Phú Thọ: Tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND tỉnh

Trong những năm qua, hoạt động giám sát của HĐND tỉnh Phú Thọ có nhiều sáng tạo, đổi mới theo hướng cải tiến quy trình, hình thức giám sát, đi vào những vấn đề cụ thể, còn nhiều bức xúc trong đời sống, xã hội.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Kỳ họp thứ hai, HĐND tỉnh Phú Thọ. Ảnh: baophutho.vn

Thông qua hoạt động giám sát chuyên đề và giám sát tại kỳ họp HĐND tỉnh, đã giúp các cấp chính quyền kịp thời khắc phục những thiếu sót, góp phần xây dựng một số chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng của địa phương, tăng cường niềm tin trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Để nâng cao chất lượng giám sát chuyên đề, HĐND tỉnh Phú Thọ chú trọng việc lựa chọn nội dung giám sát, trong đó chú trọng đến ý kiến, kiến nghị của cử tri và ý kiến trao đổi với các cơ quan khác, như: Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, các Ban xây dựng Đảng Tỉnh ủy, các tổ chức chính trị - xã hội của tỉnh, kết hợp với thông tin từ các báo cáo kinh tế - xã hội, báo cáo thực hiện nhiệm vụ của chính quyền và các ngành chức năng. Từ đó, HĐND tỉnh ra quyết định chương trình giám sát phù hợp yêu cầu thực tế, đảm bảo tính trọng tâm, trọng điểm, không chồng chéo, trùng lặp về nội dung, không để xảy ra tình trạng có nhiều cuộc giám sát, thanh tra, kiểm tra đến một đơn vị, địa bàn trong cùng năm, không ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của đơn vị được giám sát.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Phú Thọ Dương Hoàng Hương, trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, Thường trực, các ban của HĐND tỉnh và các Tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức 117 cuộc giám sát trong các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Những nội dung, vấn đề cấp thiết được cử tri quan tâm tại các cuộc giám sát, như: Tình hình, kết quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; việc thực hiện chính sách bảo hiểm tự nguyện cho người lao động; việc thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2020 và kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016 - 2020...

Trong giám sát chuyên đề, Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND luôn phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQ, Thường trực HĐND cấp dưới và phát huy vai trò của đại biểu HĐND ứng cử tại địa phương. Sau mỗi đợt giám sát đều có báo cáo, thông báo kết luận giám sát gửi UBND, Ủy ban MTTQ, các cơ quan chuyên môn của tỉnh, địa phương và đơn vị được giám sát; đồng thời, kiến nghị xử lý những vướng mắc, chấn chỉnh những tồn tại, khắc phục hạn chế trong thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị, đối tượng, lĩnh vực được giám sát.

Ngoài giám sát chuyên đề theo kế hoạch, HĐND tỉnh còn tiến hành các cuộc khảo sát thực tế, làm việc với cơ quan, đơn vị, địa phương, tổ chức tham vấn lấy ý kiến nhân dân về những vấn đề phát sinh cụ thể trong xã hội. Qua đó, kịp thời có những kiến nghị để UBND tỉnh, các cơ quan chức năng nghiên cứu, có những điều chỉnh phù hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành và triển khai nhiệm vụ.

Giám sát của Tổ đại biểu HĐND là một chế định mới được quy định trong Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Để hoạt động giám sát của Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đi vào nề nếp, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh đã chủ động ban hành hướng dẫn quy trình, cách thức tổ chức cuộc giám sát của Tổ đại biểu. Qua đó, hoạt động giám sát của Tổ đại biểu trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 được thực hiện bài bản, thu nhiều kết quả tốt.

Thông qua hoạt động giám sát, những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở một số lĩnh vực đã được các đoàn giám sát phát hiện, kiến nghị kịp thời với UBND các cấp, các cơ quan, đơn vị để xem xét và tập trung giải quyết, góp phần quan trọng trong thực hiện có hiệu quả các vấn đề thực tiễn đặt ra. Đơn cử như sau cuộc giám sát công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh, trên cơ sở kiến nghị của Thường trực HĐND tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo rà soát tổng thể các cơ sở đào tạo nghề trên địa bàn, từ đó làm cơ sở quy hoạch, sắp xếp lại mạng lưới đào tạo nghề, đảm bảo hoạt động hiệu quả, tránh chồng chéo, cạnh tranh không lành mạnh hoặc phối hợp không chặt chẽ, ảnh hưởng đến chất lượng và mục tiêu đề ra.

Theo Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, giám sát tại kỳ họp là một trong các hoạt động được chú trọng đổi mới, mang lại hiệu quả rõ nét. Ngoài xem xét các báo cáo trình tại kỳ họp, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn ngày càng tăng cường tính đối thoại, hỏi đáp và trở thành một trong những nội dung trọng tâm của kỳ họp, được đại biểu, cử tri và nhân dân quan tâm. Thời gian chất vấn được bố trí thỏa đáng (các kỳ họp HĐND tỉnh đều dành khoảng 1 - 1,5 ngày cho phiên thảo luận, chất vấn, giải trình). Nội dung chất vấn đã đề cập đến nhiều vấn đề lớn, mang tính thời sự, phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Điều này cho thấy, HĐND tỉnh đã nghiêm túc thực hiện chức năng nhiệm vụ, không né tránh các vấn đề phức tạp, nhạy cảm của đời sống xã hội.

Bên cạnh đó, việc trả lời của các cơ quan chức năng cũng rất nghiêm túc, thẳng thắn, trách nhiệm, cầu thị, tạo nên không khí dân chủ, mang tính xây dựng cao, hướng tới đề xuất được các giải pháp khắc phục những bất cập đang đặt ra trong công tác quản lý nhà nước và đời sống thực tiễn ở địa phương, cơ sở. Thường trực, các Ban của HĐND, Tổ đại biểu, đại biểu HĐND giám sát thường xuyên, chặt chẽ việc thực hiện “lời hứa"; tăng cường đôn đốc việc thực hiện kết luận của Chủ tọa kỳ họp.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác giám sát cũng gặp một số hạn chế, khó khăn như: Lĩnh vực giám sát rộng, nhiều vấn đề được đặt ra nên việc lựa chọn nội dung giám sát có lúc phải cân nhắc; việc thu thập thông tin liên quan đến nội dung giám sát từ các cơ quan chuyên môn có thời điểm chưa thật sự đầy đủ; một số đại biểu hoạt động kiêm nhiệm kỹ năng giám sát còn hạn chế. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021, tỷ lệ giám sát việc triển khai thực hiện các nghị quyết do HĐND tỉnh ban hành còn chưa cao…

Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Dương Hoàng Hương, để hoạt động giám sát của HĐND tỉnh đạt hiệu quả cao hơn nữa trong thời gian tới, cần thực hiện tốt việc lựa chọn nội dung giám sát, đảm bảo các chủ đề được lựa chọn có tính trọng tâm, tránh dàn trải hoặc quá chung chung, tập trung vào các vấn đề quan trọng, có ý nghĩa thời sự mà xã hội đang quan tâm, những vấn đề có tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của bộ máy chính quyền và sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, cần thu thập đầy đủ thông tin về nội dung giám sát, bao gồm các chủ trương, chính sách, quy định pháp luật, các văn bản hướng dẫn liên quan; các báo cáo, tài liệu phân tích, đánh giá nhiều chiều về nội dung giám sát.

Để hoạt động giám sát có chất lượng, kỹ năng và kinh nghiệm giám sát của đại biểu cũng cần được quan tâm bồi dưỡng, củng cố; tăng cường công tác truyền thông về nội dung, vấn đề giám sát, nhất là thông tin từ ý kiến cử tri mà phương tiện truyền thông thu thập, phản ánh...

Trung Kiên (TTXVN)
HĐND tỉnh Thái Nguyên bãi bỏ 2 nghị quyết về dự án chống lũ sông Cầu
HĐND tỉnh Thái Nguyên bãi bỏ 2 nghị quyết về dự án chống lũ sông Cầu

Từ ngày 10 đến ngày 13/8, HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 tổ chức kỳ họp thứ 2 nhằm đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và đề ra nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội những tháng cuối năm 2021, thông qua các nghị quyết quan trọng quyết định đến việc hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của cả nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN