Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, đợt dịch COVID-19 vừa qua tại thành phố và một số địa phương cho thấy nhiều bài học về y tế và vai trò, tầm quan trọng của hệ thống y tế cơ sở. Chúng ta có nói đến vấn đề chuyển hướng và một trong những cốt lõi để chuyển hướng an toàn thành công là về bình diện xã hội phải phủ vaccine đồng thời phải xem lại năng lực của ngành y tế. Từng địa phương cũng đã rút ra kinh nghiệm và khẩn trương có kế hoạch, chính sách để đầu tư nhưng sẽ chỉ thành công được nếu có được một “nhạc trưởng”, một chính sách chung xuất phát từ Bộ Y tế tham mưu cho Chính phủ.
Tuy nhiên, trong Báo cáo của Chính phủ chưa nên bật được việc hệ thống y tế dự phòng sẽ được xây dựng như thế nào, Nhà nước quy định ra sao. Chúng ta cần những chính sách từ Bộ Y tế ví dụ như chính sách thu hút nguồn nhân lực để giải quyết vấn đề thiếu hụt cán bộ làm y tế dự phòng, y tế cơ sở do hiện nay biên chế cán bộ không trên cơ sở cơ cấu dân số, số lượng dân quản lý. Thời gian qua, có rất nhiều bài học về vấn đề cung ứng. Hiện nay rất nhiều giám đốc đơn vị, bệnh viện gặp vấn đề về cung ứng trang thiết bị, vật tư y tế, thuốc men liên quan đến giá, yêu cầu quy định của pháp luật và đảm bảo nhu cầu của đơn vị và hiệu quả điều trị; trong khi đó, Bộ Y tế đưa ra chính sách cho phù hợp.
Liên quan đến thực hiện xã hội hóa của ngành y tế, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng, trong đánh giá bài học của Chính phủ nêu rõ là chúng ta phải tăng cường cơ chế xã hội hóa để có thêm nguồn lực, phải làm sao để phát huy sức mạnh của y tế tư nhân, trong khi hệ thống y tế của chúng ta còn thiếu, yếu. Do nhu cầu xã hội và tập trung nguồn nhân lực nên nhánh điều trị phát triển nhất trong ngành y tế nhưng không phải không có khó khăn, đặc biệt là trong cơ chế tài chính. Qua đợt dịch cho thấy, cần có chính sách để giải quyết cho bệnh viện vận hành, phát triển theo hướng tăng cường hiệu quả khám chữa bệnh cho người dân, tạo nên uy tín, thương hiệu cho bệnh viện. Đợt dịch vừa qua bộc lộ nhiều yếu kém, thiếu sót chưa được giải quyết như về đãi ngộ cho cán bộ y tế, về chính sách cho ngành y tế...
Cũng về vấn đề này, đại biểu Trần Kim Yến, Bí thư Quận ủy Quận 1, TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Mặc dù chúng ta đã xác định phòng bệnh hơn chữa bệnh, nhưng trên thực tế các biện pháp liên quan đến công tác y tế dự phòng lại không như vậy. Ngay như việc đào tạo bác sỹ, cán bộ y tế đang không được định hướng phù hợp khi chủ yếu tập trung vào đào tạo bác sỹ điều trị, bác sỹ chuyên khoa sâu mà chưa đầu tư đầy đủ cho đào tạo bác sỹ cộng đồng, cán bộ y tế cơ sở.
Thực tế đã từng có đề án đưa bác sỹ về trạm y tế nhưng khi triển khai thì vấn đề phát huy vai trò bác sỹ tại trạm y tế cơ sở lại không được quan tâm, không có chính sách nghề nghiệp và chế độ đãi ngộ phù hợp. Nhiều bác sỹ khi về trạm y tế đã không phát huy được vai trò trong chuyên môn, khó khăn về cuộc sống, dẫn đến hiệu quả không đạt như mong muốn. Để giải quyết được vấn đề này, Bộ Giáo dục và Bộ Y tế cần có kế hoạch phối hợp để nâng cao hiệu quả giữa giáo dục và sử dụng; đồng thời cần có biện pháp tuyên truyền để thay đổi tâm lý của người dân về vai trò của cán bộ y tế cơ sở, khuyến khích tham gia học tập, đào tạo trong lĩnh vực y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Tham gia Kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XV cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh do đang tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, đại biểu Trần Khánh Thu, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho biết:" Là người đã trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch COVID-19, tôi thấy Báo cáo của Chính phủ đã có sự đánh giá, nhìn nhận tổng quan và rất thẳng thắn về kết quả công tác phòng, chống dịch. Tuy xác định rõ tầm quan trọng của vaccine trong phòng chống COVID-19, nhưng Chính phủ còn chậm ban hành những chính sách, kế hoạch cụ thể liên quan đến vấn đề xã hội hóa công tác bao phủ vaccine. Thứ hai, chúng ta mới chỉ thống kê số lượng người được tiêm vaccine trên 18 tuổi, nhưng hiện nay vấn đề nghiên cứu hiệu quả, phản ứng của vaccine với trẻ em dưới 18 tuổi vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ".
Theo đại biểu Trần Khánh Thu, thời gian qua, chúng ta đã thấy sức mạnh của sự đoàn kết, nhất là các lực lượng y tế đã mang lại hiệu quả trong kiểm soát dịch. Chính vì vậy, cần có chính sách cụ thể về đầu tư cho y tế cơ sở, trong đó có chính sách về đào tạo nguồn nhân lực. Hoạt động của Trạm y tế lưu động tại TP Hồ Chí Minh trong đợt dịch vừa qua là một bài học về tính hiệu quả cho các địa phương nghiên cứu. Đầu tư y tế cơ sở mang lại hiệu quả rất cao cho công tác điều trị tuyến trên. Thời gian qua, hệ thống y tế tư nhân đã tham gia vào công tác phòng, chống dịch nhưng vẫn chưa thể hiện hết thế mạnh, tiềm lực của hệ thống y tế tư nhân trong công tác phòng, chống dịch. Vì vậy, trong thời gian tới, chúng ta cần phải có chính sách cụ thể hơn để khuyến khích hệ thống tư nhân tham gia vào công tác phòng, chống dịch chung của cả ngành y tế.