Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam, dự báo trong ngày 28 - 29/10, các địa phương trong tỉnh có mưa vừa, mưa to đến rất to, tổng lượng mưa phổ biến bình quân từ 150 - 300 mm.
Do mưa lớn, hiện tại mực nước tại các trạm thủy văn trên sông Vu Gia ở thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc là 6,54 m, trên báo động I là 0,04 m; trên sông Thu Bồn tại thành phố Hội An là 0,96 m, cao hơn báo động I 0,04 m; trên sông Tam Kỳ tại thành phố Tam Kỳ là 0,82 m, trên báo động I 0,88 m. Mưa to, mực nước tại các trạm thủy văn không ngừng dâng khiến cho mực nước tại các hồ chứa thủy lợi và thủy điện trên địa bàn tỉnh liên tục dâng cao.
Hiện tại, trong số 17 hồ thủy lợi vừa và lớn trên địa bàn tỉnh do Công ty Thủy lợi Quảng Nam quản lý, có 12 hồ đã đầy nước, gồm các hồ chứa: Đá Vách, Nước Rôn, Phước Hà, An Long, Hố Giang, Hương Mao, Cây thông, Phú Lộc, Thạch Bàn, Khe Tân, Đông Tiển, Cao Ngạn.
Tương tự, mực nước các hồ chứa thủy điện trên địa bàn tỉnh đều đã gần ngang bằng với mực nước dâng bình thường của thiết kế. Cụ thể: tại hồ chứa thủy điện Sông Tranh 2 là 168 m so với mực nước thiết kê là 175 m; trên hồ thủy điện A Vương là 370,3 m so với 380 m; trên hồ thủy điện sông Đăk mi 4 là 251,40 m so với 258 m, trên hồ thủy điện Sông Bung 4 là 216,10 m so với 222,5 m.
Trước tình hình bão diễn biến phức tạp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị phải theo dõi chặt chẽ tình hình mưa bão để kịp thời triển khai các phương án phòng chống, rà soát các khu dân cư, các cơ quan đơn vị và kiên quyết di dời người và tài sản ra khỏi nơi nguy hiểm, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại của nhân dân và nhà nước. Các lực lượng vũ trang phối hợp với các địa phương vùng bãi ngang ven biển, kiên quyết cấm tàu thuyền ra khơi đánh bắt, kêu gọi những tàu đang đánh bắt ngoài khơi khẩn trương tìm chỗ tránh trú an toàn, đồng thời hướng dẫn và cùng người dân, sắp xếp, chằng chống các phương tiện đậu đỗ an toàn, phòng tránh va đập làm hư hỏng phương tiện khi có gió bão. Bên cạnh đó, các sở, ban ngành liên quan: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Sở Giao thông Vận tải,… triển khai ngay các phương án phòng chống thiên tai, bảo vệ trụ sở và phương tiện làm việc an toàn, đặc biệt là đảm bảo giao thông trong và khi bão tan để người dân nhanh chóng ổn định sản xuất và sinh hoạt...
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Nam: Tỉnh có 3.048 tàu thuyền với 13.585 lao động, trong đó, hiện nay còn 58 tàu thuyền với 2.285 lao động đang hoạt động trên khu vực biển Trường Sa, hiện các tàu đã nhận được thông báo về diễn biến và hướng đi của bão. Bên cạnh đó, Quảng Nam có 250 lồng bè đang nuôi trồng thủy hải sản và đã được các lực lượng và địa phương hướng dẫn gia cố, bảo vệ. Đặc biệt, các địa phương trong tỉnh đã phối hợp với các lực lượng vũ trang tiến hành di dời, sơ tán được gần 29.400 hộ gia đình với 88.431 nhân khẩu ở những khu vực nguy hiểm có nguy cơ bị ngập sâu, sạt lở đất, lũ quét… đến nơi tránh trú an toàn.
Đến thời điểm hiện tại, bão số 9 đã làm một số nhà dân bị tốc mái, một số xã bị mất điện, hàng loạt cây xanh các địa phương trên địa bàn tỉnh bị gãy đổ…
* Sáng 28/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã đến kiểm tra công tác ứng trực, sẵn sàng ứng cứu người dân tại các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh. Tại Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ đội Biên phòng và Công an tỉnh đều duy trì 100% quân số và chuẩn bị đầy đủ phương tiện như ca nô, tàu thuyền, ô tô... sẵn sàng cơ động đến những nơi xảy ra sự cố để hỗ trợ người dân.
Làm việc trực tuyến với lãnh đạo 4 nhà máy thủy điện lớn trên địa bàn, các nhà máy thủy điện đều báo cáo công tác chuẩn bị ứng phó với bão, lũ đều được các nhà máy thủy điện thực hiện nghiêm theo chỉ đạo và điều hành của lãnh đạo tỉnh nhằm đảm bảo an toàn cho vùng hạ lưu.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cũng đã làm việc với Đài Khí tượng thủy văn, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn về công tác dự báo diễn biến của bão số 9 và công tác điều hành của Văn phòng Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai để sẵn sàng điều động lực lượng ứng cứu khi có sự sự cố xảy ra trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo các ngành, các địa phương trong tỉnh, ông Phan Việt Cường, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam yêu cầu tất cả các địa phương, ngành phải đặt nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân là nhiệm vụ hàng đầu. Các địa phương đều nghiêm cấm người dân không ra đường trong khi bão đổ bộ vào đất liền tại vùng giáp ranh với tỉnh Quảng Ngãi.
Ông Nguyễn Tri Ấn, Bí thư Huyện ủy Núi Thành cho biết, đến trưa 28/10, toàn bộ tàu thuyền của ngư dân trên địa bàn đều được bảo vệ nghiêm ngặt, chưa có sự cố nào nghiêm trọng xảy ra. Toàn bộ người dân ở những vùng trũng thấp, vùng có nguy cơ sạt lở triều cường đều được đưa đến nơi trú ẩn an toàn.
Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên Nguyễn Thế Đức thông tin, đến trưa 28/10, tất cả các địa phương ven biển, các vùng trũng, thấp ở huyện chưa có sự cố nào nghiêm trọng. Toàn bộ tàu thuyền của ngư dân trong và ngoài huyện đều được neo đậu và chằng chống an toàn trước khi bão đổ bộ vào đất liền.