Nhiều ý kiến của các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng cần tập trung khắc phục những vướng mắc, bất cập của Luật Xây dựng năm 2014, đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong hoạt động đầu tư xây dựng trong tương lai.
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp thứ 43. Mục đích của việc sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng là tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng; sửa đổi, bổ sung quy định về cấp giấy phép xây dựng có thời hạn phù hợp với Luật Đất đai; sửa đổi, bổ sung quy định về chủ đầu tư, nhà đầu tư trong dự thảo Luật để thống nhất với quy định về nhà đầu tư trong Luật Đầu tư; thống nhất khái niệm về nhà ở riêng lẻ, dự án đầu tư xây dựng nhà ở, dự án đầu tư xây dựng khu đô thị với Luật Nhà ở; thống nhất quy định về thẩm quyền phê duyệt quy hoạch xây dựng với pháp luật về quy hoạch... bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Dự thảo Luật trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ này gồm 05 điều, sửa đổi, bổ sung những nội dung liên quan đến cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.
Khắc phục những hạn chế, bất cập
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở tuân thủ 03 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua: Nhóm chính sách 1 - Cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng; Nhóm chính sách 2 - Bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực xây dựng; Nhóm chính sách 3 - Hoàn thiện chính sách, pháp luật về xây dựng bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với pháp luật có liên quan.
Nội dung dự thảo Luật tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung về: Nguyên tắc đầu tư xây dựng, trong đó bổ sung nội dung về trách nhiệm các chủ thể tham gia hoạt động xây dựng, nguyên tắc tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, phát triển công trình xanh, tiết kiệm năng lượng; Xác định loại, cấp công trình xây dựng theo hướng Chính phủ quy định về tiêu chí, nguyên tắc phân loại, phân cấp công trình và Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành khác hướng dẫn chi tiết về phân loại, phân cấp công trình xây dựng để đảm bảo việc bổ sung, cập nhật theo xu thế phát triển của công nghệ, khoa học kỹ thuật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng khu đô thị; bổ sung quy định bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với bên thứ 3 là bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng và nhà thầu thi công xây dựng có trách nhiệm mua loại bảo hiểm này; làm rõ các cấp độ quy hoạch xây dựng khu chức năng, bổ sung các trường hợp được lập quy hoạch phân khu không cần lập quy hoạch chung khu chức năng, trường hợp được lập quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung.
Luật sửa đổi, bổ sung lần này phân loại dự án theo hướng làm rõ các tiêu chí phân loại dự án để xác định các phương thức quản lý phù hợp và phân cấp quản lý nhà nước trong hoạt động xây dựng; Sửa đổi việc phân loại dự án đầu tư xây dựng theo các nguồn vốn; Sửa đổi, bổ sung quy định về lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng theo hướng phân tách trách nhiệm thẩm định để phê duyệt dự án của cơ quan chuyên môn thuộc người quyết định đầu tư và trách nhiệm kiểm soát các nội dung thuộc quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn về xây dựng bao gồm kiểm soát phù hợp quy hoạch, quy chuẩn, tiêu chuẩn…
Nhiều ý kiến cho rằng, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã căn bản khắc phục được những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành. Những sửa đổi đã đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật; tăng cường sự quản lý thống nhất của Trung ương đi đôi với phân cấp và nâng cao trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như các chủ thể tham gia hoạt động đầu tư xây dựng, đảm bảo công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư xây dựng; tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động đầu tư xây dựng.
Quản lý chặt hoạt động xây dựng theo hướng chuyên nghiệp
Một điểm đáng chú ý trong dự án Luật trình Quốc hội lần này là bổ sung quy định về quản lý trật tự xây dựng. Theo đó, dự thảo Luật quy định việc thi công xây dựng công trình phải phù hợp quy hoạch xây dựng, tuân thủ thiết kế xây dựng, giấy phép được cấp (nếu có) và phải được quản lý để bảo đảm trật tự xây dựng. Cơ quan quản lý trật tự xây dựng là cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, theo phân cấp có trách nhiệm kiểm tra, kiểm soát các nội dung theo quy định.
Các đại biểu cho rằng cần quy định rõ trường hợp dự án, công trình được miễn giấy phép xây dựng để tránh bị lạm dụng, buông lỏng quản lý; rà soát, bổ sung quy định xử lý vi phạm trật tự xây dựng và thực hiện nghiêm kỷ cương trong quá trình tổ chức triển khai; có quy định về ưu tiên ứng dụng nguồn lực khoa học - công nghệ trong quản lý trật tự xây dựng.
Theo đại biểu Lê Quang Trí (Tiền Giang), thời gian qua, có rất nhiều công trình vi phạm trật tự đô thị, công trình xây dựng không phép, sai giấy phép xây dựng, sai thiết kế, vượt số tầng cho phép trong thành phố, thị xã... Nhiều công trình xây dựng không phép trên đất nông nghiệp ở các huyện vùng ven các thành phố, đô thị. Nguyên nhân chính là do công tác kiểm tra, giám sát của lực lượng chức năng còn buông lỏng. Bên cạnh đó, người dân còn gặp khó khăn trong thực hiện các thủ tục về nhà đất... Để giải quyết khó khăn này, các cơ quan nhà nước cần ứng dụng khoa học - công nghệ trong quản lý, thu nhận, xử lý; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý xây dựng.
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đề xuất cần quy định rõ trách nhiệm trong quản lý xây dựng từ cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương đến chủ đầu tư. Theo đại biểu, trách nhiệm trong quản lý trật tự xây dựng phải là cơ quan chính quyền ở địa phương, còn cơ quan Thanh tra xây dựng khi phát hiện sai phạm sẽ vào cuộc. Nếu để sai phạm tiếp tục xảy ra, không xử lý được, phải quy trách nhiệm cho cơ quan thanh tra và chế tài xử lý vi phạm phải nghiêm minh mới đủ sức răn đe.
Nhiều ý kiến cho rằng, điều mà dư luận xã hội quan tâm là Luật Xây dựng và các quy định liên quan chưa hạn chế được sự lãng phí, thất thoát đối với các dự án đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước. Thời gian qua, việc phân cấp để cho phép các chủ thể được làm chủ đầu tư khá “mở”. Do vậy, nhiều ngành, địa phương có hiện tượng “nở rộ” các cơ quan, đơn vị được giao làm chủ đầu tư. Vấn đề đáng ngại là nhiều chủ đầu tư yếu cả về kinh nghiệm chuyên môn lẫn tổ chức quản lý dự án. Điều này dẫn đến việc cơ quan quản lý nhà nước hoặc cấp quyết định đầu tư luôn trong tình trạng bị động, thậm chí bất lực khi xử lý tình trạng công trình chậm tiến độ, kém chất lượng, đội giá thành.
Đối với dự án đầu tư công, các đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Xây dựng sửa đổi cần đưa ra những quy định rõ ràng, cụ thể hơn về điều kiện, tiêu chí lựa chọn chủ đầu tư. Việt Nam cần học tập kinh nghiệm quốc tế trong vấn đề xây dựng bộ máy tổ chức chuyên nghiệp làm chủ đầu tư các dự án đầu tư công.