Phòng, chống tiêu cực trong lực lượng bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn hạn chế

“Chú trọng trách nhiệm nêu gương "thượng tôn pháp luật" của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức làm nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ pháp luật và quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông” - Yêu cầu này được Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nêu ra tại Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023, diễn ra ngày 9/2.

 

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Văn Thắng phát biểu. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Còn xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ

Đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công an, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát Giao thông, các bộ, ngành đã có những đóng góp quan trọng trong kết quả của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng biểu dương các tỉnh, thành phố đã nỗ lực kéo giảm tai nạn giao thông trong năm 2022, đặc biệt là các địa phương có mức giảm số người chết do tai nạn giao thông trên 30% so với năm 2019.

Chỉ ra một số hạn chế, Bộ trưởng cho rằng, kết quả và hiệu quả công tác đấu tranh, phòng, chống tiêu cực trong lực lượng trực tiếp thực thi công vụ về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn rất hạn chế, còn để xảy ra tình trạng vi phạm pháp luật trong thực thi công vụ. Điển hình là vụ việc xảy ra trong lĩnh vực đăng kiểm gây bức xúc trong dư luận xã hội, phải đưa vào diện Ban Chỉ đạo Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực Trung ương theo dõi.

Liên quan đến vụ việc sai phạm ở Cục Đăng kiểm Việt Nam và một số Trung tâm Đăng kiểm, Bộ trưởng chia sẻ, khi đi sâu vào vụ việc cho thấy, nguyên nhân chính là đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Sở Giao thông Vận tải các địa phương nhưng không tăng cường thanh, kiểm tra. Một số địa phương cho thành lập “vô tội vạ” Trạm Đăng kiểm. Nhiều Trạm Đăng kiểm không đủ doanh thu để bù đắp chi phí, dẫn đến câu chuyện lôi kéo các phương tiện vận tải, phát sinh các tiêu cực như du di bỏ qua lỗi vi phạm.

Ông Nguyễn Văn Thắng cho biết, Bộ đã chỉ đạo, sắp tới, sẽ vẫn phân cấp, phân quyền, nhưng sẽ siết chặt thanh, kiểm tra. Bên cạnh đó là xử lý các vấn đề liên quan đến phương tiện, con người, ứng dụng công nghệ thông tin.

Ông đề nghị các Sở Giao thông Vận tải, UBND các địa phương cộng đồng trách nhiệm, cùng phối hợp để bịt các lỗ hổng, siết chặt những quy định lỏng lẻo.

Tham luận tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cho rằng, việc chỉ đạo xử lý sai phạm ở các Trung tâm Đăng kiểm sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác đăng kiểm phương tiện. Ông đề nghị Bộ Giao thông Vận tải quan tâm chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải các địa phương nâng cao vai trò, trách nhiệm trong quản lý hoạt động của các Trạm Đăng kiểm trên địa bàn. Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo Công an các địa phương kiên quyết xử lý đối với lực lượng có vi phạm.

Thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa giao thông an toàn

Phát biểu kết luận Hội nghị, nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm 2023, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, điều kiện thực tế của đơn vị, địa phương mình, cũng như các nhiệm vụ cụ thể đã được giao trong Kế hoạch Năm An toàn giao thông 2023 để tổ chức triển khai. Trước hết là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận số 45-KL/TW về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 18-CT/TW của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.

Các bộ, ngành xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật và các quy định liên quan đến công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, quan tâm tạo dựng hành lang pháp lý cần thiết để áp dụng kịp thời các thành tựu công nghệ mới vào bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, trọng tâm là xây dựng Luật Giao thông đường bộ sửa đổi và Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản dưới luật nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn; siết chặt quy định về quản lý hoạt động của các cơ sở đăng kiểm phương tiện, thiết bị nói chung, nhất là phương tiện cơ giới đường bộ; đơn giản hóa, xóa bỏ những yêu cầu, thủ tục hành chính không còn phù hợp với thực tiễn, tạo thuận lợi và giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp…

Cùng với đó, bảo đảm tiến độ, chất lượng, bảo đảm an toàn giao thông và bảo vệ môi trường khi thi công các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm; tổ chức giao thông khoa học, hợp lý. Bảo trì, sửa chữa kết cấu hạ tầng giao thông gắn với rà soát, xử lý dứt điểm các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông; xóa bỏ lối đi tự mở trái phép qua đường sắt; ngăn ngừa, xử lý hoạt động lấn chiếm tuyến luồng hàng hải, đường thủy nội địa; bảo vệ an toàn tĩnh không đường tiếp cận và khu bay các cảng hàng không.

Chú thích ảnh
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

“Các chủ đầu tư dự án công trình giao thông cần chủ động thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện cơ giới phục vụ thi công tại dự án, không để tình trạng làm mới tuyến đường này lại gây hư hỏng và mất an toàn giao thông cho các tuyến đường khác; khẩn trương đầu tư và kịp thời đưa vào khai thác các trạm dừng nghỉ dọc theo các tuyến đường bộ cao tốc”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Nhấn mạnh đến việc kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đề nghị Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, truyền thông về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông bám sát chủ đề Năm An toàn giao thông 2023 “Thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”.

Bộ trưởng đề nghị các cục chuyên ngành của Bộ Giao thông Vận tải, các Sở Giao thông vận tải chủ động phối hợp với lực lượng Cảnh sát Giao thông, các cơ quan báo chí, truyền thông kịp thời rà soát, xử lý các điểm đen, điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông theo quy định; có phương án tổ chức giao thông an toàn, kịp thời điều tiết, phân luồng khắc phục ùn tắc giao thông, không để xảy ra mất an toàn tại hiện trường khi xảy ra các sự cố trên tuyến. Tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước nhằm nâng cao chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của phương tiện giao thông vận tải…

“Cục Đăng kiểm Việt Nam chủ động có phương án về tổ chức, nhân sự, đồng thời làm việc với các cơ quan chức năng của Bộ Công an để sớm phục hồi hoạt động các trạm đăng kiểm bị tạm dừng hoạt động để phục vụ công tác điều tra, đáp ứng kịp thời nhu cầu đăng kiểm của nhân dân”, Bộ trưởng Giao thông Vận tải yêu cầu.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Hòa Bình: Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm về an toàn giao thông
Hòa Bình: Tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm về an toàn giao thông

Ngày 7/2, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm an toàn giao thông 2022; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2023, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban phụ trách Ban An toàn giao thông tỉnh Hòa Bình Quách Tất Liêm nhấn mạnh, năm 2023 lực lượng chức năng cần đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về trật tự an toàn giao thông nhằm giảm thiểu số vụ tai nạn, số người chết, số người bị thương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN