khác tán thành việc giữ nguyên tên gọi là UBND quận, UBND phường để tránh sự xáo trộn trong công tác quản lý và gây phiền hà, tốn kém cho người dân.

Tiếp thu điều này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, đúng như ý kiến đại biểu Quốc hội đã nêu, UBND ở nơi không tổ chức HĐND là cơ quan hành chính, hoạt động theo chế độ thủ trưởng nên gọi tên là Ủy ban hành chính sẽ phù hợp với tính chất của cơ quan này. Tuy nhiên, tại thời điểm này, nếu đổi tên ngay thành Ủy ban hành chính sẽ phát sinh nhiều vấn đề, có thể gây xáo trộn lớn trong công tác quản lý nhà nước mà chưa được tính toán kỹ. Hơn nữa, khi thông qua Nghị quyết số 97/2019/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội và Nghị quyết số 119/2020/QH14 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng, Quốc hội đã nhất trí giữ tên gọi là UBND quận, UBND phường tại những nơi không tổ chức HĐND. 

Theo báo cáo tiếp thu, giải trình, để bảo đảm tính ổn định, thống nhất, không làm phát sinh thủ tục, chi phí liên quan đến việc thay đổi tên gọi và hạn chế những vấn đề phát sinh khác trong giai đoạn mới chuyển sang mô hình chính quyền đô thị, trước mắt đề nghị vẫn cho giữ tên gọi của UBND quận, UBND phường như đã thể hiện trong dự thảo Nghị quyết.

Đỗ Bình (TTXVN)
Thông cáo báo chí số 16, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV
Thông cáo báo chí số 16, Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Thứ Sáu, ngày 13/11/2020, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 9, Đợt 2 theo hình thức tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN