Dự hội thảo có đại diện lãnh đạo Ủy ban Trung ương MTTQ, các bộ, ngành Trung ương; các chuyên gia đến từ các cơ quan thuộc Chính phủ; đại biểu Quốc hội đến từ các tỉnh, thành và nhiều giảng viên thuộc các trường đại học trong nước.
Sơ hở trong cơ chế, chính sách là "mảnh đất tốt" cho tham nhũng
Tại hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá sâu sắc về cụm từ “tham nhũng, bao gồm tham nhũng lớn và tham nhũng vặt”, vì đó là một dạng đặc biệt của vi phạm pháp luật và tội phạm, phải kiên trì phòng chống theo hướng lâu dài.
Tiến sĩ Nguyễn Đình Quyền, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nguyên Viện Trưởng Viện nghiên cứu lập pháp cho rằng, nhiều năm qua, Việt Nam đã rất cố gắng trong việc hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật; củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong cả hệ thống chính trị và bộ máy Nhà nước. Nhưng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, đến nay Nhà nước ta chưa thể chế hóa một cách kịp thời, đầy đủ, toàn diện và thực hiện tốt trên thực tế chế định kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp năm 2013. Công tác phòng, chống tham nhũng, việc phát hiện và xử lý vi phạm hành vi tham nhũng còn gặp nhiều khó khăn, đang là thách thức rất lớn hiện nay.
Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra Chính phủ cho biết, chính tham nhũng lớn tạo cơ sở, điều kiện cho tham nhũng vặt nảy sinh. Tham nhũng vặt là loại hình tham nhũng làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống hằng ngày của một bộ phận không nhỏ người dân, doanh nghiệp; làm gia tăng sự bất bình đẳng trong xã hội, đặc biệt là về kinh tế khi người nghèo là nạn nhân chính; làm suy giảm lòng tin của người dân, doanh nghiệp vào chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước. Khi tham nhũng vặt tràn lan sẽ dẫn đến tình trạng tham nhũng lớn, đồng thời sẽ tạo ra những hệ lụy xấu cho xã hội và bộ máy Nhà nước.
Nhiều ý kiến cho rằng, tham nhũng lớn hay tham nhũng vặt đều phát sinh trong thể chế, cơ chế, chính sách, pháp luật; trong lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành; trong tổ chức thực hiện pháp luật; trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thẩm quyền; trong kiểm soát quyền lực… Bất kỳ văn bản pháp luật nào, cơ chế, chính sách nào có sơ hở thì đều là "mảnh đất tốt" để phát sinh hành vi tham nhũng.
Theo Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Luật Phòng, chống tham nhũng được Quốc hội thông qua vào ngày 20/11/2018. Đến nay, việc phòng, chống tham nhũng trong khu vực công vẫn cần tiếp tục được hoàn thiện cả về cơ chế, thể chế, chính sách, pháp luật nhưng yêu cầu khách quan cần phải điều chỉnh cả khu vực tư vì đã xuất hiện tham nhũng trong khu vực tư, đặc biệt có sự đan xen giữa khu vực công và khu vực tư. Biểu hiện rõ đó là tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm, sâu sau, đấu thầu, vốn trái phiếu Chính phủ…
Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục phòng, chống tham nhũng - Thanh tra Chính phủ cho hay: Những năm qua, trong hoạt động của các cơ quan Thanh tra Nhà nước cũng đã xảy ra không ít những vụ việc tham nhũng, tiêu cực liên quan đến cán bộ, công chức, viên chức trong ngành, thậm chí là cán bộ thanh tra làm công tác phòng, chống tham nhũng, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, ảnh hưởng đến uy tín của ngành.
Giai đoạn từ tháng 7/2011 - 6/2019, toàn ngành Thanh tra đã triển khai hơn 61.800 cuộc thanh tra hành chính; hơn 1.668.000 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua thanh tra đã kiến nghị thu hồi về ngân sách Nhà nước hơn 312.800 tỷ đồng; hơn 357.400 ha đất. Trong công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2007 - 2016, đã phát hiện 670 vụ với hơn 1.800 đối tượng có hành vi, biểu hiện tham nhũng với số tiền hơn 1.000 tỷ đồng cùng hơn 73 ha đất; chuyển cơ quan điều tra 274 vụ cùng 429 đối tượng có dấu hiệu tội phạm tham nhũng.
Trong giai đoạn 2017 - 2019, ngành Thanh tra đã phát hiện 283 vụ, 358 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng; trong đó, có một số vụ việc đặc biệt nghiêm trọng như vụ mua 95% cổ phần của Công ty Cổ phần nghe nhìn Toàn cầu (AVG) đã chuyển cơ quan điều tra để xử lý hình sự; đồng thời kiến nghị thu hồi trên 8.500 tỷ đồng. Từ năm 2013 - 3/2020, trong các cơ quan Thanh tra Nhà nước đã xảy ra tổng cộng 71 vụ việc tham nhũng, tiêu cực; trong đó 3 vụ tại cấp bộ, 16 vụ tại thanh tra cấp tỉnh, 42 vụ tại thanh tra cấp huyện và 9 vụ tại thanh tra sở.
Công khai, minh bạch về tổ chức hoạt động
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng, công tác phòng, chống tham nhũng mặc dù có nhiều nỗ lực, hiệu quả nhất định, song ở nhiều ngành, nhiều cấp vẫn còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vòi vĩnh người dân, doanh nghiệp; lợi dụng kẽ hở từ cơ chế, chính sách để vụ lợi, sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy trình, không công bằng, khách quan khi giải quyết công việc.
Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, biện pháp quan trọng và hiệu quả nhất để phòng ngừa tham nhũng trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị là phải công khai, minh bạch về tổ chức hoạt động. Đây là vấn đề liên quan đến thiết chế dân chủ, đến quyền con người, quyền công dân, quyền tiếp cận thông tin, bản chất mối quan hệ giữa Nhà nước và công dân. Bên cạnh đó, các cơ quan, tổ chức, đơn vị cần phải xây dựng và thực hiện định mức, tiêu chuẩn, chế độ rõ ràng bởi vấn đề này đều do con người hoạch định. Việc phát sinh lợi ích nhóm, lợi ích ngành và tham nhũng cũng phát sinh từ đó. Đây là vấn đề có liên quan đến cải cách hành chính, kiểm soát quyền lực, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên mọi lĩnh vực.
Ngoài ra, cần thực hiên quy tắc ứng xử của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây là những quy định mang tính chất kiểm soát xung đột lợi ích của người có chức vụ, quyền hạn; đồng thời phải chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn mà trên thực tế có thể phát sinh quá nhiều lợi ích trong các mối quan hệ công tác.
Ông Nguyễn Mạnh Cường nhấn mạnh, việc kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị cần phải khách quan, trung thực, công khai và trách nhiệm; đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ trong quản lý và thanh toán không dùng tiền mặt. Đây là một chế định quan trọng nhất của phòng, chống tham nhũng.
Muốn phòng, chống tham nhũng có hiệu quả, cần có hệ thống pháp luật hoàn chỉnh trên tất cả các lĩnh vực. Do đó, việc đề xuất các giải pháp để tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới là rất quan trọng và thực sự cần thiết. Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cần kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ xem xét, bổ sung, sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng để Luật được hoàn chỉnh hơn, có tính răn đe sâu sắc; giúp cơ quan thực thi pháp luật thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ về phòng, chống tham nhũng.