Như vậy, từ ngày 14/10 đến nay, Phú Thọ ghi nhận 839 ca mắc COVID-19, trong đó nhiều nhất là tại thành phố Việt Trì với 458 ca; các huyện Lâm Thao 148; Phù Ninh 107 ca; Thanh Sơn 73 ca; thị xã Phú Thọ 19 ca; Tam Nông 13 ca; Tân Sơn 8 ca; Thanh Thủy 5 ca; Cẩm Khê 3 ca; Yên Lập 2 ca; Hạ Hòa 2 ca; Thanh Ba 1 ca.
Trong ngày, toàn tỉnh tổ chức tiêm 7.586 liều vaccine phòng COVID-19, trong đó có 5.806 mũi 1 và 1.780 mũi 2; không phát hiện trường hợp phản ứng thông thường và phản ứng nặng sau tiêm chủng. Tính lũy tích, toàn tỉnh đã có 832.698 lượt tiêm vaccine phòng COVID-19, trong đó có 731.936 người được tiêm một mũi; có 100.762 người được tiêm đủ hai mũi vaccine. 69,2% người dân trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất một mũi và 9,5% người dân trên 18 tuổi được tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19.
Phú Thọ được đánh giá đang ở cấp độ 2 của dịch bệnh; trong đó, huyện Thanh Sơn cấp độ 3; 11/13 huyện ở cấp độ 2, gồm thành phố Việt Trì; thị xã Phú Thọ; các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba, Tân Sơn và Yên Lập; chỉ còn huyện Đoan Hùng đang ở cấp độ 1. Toàn tỉnh có 4 xã ở cấp độ 4 gồm xã Chu Hóa (thành phố Việt Trì), thị trấn Thanh Sơn, xã Thục Luyện, Sơn Hùng (Thanh Sơn); 5 xã ở cấp độ 3 và 44 xã ở cấp độ 2, các xã còn lại cấp độ 1.
Trước tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn diễn biến phức tạp, ngày 3/11, UBND tỉnh Phú Thọ đã ban hành văn bản về việc chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ quan, đơn vị. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã nghiêm túc chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, địa bàn quản lý; thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh về phòng, chống dịch đã ban hành; yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tuân thủ nghiêm việc thực hiện 5K, bắt buộc tất cả các trường hợp đến làm việc tại cơ quan, đơn vị phải khai báo y tế thông qua quét mã QR-code bằng phần mềm để quản lý và thuận lợi cho việc truy vết.
Cùng với đó, tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chủ động tự xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên 3-5 ngày/lần, tùy theo điều kiện cụ thể, các cơ quan, đơn vị có thể tổ chức xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp đối với trường hợp có nguy cơ cao. Các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức đoàn thể: bố trí, sắp xếp công việc, cho phép khoảng 30-50% lực lượng cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc từ xa (ngoại trừ các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch).
Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thành phố, thị xã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ theo phạm vi, địa bàn quản lý; đảm bảo tất cả đơn vị có đăng ký điểm khai báo y tế bằng mã QR-Code, đồng thời thực hiện bắt buộc việc khai báo y tế thông qua quét mã QR-code bằng phần mềm (PC-COVID, VNEID). Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương, người đứng đầu các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh nghiêm túc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân nếu chủ quan, thiếu cảnh giác, vi phạm các quy định để dịch bệnh xâm nhập, lây lan.
Cùng ngày, tỉnh đã ra văn bản gửi các sở, ban, ngành đoàn thể, các địa phương trong tỉnh về việc tăng cường quản lý đối với một số dịch vụ có nguy cơ cao để phòng, chống dịch COVID-19. Theo đó, Phú Thọ yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với một số dịch vụ có nguy cơ lây nhiễm như vũ trường, quán bar, karaoke, massage, cơ sở cung cấp dịch vụ internet, trò chơi điện tử, spa-làm đẹp, phòng tập gym, câu lạc bộ bi-a… Các nhà hàng, quán ăn, uống, không phục vụ tại chỗ, chỉ bán hàng mang về cho đến khi có thông báo mới.
Các khu vực có nguy cơ cao tiếp tục triển khai dạy học theo hình thức trực tuyến để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; giảm 30 - 50% số người làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, khuyến khích làm việc trực tuyến từ xa (trừ các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch). Hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch được phép hoạt động song phải bảo đảm tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch.
Đồng thời, tỉnh tiếp tục kiểm soát và áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đối với người đến/về từ vùng dịch trong và ngoài tỉnh. Trước mắt, áp dụng đối với tất cả các xã, phường thuộc TP Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bình Thuận, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Gia Lai, Quảng Nam, Hà Giang, Nam Định; các xã có nguy cơ dịch được xác định ở cấp độ 4 và các vùng phong tỏa thuộc tỉnh Phú Thọ và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc…
Người đã tiêm đủ liều vaccine hoặc người đã khỏi bệnh, phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú đủ 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Người chưa tiêm đủ liều vaccine phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Người chưa tiêm vaccine phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương. Trường hợp là người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ dưới 16 tuổi thuộc diện cách ly phải thực hiện cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở y tế (nếu cần thiết) và có người chăm sóc cách ly cùng theo quy định…