Quốc khánh được nghỉ 2 ngày
Bộ luật gồm 17 chương, 220 điều, quy định tiêu chuẩn lao động; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của người lao động, người sử dụng lao động, tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đại diện người sử dụng lao động trong quan hệ lao động và các quan hệ khác liên quan trực tiếp đến quan hệ lao động; quản lý nhà nước về lao động.
Về nghỉ lễ, tết, Bộ luật quy định: Người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong những ngày lễ, tết gồm: Tết Dương lịch 1 ngày (ngày 1 tháng 1 dương lịch); Tết Âm lịch 5 ngày; Ngày Chiến thắng 1 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); Ngày Quốc tế lao động 1 ngày (ngày 1 tháng 5 dương lịch); Quốc khánh 2 ngày (ngày 2 tháng 9 dương lịch và 1 ngày liền kề trước hoặc sau); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 1 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch).
Liên quan đến tuổi nghỉ hưu, Bộ luật quy định: Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.
Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 5 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Khuyến khích thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động
Đối với vấn đề thời giờ làm việc bình thường, Bộ luật quy định: Thời giờ làm việc bình thường không quá 8 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Người sử dụng lao động có quyền quy định thời giờ làm việc theo ngày hoặc tuần nhưng phải thông báo cho người lao động biết; trường hợp theo tuần thì thời giờ làm việc bình thường không quá 10 giờ trong 1 ngày và không quá 48 giờ trong 1 tuần. Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động.
Trước đó, trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần; một số ý kiến đại biểu đề nghị giữ như quy định hiện hành về thời giờ làm việc bình thường là 48 giờ/tuần. Đồng thời, có đại biểu đề nghị cần hết sức cân nhắc khi thay đổi quy định về thời giờ làm việc bình thường trong bối cảnh hiện nay do đây là vấn đề lớn, chưa có đánh giá tác động một cách đầy đủ.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, ý kiến của các đại biểu Quốc hội là rất xác đáng. Việc tăng lương, giảm giờ làm, cải thiện và nâng cao điều kiện lao động đối với người lao động là xu hướng tiến bộ của thế giới. Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã báo cáo Quốc hội tại Báo cáo số 466/BC-UBTVQH14 ngày 22/10/2019, lúc đó, Chính phủ chưa đánh giá tác động về kinh tế - xã hội đối với vấn đề này. Trong khi đó, ý kiến của Chính phủ, người sử dụng lao động, người lao động còn rất khác nhau, cần có thêm thời gian để đánh giá tác động đầy đủ, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, sức cạnh tranh của doanh nghiệp, để có sự điều chỉnh thời giờ làm việc bình thường cho phù hợp, hài hòa lợi ích giữa các bên, bảo đảm tăng trưởng của nền kinh tế nhưng phải bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
Vì vậy, cơ quan chủ trì thẩm tra đã chủ động đề nghị Chính phủ phối hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, trong đó thể hiện quan điểm của Chính phủ về nội dung này. Chính phủ đã có Công văn số 561/CP-PL ngày 6/11/2019 đề nghị "trước mắt giữ nguyên thời giờ làm việc bình thường như quy định của Bộ luật hiện hành" và "có lộ trình điều chỉnh giảm giờ làm việc bình thường vào thời điểm thích hợp".
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và báo cáo Quốc hội việc từng bước giảm giờ làm theo hướng sẽ ghi vào Nghị quyết của kỳ họp: Giao Chính phủ căn cứ tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đề xuất giảm giờ làm việc bình thường thấp hơn 48 giờ/tuần; đồng thời, giữ quy định "Nhà nước khuyến khích người sử dụng lao động thực hiện tuần làm việc 40 giờ đối với người lao động" tại Điều 105 về thời giờ làm việc bình thường. Trên cơ sở đó, Chính phủ sẽ có các quy định triển khai cụ thể; đặc biệt, cần phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động hướng dẫn về cơ chế thương lượng tập thể hiệu quả để từng bước thực hiện cho được việc giảm giờ làm việc bình thường, bảo đảm hài hòa lợi ích của các bên.
Về mở rộng khung thỏa thuận thời giờ làm thêm tối đa (Điều 107), Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh nêu rõ: Nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đồng ý với Phương án 1 quy định như Bộ luật Lao động hiện hành nhưng có nâng giới hạn làm thêm giờ tối đa trong tháng từ 30 giờ lên 40 giờ và bổ sung cụ thể các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm. Một số ý kiến đồng ý với phương án 2 nâng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa từ 300 giờ lên 400 giờ trong một năm.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội. Từ kết quả xin ý kiến: có 406 đại biểu Quốc hội bày tỏ chính kiến thì có 318 đại biểu đồng ý giữ khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa như Bộ luật hiện hành, nhưng cần ghi rõ thời gian làm thêm giờ theo tháng là 40 giờ/tháng thay vì 30 giờ/tháng và bổ sung quy định cụ thể về các trường hợp được tổ chức làm thêm giờ từ trên 200 giờ đến 300 giờ trong một năm. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo chỉnh lý điều này như trong dự thảo Bộ luật.
Theo đó, Bộ luật quy định: Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm giờ khi đáp ứng đầy đủ các yêu cầu: Phải được sự đồng ý của người lao động; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 50% số giờ làm việc bình thường trong 1 ngày; trường hợp áp dụng quy định thời giờ làm việc bình thường theo tuần thì tổng số giờ làm việc bình thường và số giờ làm thêm không quá 12 giờ trong 1 ngày; không quá 40 giờ trong 1 tháng; bảo đảm số giờ làm thêm của người lao động không quá 200 giờ trong 1 năm.
Người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm trong một số ngành, nghề, công việc hoặc trường hợp sau đây: Sản xuất, gia công xuất khẩu sản phẩm hàng dệt, may, da, giày, điện, điện tử, chế biến nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản; sản xuất, cung cấp điện, viễn thông, lọc dầu; cấp, thoát nước; trường hợp giải quyết công việc đòi hỏi lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao mà thị trường lao động không cung ứng đầy đủ, kịp thời; trường hợp phải giải quyết công việc cấp bách, không thể trì hoãn, do tính chất thời vụ, thời điểm của nguyên liệu, sản phẩm hoặc để giải quyết công việc phát sinh do yếu tố khách quan không dự liệu trước do hậu quả thời tiết, thiên tai, địch họa, hỏa hoạn, thiếu điện, thiếu nguyên liệu, sự cố kỹ thuật của dây chuyền sản xuất và trường hợp khác do Chính phủ quy định.