Đại biểu Nguyễn Thị Mai Phương: Hai điểm mới trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ

Theo chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, chiều 21/10, Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ. Bên hành lang Quốc hội, phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về những nội dung đáng quan tâm trong lần sửa đổi luật này.

Chú thích ảnh
Bà Nguyễn Thị Mai Phương - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội trả lời phỏng vấn của phóng viên báo Tin tức.

Thưa bà, những yêu cầu nào đặt ra khiến chúng ta sửa đổi quy định về quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp có sử dụng từ ngân sách nhà nước?

Việc thực hiện các nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) và kết quả của KHCN có sử dụng ngân sách Nhà nước đã được quy định từ Luật KHCN, sau đó là Luật chuyển giao công nghệ và Luật quản lý tài sản công cũng quy định về vấn đề trao quyền sử dụng như quyền sở hữu đối với các kết quả của các chức vụ này.

Tuy nhiên qua quá trình thực thi, cơ quan soạn thảo cũng như Chính phủ nhận thấy rằng những quy định trong Luật Khoa công nghệ trên thực tế không triển khai được vì nhiều lý do. Thứ nhất, việc định giá tài sản sở hữu trí tuệ là kết quả của nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước là tương đối khó khăn. Do chúng ta đã có quy định tại một số Thông tư của Bộ Tài chính về quá trình định giá, nhưng trên thực tế đây là tài sản vô hình nên việc định giá là tương đối khó khăn.  

Khi định giá khó khăn thì các cơ quan nhà nước sẽ rất e dè trong việc quyết định giao quyền. Bởi vì khi giao quyền sẽ chịu trách nhiệm, tiếp đó là vấn đề thất thoát tài sản... Những khó khăn, vướng mắc này không chỉ riêng ở nước ta gặp phải mà các nước trên thế giới cũng đã có, cũng đã mắc phải, kể cả các nước phát triển như Mỹ, châu Âu hay Hàn Quốc, Trung Quốc.

Ví như ở Mỹ đã có một đạo luật cho phép giao quyền sở hữu cho chính tổ chức chủ trì tạo ra kết quả của KHCN có sử dụng ngân sách nhà nước. Từ khi có đạo luật này thì việc phát triển, chuyển giao thương mại hóa các kết quả KHCN đã diễn ra thuận lợi.  

Chính vì vậy, từ mô hình của Mỹ, các nước phát triển mạnh mẽ và rất nhiều quốc gia đã trao quyền cho cơ quan chủ trì và nhờ thế nên việc thương mại hóa đã rất tốt, ví dụ như Hàn Quốc, Trung Quốc. Còn đối tượng nào được chuyển giao thì tùy thuộc vào sự phát triển của kinh tế xã hội của đất nước đó cũng như thực lực phát triển của quốc gia đó mạnh về lĩnh vực gì thì người ta lựa chọn đối tượng chuyển giao.

Hiện nay Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung một số điều, trong đó Chính phủ dự kiến đề ra có ba đối tượng như trong dự thảo luật đã quy định là: Sáng chế, thiết kế bố trí và kiểu dáng công nghiệp với kỳ vọng sẽ thay đổi vấn đề mà thương mại hóa các kết quả này.  

Tuy nhiên, trong quá trình thẩm tra, chúng tôi cũng đề nghị phải cân nhắc thêm một số đối tượng khác. Ví dụ qua quá trình nghiên cứu, tham khảo chúng tôi biết rằng ở Trung Quốc, Hàn Quốc cũng đưa ra những vấn đề chuyển giao đối với giống cây trồng hoặc là chương trình máy tính là đối tượng thuộc quyền tác giả. Chính vì vậy nên Ủy ban Pháp luật đề nghị Chính phủ cần phải nghiên cứu và cân nhắc thêm để bổ sung đối tượng này.

Xin bà cho biết dự án Luật sử đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ lần này nội dung nào đáng chú ý nhất?

Liên quan đến vấn đề này, có mấy nội dung quan trọng mà Chính phủ dự kiến sửa đổi, đó là: Thứ nhất là việc trao quyền đăng ký cho tổ chức chủ trì và thực hiện nhiệm vụ các thiết kế bố trí và sáng chế, kiểu dáng công nghiệp. Thứ hai, mặc dù trao quyền như thế, nhưng Chính phủ cũng đưa ra quy định vẫn nắm quyền để khi cần có thể chuyển giao tiếp cho các đối tượng khác. Đây là hai nội dung cơ bản mà Chính phủ đề ra.

Qua quá trình thẩm tra, chúng tôi thấy vẫn cần bổ sung thêm. Lý do là trong Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành Trung ương cũng đề ra là: Ngoài cơ chế giao quyền một cách tự động và không bồi hoàn này thì Chính phủ cũng cần phải có một cơ chế phân chia hợp lí lợi ích giữa nhà nước chủ trì và tác giả. Việc này trong dự thảo luật chưa được làm rõ và chúng tôi đề nghị cơ quan chủ trì cần phải làm rõ nội dung.

Thưa bà việc sửa đổi sẽ mở ra những cơ hội gì trong việc chuyển giao công nghệ từ những sáng chế được hình thành từ nhiệm vụ KHCN?

Đây chính là kỳ vọng của Chính phủ khi đưa ra quy định sửa đổi trao quyền một cách tự động và không bồi hoàn đối với các đối tượng này. Lý do, trên kinh nghiệm của các nước, khi mà mở ra cơ chế này thì các cơ quan chủ trì được quyền tự chủ và chủ động trong việc nghiên cứu phát triển cũng như là thương mại hóa.

Chúng tôi hy vọng với quy định này thì các tổ chức chủ trì như các viện nghiên cứu, các trường đại học sẽ đẩy mạnh hơn hoạt động nghiên cứu KHCN của mình và có những bộ phận để thương mại hóa các kết quả. Khi nhìn thấy những lợi ích trực tiếp mà họ được thụ hưởng thì họ sẽ tập trung và có đầu tư cao hơn cho hoạt động KHCN.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Bài và ảnh: Viết Tôn/Báo Tin tức
Chủ tịch Quốc hội gặp mặt đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp tiêu biểu trong ứng dụng khoa học công nghệ
Chủ tịch Quốc hội gặp mặt đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp tiêu biểu trong ứng dụng khoa học công nghệ

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chiều tối 12/10, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ gặp mặt đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp tiêu biểu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ nhân dịp các doanh nhân tham Diễn đàn các nhà lãnh đạo doanh nghiệp Việt Nam và vinh danh các thương hiệu mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN